Tín dụng tăng trưởng âm, dự phòng Eximbank vẫn tăng mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Eximbank vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm đạt gần 552 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước.
Tín dụng tăng trưởng âm, dự phòng Eximbank vẫn tăng mạnh

Nguyên nhân là do kỳ này Ngân hàng trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, dù dư nợ tăng trưởng âm 9%.

Theo đó, lợi nhuận thuần quý 2/2020 của Eximbank giảm 9% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn hơn 759 tỷ đồng, trong khi lãi thuần từ dịch vụ cũng chỉ tăng 12%, lên mức gần 89 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 26% đạt 166 tỷ đồng.

Trong khi đó, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư giảm 43% (chỉ có lãi 12 tỷ đồng) và lãi từ hoạt động khác giảm 1%.

Eximbank cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động 2,3% xuống 728 tỷ đồng trong quý 2/2020, giảm 2% so với cùng kỳ năm trước. 

Tuy nhiên, trong quý 2/2020, Eximbank phải trích lập hơn 155 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi kỳ trước được hoàn nhập hơn 36 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận trước và sau thuế giảm của Eximbank quý này giảm đến 77% so với cùng kỳ năm trước, chỉ còn lần lượt hơn 94 tỷ dồng và 74 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, Eximbank cũng trích lập hơn 220 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập hơn 43 tỷ đồng.

Nguyên nhân được lãnh đạo Eximank cho biết là phải tăng trích lập cho khoản nợ xấu được khách hàng thế chấp bằng cổ phiếu STB của Sacombank.

Vì thế, lợi nhuận trước và sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của Eximbank lần lượt giảm 28% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 552 tỷ đồng và 441 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau 6 tháng đầu năm, Eximbank đã thực hiện được 42% kế hoạch 1.318 tỷ đồng lãi trước thuế được Ngân hàng đề ra.

Năm 2020, Eximbank đặt mục tiêu cắt giảm mạnh chi phí hoạt động 326 tỷ đồng (giảm hơn 11% so với kế hoạch ban đầu năm 2020), huy động vốn đạt 147.800 tỷ đồng (giảm 8% so với kế hoạch 2020) và dư nợ cấp tín dụng đạt 122.275 tỷ đồng (giảm 4% so với kế hoạch năm 2020).

Đặc biệt, theo kế hoạch điều chỉnh, chi phí dự phòng đã trích chủ động tăng 414 tỷ đồng so với kế hoạch 2020.

Với các nội dung điều chỉnh như trên, kế hoạch lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi giảm 10,3%, kế hoạch xử lý các tài sản thế chấp của khách hàng có nợ xấu, nợ VAMC theo kế hoạch đầu năm buộc phải giãn tiến độ sang năm tiếp theo, khiến tổng kế hoạch lợi nhuận Eximbank (good bank và bad bank) trước thuế là 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với kế hoạch đầu năm 2020 nhưng vẫn tăng 22% so với kết quả đạt được năm 2019.

Tính đến ngày 30/06/2020, tổng tài sản của Eximbank giảm 11% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 9%, chỉ còn 103,529 tỷ đồng, các khoản lãi, phí phải thu giảm 20% (957 tỷ đồng), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 43% (3.277 tỷ đồng), tiền vàng gửi tại TCTD khác giảm 40% (16.697 tỷ dồng)…

Tiền gửi khách hàng 6 tháng đầu năm nay cũng giảm 11% so với đầu năm 2020, chỉ còn 124.565 tỷ đồng. Tiền gửi của các TCTD giảm 71%, chỉ còn hơn 2.344 tỷ dồng, lợi nhuận chưa phân phối ghi nhận hơn 1.926 tỷ đồng…

Thế nhưng, đến cuối cuối quý 2/2020, nợ xấu của Eximbank tăng 12% so với đầu năm nay, lên mức hơn 2.157 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ gấp 2.4 lần đầu năm, nợ có khả năng mất vốn tăng 98%. Kết quả làm tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ mức 1,71% đầu năm lên 2.08%.

Tin bài liên quan