Tín dụng tăng chậm ngân hàng vẫn xin nới room

Tín dụng tăng chậm ngân hàng vẫn xin nới room

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Techcombank, VIB, VPBank, TPBank, Sacombank, HDBank đều đã được NHNN cho phép nâng room tín dụng, dù dư nợ toàn ngành ngân hàng tăng trưởng chậm từ đầu năm đến nay, do tác động của đại dịch Covid-19. Việc nới room tín dụng năm nay "khá dễ", vì ngành ngân hàng đang nỗ lực để mở rộng tín dụng.

Ngân hàng đều được nới room tín dụng

Kết thúc nửa đầu năm nay, tín dụng của ngành ngân hàng tăng chậm.

Theo số liệu đưa ra từ NHNN, tính đến ngày 28/7, trong khi huy động vốn toàn ngành ngân hàng tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ tăng 7,13%).

Thế nhưng, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), nhiều ngân hàng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên mức cao.

Trong đó, MB, Techcombank, VPBank, VIB, HDBank và TPBank đã được cấp hạn mức tín dụng lên mức đề nghị.

Cụ thể, Techcombak, VPBank được nâng room tín dụng tới 19 - 23%; MB cũng được điều chỉnh room tín dụng từ 11,75% lên 20%; VIB được nới lên12,5% so với hạn mức ban đầu, trong khi TPBank được tăng room lên 11,5%.

Trước đó, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, đến gần hết tháng 6/2020, tăng trưởng tín dụng Ngân hàng tăng khoảng 6% so với đầu năm và đang trình xin nới hạn mức (room) lên 14%.

Theo Tổng giám đốc Sacombank, do ảnh hưởng dịch Covid-19, cầu vốn của khách hàng không tăng đột biến, tuy nhiên do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% và gần 6 tháng đầu năm nay, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đã xấp xỉ 6%.

Vì vậy, tăng trưởng tín dụng của Sacombank chỉ còn lại 3% nên Ngân hàng đã trình xin NHNN nói room tín dụng lên 14% để có thêm dư địa cho vay trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm.

Cũng theo Tổng giám đốc Sacombank, hiện thanh khoản của Ngân hàng khá dồi dào, thậm chí Sacombank đang dư thừa 30.000 tỷ đồng vốn huy động.

Tuy nhiên, chất lượng tín dụng luôn được Ngân hàng kiểm soát, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, nhằm ngăn ngừa rủi ro nợ xấu tăng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng Sacombank tăng từ 1,94% đầu năm lên 2,15% đến hết tháng 6/2020.

Thông tin tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, ngay từ đầu tháng 7/2020, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt NHTM, kể cả NHTM có vốn Nhà nước hay NHTM cổ phần tư nhân.

Theo đó, ngân hàng nào có điều kiện tăng trưởng lành mạnh vào các lĩnh vực phục vụ cho tăng trưởng kinh tế, thì có thể điều chỉnh tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn so với nhu cầu.

Tuy nhiên, với BIDV, VietinBank, Vietcombank, cùng ACB và Eximbank không được nới thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, bởi so với khối cổ phần thì các ngân hàng có vốn nhà nước vẫn còn dư địa khá lớn để tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể tại Eximbank, do tín dụng 6 tháng đầu năm nay vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng âm khi dư nợ cho vay giảm đến 8,6% tại ngày 30/6/2020.

Tín dụng ACB tăng 5,6% nửa đầu năm nay, song nợ xấu của ACB là 1.918 tỷ đồng, tăng 32% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,54% lên 0,68% đến hết tháng 6/2020.

Đồng thời, do tác động bởi dịch Covid-19 nên cầu tín dụng năm nay chậm, trong khi dư địa cho vay của ACB vẫn còn (mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 11,75% năm nay) nên ACB không xin nới thêm room.

Theo Tổng giám đốc ACB ông Đỗ Minh Toàn, tín dụng của Ngân hàng sẽ cơ cấu lại danh mục cho vay để đảm bảo mảng cá nhân hỗ trợ lại mảng doanh nghiệp, tập trung phát triển tín dụng bán lẻ.

Nhưng khó sử dụng hết hạn mức

Thực tế cho thấy, nhu cầu tín dụng thời gian qua rất yếu, đặc biệt là trong tháng 4 – 5/2020..

Cụ thể, vào tháng 3 tín dụng tăng khoảng 1,13%, tháng 4 tăng 0,12%, tháng 5 tăng 0,53% và đến 29/6 thì mức tăng so với tháng 5 là 1,28%.

Tính đến ngày 30/6/2020, tín dụng tăng trưởng 3,26% so với đầu năm, nhưng đây cũng là mức tăng thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây và đến gần cuối tháng 7 vẫn thấp khi mức tăng chưa tới 4%, chưa bằng một nửa so cùng kỳ.

Tín dụng tại một số ngân hàng cũng có dấu hiệu tăng, nhưng không cao như mọi năm.

HDBank tăng 8,3% trong nửa đầu năm nay; dư nợ Techcombank đến 30/6/2020 tăng 7,4%; tăng trưởng tín dụng hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của VPBank đạt 9,8% so với cuối năm 2019; VIB tăng 6%; TPBank tăng gần 11%; MB tăng 4,4%...

Vì thế, việc các ngân hàng xin nới room tín dụng để đón đầu cầu vốn tăng cuối năm nay được cho là sẽ khó đáp ứng được như kỳ vọng.

BSC dự báo tăng trưởng tín dụng ở mức 9% năm 2020. Các ngân hàng giảm tỷ trọng cho vay vào cá nhân và SME, tập trung cho vay doanh nghiệp lớn.

Trong khi đó, theo thông tin từ VCBS, nhu cầu tín dụng suy giảm và các ngân hàng quy mô lớn trở nên thận trọng trong việc cho vay mới khiến cho nhu cầu tìm đến các ngân hàng cổ phần có nguồn vốn tốt thể hiện qua chỉ số CAR.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, việc nới room tín dụng cho một số ngân hàng đủ điều kiện tăng trưởng lành mạnh đã được thực hiện từ đầu tháng 7/2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế.

Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.

NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu phụ thuộc và nhóm “Big4” ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank. Các ngân hàng nhỏ và vừa, xét về giá trị tuyệt đối tác động tới toàn hệ thống không lớn như 4 ngân hàng quốc doanh.

Chẳng hạn tại Agribank, chỉ cần tăng 1%, dư nợ có thể lên 10.000 tỷ đồng, xấp xỉ dư nợ của một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ như Saigonbank (dư nợ cho vay khách hàng giảm 2,79%, đạt 14.151 tỷ đồng tính đến cuối tháng 6/2020).

Mặt khác, NHNN tạo điều kiện nới chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD là hợp lý, nhưng các ngân hàng phải đảm bảo được hiệu quả khi cho vay. Muốn cho vay hiệu quả, thu hồi được vốn, ngân hàng phải tìm được các dự án hiệu quả để giải ngân.

Trước tình hình đầu ra tín dụng vẫn khó như hiện nay, giới phân tích tài chính cho rằng, các ngân hàng có thể không dùng hết phần “room” được NHNN nới thêm. Kể cả trong mùa cao điểm cuối năm nay vẫn khó kích cầu tín dụng.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, trong bối cảnh thị trường còn khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, doanh nghiệp đang phải chống đỡ để tồn tại và chưa nhiều công ty nghĩ đến việc sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Thực tế này cũng được các ngân hàng cho hay, hiện với những doanh nghiệp yếu thì không đáp ứng được điều kiện tín dụng để cho vay, trong khi đó, với những công ty lớn chưa có nhu cầu sử dụng vốn vay. Thậm chí, các doanh nghiệp này còn đem tiền nhàn rỗi gửi ngân hàng.

Các ngân hàng tập trung tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng nhiều hơn là giải ngân vốn vay mới, do cầu tín dụng của khách hàng chậm lại. Tính tới giữa tháng 6/2020, tổng số dư nợ thực hiện tái cơ cấu theo Thông tư 01 đạt 172.000 tỷ đồng, tương đương 2% tổng dư nợ.

Tin bài liên quan