Tín dụng tăng chậm, nhà băng thấp thỏm lo vơi túi tiền

Tín dụng tăng chậm, nhà băng thấp thỏm lo vơi túi tiền

Nhiều khả năng tín dụng, nhất là tín dụng hạ tầng, bất động sản năm nay sẽ tăng chậm lại. Do đó, để duy trì lợi nhuận, các ngân hàng phải tăng thu lĩnh vực dịch vụ hoặc đẩy mạnh phân khúc bán lẻ, cho vay tiêu dùng.

Kẻ lạc quan, người lo lắng

Cuộc khảo sát quý II/2016 vừa được Vụ Dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thực hiện cho thấy, các ngân hàng đang kỳ vọng tăng trưởng tín dụng đạt trên 20% trong năm 2016, cao hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng thực tế trong 5 năm gần đây và cao hơn mục tiêu mà NHNN đề ra (15-17%).

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho hay: “Kết quả kinh doanh quý I/2016 của OCB đều đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra, trong đó dư nợ tín dụng đạt trên 100% chỉ tiêu. Mới đây, NHNN đã quyết định cấp hạn mức tín dụng 25% cho OCB. Chúng tôi kỳ vọng các hoạt động tín dụng năm 2016 của OCB sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2016, OCB đặt mục tiêu tổng dư nợ tín dụng tăng 44%”, đại diện OCB thông tin.

Tuy nhiên, nhiều dấu hiệu cho thấy, khả năng tăng trưởng tín dụng năm nay không lạc quan như dự báo. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tín dụng quý I/2016 chỉ tăng 1,54% so với thời điểm cuối năm 2015. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng VIB lý giải, nền kinh tế phục hồi chưa vững chắc, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên tín dụng khó có thể bật tăng mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng năm 2016 sẽ không khả quan bằng năm 2015. Tại báo cáo ngành ngân hàng 2016 vừa được công bố, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, tín dụng năm 2016 chỉ tăng 16% (năm 2015 là trên 17%). “Tín dụng sẽ hướng tập trung hơn vào khu vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng cho hoạt động xây dựng, BOT và mua bất động sẽ chững lại do cả yếu tố thị trường và sự điều tiết của NHNN”, VCSB lý giải nguyên nhân.

Còn nhớ, 2 năm qua, từ chỗ cho vay ngắn hạn là chính, các ngân hàng ồ ạt chuyển sang cho vay trung, dài hạn. Năm 2014-2015, tín dụng rót vào lĩnh vực hạ tầng giao thông tăng mạnh. Còn trong năm 2015, tín dụng bất động sản tăng tới 28%, tổng tín dụng trung, dài hạn của toàn hệ thống chiếm 55% (dù hơn 90% vốn huy động là ngắn hạn). Việc ngân hàng rót quá nhiều vốn vào lĩnh vực giao thông, bất động sản khiến Chính phủ và NHNN nhiều lần lên tiếng vì lo ngại ngân hàng lại rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản.

Lo NIM giảm

Điểm tích cực của việc tín dụng chậm lại là thanh khoản của hệ thống tiếp tục được giữ vững. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ đe dọa tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng. Chưa kể, dù lãi suất huy động thời gian gần đây có xu hướng tăng lên, song lãi suất cho vay cũng chưa tăng đáng kể, do áp lực cạnh tranh rất lớn.

Các chuyên gia của VCBS cho rằng, NIM giữ được trong quý I/2016 là do sự tăng lên của tỷ trọng các tài sản có lợi suất cao trong cơ cấu tài sản sinh lãi, chứ không phải do các ngân hàng tăng mặt bằng lãi suất cho vay. Chẳng hạn, tín dụng trung, dài hạn, tín dụng bán lẻ tăng tốt hơn tín dụng ngắn hạn, bán buôn, trái phiếu đầu tư tăng cao hơn so với cho vay liên ngân hàng.

Hiện NIM của hệ thống ngân hàng đang xoay quanh mức 3%. Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, NIM của hệ thống ngân hàng năm 2015 là 2,74%, tăng nhẹ so với mức 2,7% năm 2014 và giảm khá mạnh so với mức 3,5% năm 2011.

Để cải thiện lợi nhuận trong bối cảnh tín dụng trung, dài hạn bị thắt chặt, nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh tín dụng bán lẻ, cho vay tiêu dùng và tăng thu từ dịch vụ. Đơn cử, trong năm 2015 vừa qua, tăng trưởng tín dụng của VPBank tăng tới 28% nhưng tín dụng tiêu dùng, tín dụng bán lẻ và tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 70% tổng dư nợ. Mảng cho vay doanh nghiệp lớn dù vẫn tăng trưởng, nhưng chỉ chiếm 30% dư nợ của ngân hàng.

Tin bài liên quan