Tín dụng tiêu dùng: “Héo hắt” vì trần lãi suất

(ĐTCK) Chủ đề thảo luận được nhấn mạnh nhất trong lĩnh vực ngân hàng tại Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng 1/12 là trần lãi suất cho vay và ảnh hưởng của nó đến tín dụng tiêu dùng. Theo ý kiến của đại diện các tổ chức tài chính, trần lãi suất quy định trong Quyết định 16/2008 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ làm thui chột ngành tín dụng tiêu dùng còn non trẻ của Việt Nam trước khi đạt đến một khối lượng đủ lớn.

Nhóm công tác ngân hàng do ông Asok Sud,  Giám đốc Standard Chartered Bank Vietnam làm chủ tịch cho rằng, trên thế giới dịch vụ ngân hàng và tài chính bán lẻ được  quy định và đối xử khác so với dịch vụ cho vay doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh, bởi vậy các chính sách của Việt Nam cần nhận rõ sự khác biệt này và có những quy định riêng phù hợp với từng loại hình dịch vụ. Ngân hàng bán buôn phục vụ các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh, ngân hàng bán lẻ phục vụ nhu cầu của từng cá nhân. Quy định về trần lãi suất được áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng ở Việt Nam khiến cho dịch vụ ngân hàng bán lẻ không thể phát triển được. Việc áp dụng chính sách đồng nhất đối với cả hai loại hình dịch vụ đã có ảnh hưởng tiêu cực và là nguyên nhân chính đẩy các khách hàng cá nhân ra khỏi hệ thống ngân hàng và đẩy họ tới những thị trường cho vay không chính thức và buộc phải  "vay với lãi suất cao".

Đành rằng, khống chế trần lãi suất cho vay của NHNN nhằm đảm bảo lãi suất huy động ở mức hợp lý dù có chủ ý hay không, dường như quyết định này hiện nay cũng có hiệu lực đối với cho vay tiêu dùng và tín dụng bán lẻ, tức là cũng khống chế trần lãi suất cho vay ở lĩnh vực này mức 16,5%/năm. Mức trần như vậy được áp dụng gây tác hại nặng nề tới tín dụng bán lẻ ở Việt Nam. Trần lãi suất này ngăn cản tất cả các khoản cho vay có lãi suất xác định dựa trên thống kê yếu tố rủi ro đối với người vay cao hơn mức trần. Nó sẽ làm giảm sự phát triển của việc cho vay dựa trên những đánh giá khách hàng kỹ càng và quản lý rủi ro chặt chẽ và do vậy bộ phận có rủi ro cao hơn sẽ không được phục vụ đúng mức. Rủi ro đối với các khoản vay không có bảo đảm đặc biệt cao hơn đối với rủi ro của các khoản vay có bảo đảm. Chi phí hoạt động cũng cao hơn vì bên cho vay phải áp dụng một hệ thống quản trị rủi ro phức tạp hơn và mở rộng hoạt động ra khỏi khu vực thành thị truyền thống. Chính sách như hiện nay hạn chế phạm vi cung cấp tín dụng chỉ trong giới những người có thu nhập cao. Kết quả là tổ chức tài chính dư cung tín dụng cho tầng lớp có thu nhập cao và gây cạnh tranh quá mức ở phân khúc thị trường này, trong khi lại hạn chế tín dụng đối với bộ phận người dân xứng đáng được vay nhưng có độ rủi ro cao hơn, mặc dù họ rất cần vay để đáp ứng những nhu cầu chính đáng của cuộc sống.

Việc áp dụng trần lãi suất như hiện nay khiến các sản phẩm mới như cho vay không có bảo đảm dưới hình thức vay trả góp hay thẻ tín dụng sẽ bị cắt giảm hay chuyển thành khoản vay có bảo đảm và do đó  sẽ làm giảm khả năng thâm nhập và tác động tích cực của lĩnh vực tài chính mới mẻ này. Hầu hết ngân hàng và tổ chức tài chính đã đầu tư vốn rất lớn vào phát triển hệ thống, nâng cấp cơ sở hạ tầng hoạt động  song hạn mức trần tín dụng cho vay đã làm đổ vỡ phần lớn kế hoạch này, dẫn đến việc cắt giảm quy mô hay đóng cửa nhiều bộ phận tín dụng bán lẻ.

Các chuyên gia cho rằng, NHNN hạn chế tốc độ tăng trưởng tín dụng để kiểm soát lạm phát là việc làm cần thiết nhưng việc cắt giảm tín dụng chỉ nên thực hiện với các khoản vay tiêu dùng không cấp thiết và các khoản vay cho hoạt động đầu cơ (bất động sản, vàng...). Một khu vực tài chính tiêu dùng nội địa phát triển lành mạnh là rất quan trọng để có thể duy trì mức tăng GDP tối thiểu mà Việt Nam đã đặt ra. Việc duy trì tiêu dùng này phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiếp cận tín dụng của người tiêu dùng bình thường cũng như hệ thống bán lẻ.

Tín dụng tiêu dùng: “Héo hắt” vì trần lãi suất ảnh 1

Chính vì vậy, Việt Nam nên xây dựng các quy định hướng dẫn riêng biệt cho dịch vụ cho vay cá nhân (khác với dịch vụ cho vay doanh nghiệp), đặc biệt trong điều kiện hiện nay cần phải kích thích nhu cầu tiêu dùng trong nước để lấp khoảng trống khi nhu cầu trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế trên toàn cầu. Tiêu dùng trong nước sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc duy trì mức tăng trưởng GDP cao ở Việt Nam, dịch vụ ngân hàng bán lẻ cần được khuyến khích mở rộng và phát triển. Việc áp đặt "mức lãi suất trần" bằng 150% lãi suất cơ bản của NHNN cần phải sửa đổi nếu mong muốn ngành này phát triển thành công.

Tại các buổi làm việc với NHNN mới đây, nhóm ngân hàng nhấn mạnh rằng, tài chính tiêu dùng không nên bị đánh đồng với những loại tín dụng khác vì nó hướng chủ yếu đến tài trợ các khoản vay tiêu dùng bình thường và các giao dịch thẻ tín dụng, chứ không nhằm mục đích đầu cơ. "Tốt nhất hoạt động tài chính tiêu dùng/thẻ tín dụng không nên bị hạn chế bởi quy định trần lãi suất hiện hành vì cơ cấu và thể thức hoạt động của loại hình tài chính này khác với hình thức cho vay thông thường", ông Asok Sud bày tỏ quan điểm.           

 

Gỡ khó cho hoạt động tài chính tiêu dùng từng là chủ đề tranh luận nảy lửa tại một cuộc họp giữa đại diện NHNN và các ngân hàng, công ty tài chính nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, ĐTCK trích đăng một số ý kiến để rộng đường dư luận.

 
Ông Sanjay Gupta , Giám đốc quốc gia GE Money 

Chúng tôi hiểu sự cần thiết cắt giảm tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam để kiềm chế lạm phát nhưng quy định về trần lãi suất cho vay không phải là giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng, mà chấm dứt hẳn hoạt động cho vay tiêu dùng. Với điều kiện hiện nay, mọi khoản vay tiêu dùng đều gây lỗ, NHNN nên cân nhắc tìm ra giải pháp tức thời để giúp các công ty cho vay tiêu dùng có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh. Nếu không, toàn bộ hoạt động tài chính tiêu dùng sẽ bị dừng lại và phải mất nhiều năm mới có thể phục hồi.

Ông Peter Schiesser, Giám đốc dịch vụ tài chính cá nhân ANZ Việt Nam 

Thẻ tín dụng là một hình thức của tài chính tiêu dùng, ở Việt Nam cho vay qua thẻ tín dụng hiện vẫn rất hạn chế, chỉ có xấp xỉ 50% người có thẻ tín dụng trả lãi tín dụng. Hơn nữa, phần lớn đây là tín dụng tín chấp, rủi ro cao và ít lợi nhuận, lại cần đầu tư rất lớn vào cơ sở hạ tầng, các ngân hàng cần ít nhất 3 năm mới có thể đạt điểm hòa vốn.

Ông Maurice Nhan , Trưởng đại diện SG (Pháp) tại Việt Nam

 Để phát triển hoạt động tài chính tiêu dùng ở Việt Nam, phần lớn ngân hàng và công ty tài chính đã phải đầu tư khá lớn vào cơ sở hạ tầng và năng lực hoạt động . Các công ty tài chính cho người dân bình thường có mức thu nhập trung bình vay để giúp họ thỏa mãn nhu cầu cuộc sống chính đáng, chứ không phải tiêu dùng hàng hóa xa xỉ hay đầu cơ. Áp dụng cơ chế trần lãi suất đã làm ngưng hoạt động cho vay tiêu dùng và khiến các tổ chức tài chính lao đao.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN

Năm 2007 đã xảy ra sự bùng nổ về tiêu dùng và cho vay tiêu dùng ở Việt Nam.  Năm 2008, Chính phủ chủ trương giảm dần chi tiêu để dành vốn cho khu vực doanh nghiệp. Tác động cho  vay tiêu dùng đến GDP của Việt Nam hiện nay vẫn chưa lớn, các tổ chức tài chính phải tạm thời chấp nhận hoàn cảnh khó khăn này, đồng thời nên tự tìm kiếm giải pháp/lĩnh vực kinh doanh khác để vượt qua. Khi nền kinh tế ổn định và phát triển, NHNN sẽ xem xét lại chính sách hiện thời, còn hiện tại các tổ chức tài chính phải thi hành Quyết định 16, không có ngoại lệ nào. Tỷ lệ lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh dựa trên các điều kiện thị trường và sức chịu đựng của nền kinh tế.