Tại Báo cáo kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2015 mới công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, lạm phát ở mức thấp trong năm 2015 là nhân tố để duy trì mặt bằng lãi suất thấp, khu vực ngân hàng ổn định thanh khoản, tăng trưởng tín dụng tốt. Tháng 10, khả năng thanh khoản của khu vực ngân hàng khá tốt, tỷ lệ cho vay/huy động duy trì ở mức dưới 80%.
Bên cạnh đó, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn chuyển dịch theo hướng tích cực với sự gia tăng tỷ trọng các khoản vay ngắn hạn. Tăng trưởng tín dụng của các NHTM cũng cải thiện đáng kể trong 3 quý đầu năm, với mức tăng trên dưới 13% ở những ngân hàng quy mô lớn và thậm chí đến 25 - 30% ở các nhà băng nhỏ.
Chính điều này đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các nhà băng sau 9 tháng hoạt động đầu năm. Bởi tín dụng vẫn là hoạt động đem lại tới 90% nguồn thu của các ngân hàng.
Tuy phải “gánh” thêm nợ xấu của MHB sau khi nhận sáp nhập ngân hàng này, nhưng BIDV vẫn vận hành ổn định hệ thống, với tổng tài sản hợp nhất trên 786.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20% so với cuối năm 2014. Dư nợ tín dụng đạt trên 570.000 tỷ đồng, tăng trưởng trên 15% so với đầu năm. Huy động vốn thị trường 1 đạt gần 625.000 tỷ đồng, tăng trưởng 21% so với đầu năm. Đáng chú ý, khi BIDV dẫn đầu thị trường về thu dịch vụ ròng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ.
Hiệu quả kinh doanh của BIDV tăng trưởng ổn định với lợi nhuận trước thuế đạt 5.535 tỷ đồng, tăng trưởng gần 25% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đã trích lập dự phòng rủi ro đáp ứng theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV dưới 2%. Kết quả kinh doanh quý III, theo BIDV, là cơ sở vững chắc cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh doanh năm 2015.
VPBank vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng, với 8.448 tỷ đồng tổng thu nhập thuần, tăng 94% so cùng kỳ; nguồn thu phí dịch vụ tăng trưởng 51%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất đạt 2.329 tỷ đồng, tăng 73% so với cùng kỳ năm trước và đạt 93% kế hoạch năm. Trong đó, lợi nhuận trước thuế riêng của Ngân hàng đạt gần 1.400 tỷ đồng. VPBank đã tích cực đẩy mạnh cho vay cá nhân và DN vừa và nhỏ. Đồng thời, VPBank đã xử lý được gần 1.250 tỷ đồng nợ xấu là phần thu bằng tiền do khách hàng trả nợ.
SHB cũng cho hay, lợi nhuận trước thuế 3 quý đầu năm đạt 702 tỷ đồng. Năm nay, SHB dự kiến đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 10,6% so với năm 2014, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới mức 3%.
ABBank vừa báo lãi trước thuế 9 tháng đạt 257 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 1,76%. Ngân hàng tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch 300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm nay. Tính đến 30/9, nợ xấu của Vietcombank còn 7.776 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu giảm còn 2,1% sau khi lên gần 3% đầu năm.
Còn tại Vietcombank, dư nợ tín dụng đến cuối tháng 9 tăng trên 12% so với đầu năm nay. Tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng 9 tháng của Ngân hàng tăng trưởng tới 25,6% so với cùng kỳ 2014 và sau trích lập dự phòng tăng 12,3%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.527,5 tỷ đồng, bằng 75% kế hoạch năm.
Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng, dư nợ tín dụng sẽ dần cải thiện tích cực trong những tháng còn lại của năm nay cũng như tăng trưởng tốt trong năm tới khi nợ xấu dần được xử lý, hoàn nhập dự phòng.
Dẫu vậy, tại ngân hàng nhỏ, nợ xấu vẫn “ăn” mòn lợi nhuận. Tại Kienlongbank, tính đến ngày 30/9, cho vay khách hàng đạt 15.144 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ 2014. Trong quý III, thu nhập lãi thuần đạt 195 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đạt 606 tỷ đồng. Do trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu trong quý III là 47,5 tỷ đồng, tăng 137% so với cùng kỳ nên lợi nhuận trước thuế trong quý của Ngân hàng chỉ còn 27 tỷ đồng, giảm 46% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, Kienlongbank ghi nhận 185 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 29% so với cùng kỳ năm trước. Đổi lại, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 1,94% tại thời điểm đầu năm xuống 1,33% cuối tháng 9/2015, trong đó nợ có khả năng mất vốn giảm đáng kể từ 203 tỷ đồng xuống 137 tỷ đồng.
Theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, với mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra 3-3,5%/năm hiện nay, ngân hàng có lợi, song không thể kỳ vọng lợi nhuận cao khi dự phòng rủi ro vẫn lớn. Bởi không chỉ trích lập theo quy định dự phòng chung mà các nhà băng còn phải trích dự phòng cho cả trái phiếu đặc biệt (10-20%) sau khi bán khối lượng nợ xấu lớn cho VAMC.
Trong khi đó, một chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, sở dĩ ngân hàng báo lãi đúng kế hoạch và tự tin hoàn thành chỉ tiêu là do kế hoạch đưa ra cho năm 2015 chỉ ở mức khiêm tốn, do còn khó khăn. Thực tế, nếu so với mức vốn điều lệ, chỉ tiêu lợi nhuận ngân hàng đưa ra khá thấp. Đơn cử như Eximbank vốn điều lệ trên 12.000 tỷ đồng, nhưng kế hoạch lợi nhuận năm nay là 1.000 tỷ đồng trước thuế. Hay SHB có vốn điều lệ gần 9.500 tỷ đồng, nhưng chỉ tiêu lợi nhuận năm nay là 1.120 tỷ đồng trước thuế.