Nhân viên tín dụng không còn khoác lên mình chiếc áo “vừa sang, vừa chảnh” trong mắt nhìn của doanh nghiệp

Nhân viên tín dụng không còn khoác lên mình chiếc áo “vừa sang, vừa chảnh” trong mắt nhìn của doanh nghiệp

Tín dụng tăng chậm, một góc nhìn khác biệt - kỳ 2: Khó khăn cho hệ thống

(ĐTCK) Tín dụng tăng chậm trong hơn 2 năm trở lại đây đã thực sự tác động tới từng phòng tín dụng, từng nhân viên tín dụng ngân hàng. Không có các cuộc sa thải rầm rộ nhưng nhiều nhân viên đã “tự động nghỉ việc”, nhiều hàng rào phê duyệt đã được dựng lên.

Bài 2: Khó khăn cho hệ thống ngân hàng

Ông Phan Thanh Tịnh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Nhựa bao bì Phan Công ở Đồng Nai cho biết, dù là doanh nghiệp được ngân hàng xếp hạng tốt nhưng việc vay vốn hiện khó khăn hơn trước, các khâu từ thẩm định đến giải ngân đều kéo dài và nhiều thủ tục hơn.

Nhân viên tín dụng cũng không còn khoác lên mình chiếc áo “vừa sang, vừa chảnh” trong mắt nhìn của doanh nghiệp.

“Trong hơn một năm trở lại đây, ngân hàng nào có ý gây khó khăn là doanh nghiệp chuyển ngay hồ sơ sang ngân hàng khác, vừa không mất chi phí, vừa nhanh, thậm chí lãi suất còn tốt hơn”, ông Tịnh nói.

Câu chuyện cũng tương tự đối với Giám đốc một doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Vị giám đốc này cho biết, trước kia doanh nghiệp coi việc phải “lobby” cho cán bộ tín dụng là việc bình thường để mọi việc giải quyết cho nhanh, nhưng còn giờ đây, có đưa tiền họ cũng không nhận và tất cả làm theo đúng quy trình.

Vị giám đốc này cũng chia sẻ, thực tế ông biết quy trình của ngân hàng trước đây vẫn vậy nhưng có 2 thái cực khác nhau. Nếu khách hàng tốt thì ngân hàng sẵn sàng “bớt” một số thủ tục để tạo thuận lợi, nếu không sẽ bị các ngân hàng khác lấy mất. Và với khách hàng xếp hạng thấp hơn thì “độ chảnh” của ngân hàng cao hơn, doanh nghiệp buộc phải “đứng thấp” một chút trong giao dịch.

“Tuy nhiên, sau những thông tin về nợ xấu lớn hay các vụ án được đưa ra xét xử của hệ thống gần đây, tôi thấy bộ phận tài chính phản ánh lên rằng, hầu hết các ngân hàng đều áp dụng một quy trình chặt chẽ hơn với tất cả các hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp”, vị giám đốc trên cho biết. 

Ngân hàng biết… sợ!

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP chia sẻ câu chuyện tại chính ngân hàng mình, một chi nhánh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp theo đúng quy trình rồi giải ngân theo tiến độ. Mọi chuyện diễn ra theo một chu trình bình thường, chỉ có một điểm khác biệt mà doanh nghiệp phản ánh rằng vị giám đốc chi nhánh bỗng nhiên “khó gặp hơn”.

“Khi tôi hỏi xuống chi nhánh là tại sao không gặp mặt doanh nghiệp để hiểu biết thêm, gắn bó hơn về họ? Vị giám đốc chi nhánh này nói sợ gặp mặt rồi trong câu chuyện có thể phát sinh điểm này, điểm kia; gặp mặt doanh nghiệp rồi anh em chuyên viên khách hàng lại… sợ”, vị Tổng giám đốc này nói và chia sẻ:

“Nhiều nhân viên tín dụng và bộ phận phê duyệt hiện rất sợ kiểu hồ sơ khách hàng giao từ trên xuống, không làm thì ngại lãnh đạo, mà làm thì sợ rủi ro cho cá nhân mình”.

Phó tổng giám đốc phụ trách khối khách hàng lớn của một ngân hàng cũng cho biết, chuyên viên khách hàng của các chi nhánh bây giờ thích làm bộ phận bán lẻ hơn. Cho vay và làm dịch vụ cho cá nhân dù chỉ tiêu cao, nhưng ít rủi ro.

“Nhiều nhân viên có năng lực không hề mặn mà với khối khách hàng doanh nghiệp, dù ngân hàng đã chấp nhận trả lương tốt hơn, đãi ngộ cũng tốt hơn các bộ phận khác”.

Tuy nhiên, những câu chuyện trên chỉ là những góc nhìn của người quản lý. Còn với các nhân viên thừa hành, họ có nhiều vấn đề để bận tâm hơn.

Một cán bộ với hàm phó phòng chi nhánh Cửa Nam của một ngân hàng tại Hà Nội chia sẻ, lương đã giảm gần 3 lần so với 3 năm trước, chỉ tiêu tăng nhưng nhân sự không tăng, rồi một loạt các quy trình mới được bổ sung để đảm bảo giảm rủi ro cho ngân hàng được ban hành, khiến khối lượng công việc của bộ phận chị phụ trách đã tăng lên gấp đôi so với trước.

“Nghĩ đến công việc rất oải nhưng cố gắng lần hồi hướng vào tương lai tươi sáng hơn, tuy vậy, công việc khá ì ạch bởi thỉnh thoảng nhân sự giỏi báo nghỉ việc”.

Thừa nhận đây là một hiện trạng hoạt động ngân hàng hiện nay, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cho biết: “Việc động viên cán bộ bằng cả việc hoàn thiện quy trình, cơ chế đãi ngộ và sự chăm lo là một nhiệm vụ mà Ban lãnh đạo Agribank được yêu cầu phải thực hiện. Nếu không làm được điều đó thì rất khó động viên cán bộ nhân viên để họ mạnh dạn với công việc”.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, sau các đợt tái cấu trúc với hoạt động tín dụng lộ ra nhiều bất cập thì việc nhân sự làm tín dụng của các ngân hàng xáo trộn cũng là điều bình thường. TS. Hiếu cũng cho biết, trong quá khứ, ông được biết tình trạng nhân viên tín dụng ngân hàng “co lại” còn nặng nề hơn nhiều so với hiện nay.

Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng cảnh báo, việc ngân hàng để chảy máu nhân sự giỏi, nắm vững quy trình tốt sẽ khiến tín dụng ngân hàng đó khó đẩy nhanh trở lại khi nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi. Khi nhu cầu tín dụng và các dịch vụ tài chính doanh nghiệp tăng lên, chỉ tiêu được giao cao hơn mà thiếu nhân sự giỏi thì rất dễ nảy sinh những rủi ro mới trong hoạt động cho vay của mỗi ngân hàng.

Đón đọc kỳ 3: Nỗi sợ thường trực của cán bộ tín dụng
Tin bài liên quan