Tín dụng tiêu dùng hết thời "gà đẻ trứng vàng"

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiêu dùng sụt giảm, không chỉ cầu tín dụng của doanh nghiệp, mà người dân cũng khó tăng. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng.

Tín dụng tiêu dùng hết thời "gà đẻ trứng vàng"

Từ năm 2020 đến nay, thị trường tài chính tiêu dùng đã phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 và sự suy giảm tổng cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2023, khó khăn với ngành tài chính tiêu dùng hiện rõ khi nhiều công ty tài chính có kết quả kinh doanh suy giảm.

Chẳng hạn, FE Credit vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 với khoản lỗ sau thuế là 2.996 tỷ đồng, so với mức lãi 144 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước (tuy có lãi trong 6 tháng 2022, nhưng luỹ kế cả năm 2022, công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất này ghi nhận lỗ hơn 3.000 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của FE Credit giảm từ 0,9% xuống còn -29,23%.

Vốn chủ sở hữu của FE Credit tính đến 30/6/2023 giảm 35,6% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 10.250 tỷ đồng; Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 4,02 lên 5,43; Dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu của FE Credit tăng từ 14,45% lên 23,41%. Đồng thời, FE Credit cũng ghi nhận tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của pháp luật chuyên ngành giảm từ 23% xuống còn 13,89%.

Theo phân tích của Chứng khoán VCBS, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit hiện đang là mức cao trong ngành tài chính tiêu dùng. Trong khi đó, VNDirect cho rằng, điều kiện kinh tế không thuận lợi đã ảnh hưởng đến nhóm khách hàng thu nhập thấp, vốn là khách hàng chính của FE Credit. VNDirect dự phóng tăng trưởng cho vay của FE Credit đạt 5% trong năm 2023 và lỗ trước thuế khoảng 700 tỷ đồng.

Trước đó, trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2023 của VPBank - công ty mẹ của FE Credit, Ban lãnh đạo ngân hàng này cũng nhận định, năm 2023 tiếp tục là năm khó khăn đối với FE Credit, đặc biệt là trong 6 tháng đầu năm nay. Ngân hàng kỳ vọng hoạt động của FE Credit sẽ dần ổn định và có lãi trong 6 tháng cuối năm 2023. Tốc độ tăng trưởng cho vay nhìn chung sẽ chậm lại, nhưng được tập trung vào khách hàng sẽ ít rủi ro hơn.

Trong đó khi đó, dù có quý khởi đầu năm 2023 đầy hứng khởi với khoản lãi trước thuế đạt 54,3 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm, nhưng tại báo cáo tài chính bán niên sau soát xét, VietCredit bất ngờ lỗ lũy kế 73,6 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Theo giải trình VietCredit, trong báo cáo tự lập, Công ty có ghi nhận lợi nhuận trước thuế trái phiếu doanh nghiệp là 17 tỷ đồng, trong đó bao gồm doanh thu ghi nhận từ một số loại phí phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng qua thẻ tín dụng.

Tuy nhiên, trong báo cáo soát xét bán niên, Công ty đã điều chỉnh phân bổ doanh thu các loại phí này thay vì ghi nhận một lần tại thời điểm phát sinh như nhiều loại doanh thu phí khác, để đảm bảo tính thận trọng hơn trong việc ghi nhận doanh thu.

Dù không chịu lỗ nặng như 2 công ty trên, nhưng mức lợi nhuận của các công ty tài chính tiêu dùng khác cũng teo tóp đi rất nhiều.

Cụ thể, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính vừa được công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đạt lợi nhuận sau thuế 328 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm 2022.

Mcredit là công ty tài chính liên doanh giữa Ngân hàng TMCP Quân Đội và Ngân hàng SBI Shinsei (Nhật Bản), được thành lập từ năm 2016. Mcredit có thị phần thứ 3 trên thị trường cho vay tài chính tiêu dùng, đạt 12% năm 2022, sau FE Credit và Home Credit.

Trong khi đó, Home Credit báo lãi hơn 211 tỷ đồng 6 tháng đầu năm, chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2022, công ty có thị phần lớn thứ 2 thị trường này ghi nhận mức lãi kỷ lục gần 1.200 tỷ đồng.

Tính đến cuối quý II/2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit đạt 6.571 tỷ đồng, tăng 193 tỷ đồng, tương ứng tăng 3% so với ngày đầu năm. Tổng nợ phải trả gấp 2,77 lần vốn chủ sở hữu, khoảng 18.202 tỷ đồng, giảm 29% sau 6 tháng. Tại ngày 30/6, tổng tài sản của công ty tín dụng này gần 24.773 tỷ đồng.

Liên quan tới Home Credit, thông tin đáng chú ý gần đây là việc Kasikornbank - ngân hàng lớn thứ 2 của Thái Lan - đang đàm phán để mua lại Home Credit với giá trị thương vụ dự kiến là 1 tỷ USD.

Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ mua bán - sáp nhập lớn thứ 2 trong ngành tài chính Việt Nam trong năm nay, sau thương vụ VPBank bán 15% cổ phần, trị giá 1,5 tỷ USD cho SMBC của Nhật Bản vào tháng 3 vừa qua. Trước đó, trong tháng 10/2021, VPBank cũng thông báo hoàn tất thương vụ bán lại 49% cổ phần của FE Credit cho Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC (SMBCCF) - một công ty con của Sumitomo Mitsui Financial Group với giá trị thương vụ ước tính khoảng 1,4 tỷ USD.

Home Credit bắt đầu hoạt động tại Việt Nam kể từ năm 2008 với số vốn ban đầu là 550 tỷ đồng, do Công ty Home Credit B.V (có trụ sở chính tại Hà Lan) sở hữu 100% vốn điều lệ. Tháng 9/2022, vốn điều lệ của Home Credit được điều chỉnh tăng lên 2.050 tỷ đồng.

Tương tự, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng thu nhập hoạt động của HD Saison tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 314 tỷ đồng, bằng một nửa so với con số 6 tháng đầu năm 2022. Một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận sụt giảm trong khi tổng thu nhập vẫn ở mức cao đó là biên sinh lời (NIM) của HD Saison giảm từ 30,2% về 29,7% khi chi phí vốn tăng từ 6% lên 7,9%.

Tính đến cuối tháng 6/2023, tổng dư nợ của HD Saison có sụt giảm nhẹ so với cuối năm 2022 nhưng vẫn duy trì ở mức xấp xỉ với cùng kỳ năm trước với 15.590 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 7,1% (cuối năm 2022) lên 7,9% với 1.234 tỷ đồng nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5. Tổng tài sản của HD Saison cũng giảm nhẹ so với cuối năm trước về 16.600 tỷ đồng.

Một trong những điểm sáng tích cực trong hoạt động của HD Saison là công ty này vẫn giữ vững được thị phần cho vay xe máy, một trong những thế mạnh của mình trong nửa đầu năm 2023 với thị phần 42%, tăng nhẹ so với mức 37% cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), nhận định, thời điểm này là giai đoạn khó khăn nhất của các công ty tài chính sau khi ngấm đòn từ dịch Covid-19 và hệ lụy do khó khăn của kinh tế kéo dài từ năm ngoái đến nay, nhất là hoạt động thu nợ.

Đáng chú ý, tỷ lệ khách vay không trả nợ, thậm chí rủ nhau "bùng nợ" ngày càng cao, trong khi chế tài với khách hàng này chưa có và việc khởi kiện càng khó thực hiện vì đa số các khoản nợ giá trị thấp. Trong bối cảnh đó, các công ty tài chính hiện không dám mạnh tay cho vay tiêu dùng vì lo khó thu hồi nợ.

Theo số liệu của VNBA, tính đến hết năm 2022, nợ xấu của các công ty tài chính tăng 23,09% so với cuối năm trước và có xu hướng tăng cao trong thời gian tới.

Hiện thị trường có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép, với dư nợ tính đến cuối năm 2022 đạt trên 220.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,87% so tổng dư nợ toàn nền kinh tế và 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng toàn hệ thống.

Tin bài liên quan