Trước động thái tăng lãi suất huy động tiền gửi trong thời gian gần đây của nhiều ngân hàng, với mức tăng 0,5-1% khiến cho nhiều người liên tưởng đến việc các ngân hàng đang chạy đua huy động tiết kiệm bổ sung và chuẩn bị thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn cuối năm. Một vài nhà băng chỉ trong 1 tuần đến 2 lần tăng lãi suất tiết kiệm huy động vốn VND và tặng kèm các khuyến mại, như Viet Capital Bank với biên độ tăng 0,2-0,4%.
Nhiều dự báo đưa ra khả năng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục nhích dần trong thời gian từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNH TP.HCM khẳng định, thanh khoản của các ngân hàng hiện nay khá tốt. Tỷ lệ cho vay trên huy động chỉ chiếm dưới 80%. Vì vậy, việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng giảm là điều tất yếu.
Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng sụt giảm mạnh tháng 10, trong khi NHNN hút ròng qua kênh OMO, tín phiếu tổng cộng 47.000 tỷ đồng chứng tỏ thanh khoản của hệ thống dồi dào. Đó là nhận định của CTCK BVSC về kinh tế vĩ mô và thị trường tháng 11.
BVSC cho biết, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trong tháng 10 đã có sự sụt giảm mạnh so với tháng 9. Mức lãi suất trung bình cho kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần giảm từ 1-1,2%, lần lượt về mức 2,82%/năm, 3,1%/năm và 3,37%/năm. Đặc biệt, trong tuần cuối của tháng 10, lãi suất thậm chí giảm khá sâu, chỉ còn dưới 2%/năm.
Bên cạnh đó, nhiều khả năng tốc độ tăng chậm lại của tín dụng trong tháng 10 (chỉ tăng 0,37% so với tháng 9) đã giúp giải tỏa áp lực cho vấn đề thanh khoản. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân giúp hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ sôi động trở lại, với tổng giá trị đấu thầu thành công là 11.554 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với tháng 9, trong đó đấu thầu ở kỳ hạn 5 năm đạt tỷ lệ trúng thầu tuyệt đối (100%).
Báo cáo về hoạt động ngân hàng trong tuần (2-6/11) của NHNN cũng cho thấy, lãi suất vẫn đang ở mức ổn định. Trong tuần, có một vài ngân hàng điều chỉnh tăng, giảm nhẹ lãi suất huy động.
Mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Lãnh đạo các nhà băng cũng cho hay, việc tăng nhẹ lãi suất huy động vốn nhằm cân đối lại nguồn huy động ngắn và dài hạn, còn thanh khoản vẫn tốt. Kể cả với những nhà băng có mức tăng trưởng huy động vốn thấp hơn tăng trưởng tín dụng như ACB (9 tháng đầu năm, tăng trưởng huy động 8%, trong khi tín dụng tăng trưởng gần 13%).
Thực tế, tín dụng của các ngân hàng đã tăng trưởng mạnh trong 10 tháng đầu năm và dự báo sẽ tiếp tục cải thiện trong những tháng còn lại của năm.
Cụ thể, đến 31/10, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014; dư nợ tăng 9,2%. Tại OCB, Sacombank, Nam A Bank tăng trưởng tín dụng cũng tích cực trong 10 tháng đầu năm, với mức tăng 12-13%. Thậm chí, ở các ngân hàng nhỏ tăng 30-35%.
Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB, vốn nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định đủ đáp ứng nhu cầu tín dụng.
Lãi suất huy động có tăng nhẹ, song lãi suất đầu ra khó có thể tăng theo nên các nhà băng cũng thận trọng. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất cho vay khó có thể giảm trong bối cảnh hiện nay. Ngược lại, để kích được cầu tín dụng, các ngân hàng còn phải xem xét giảm thêm lãi suất cho vay, nhất là với vốn cho vay trung và dài hạn. Vì vậy, mặt bằng lãi suất huy động khó tăng.