Tín dụng tại TP.HCM tăng 1,93% trong 5 tháng đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tín dụng trên địa bàn TP.HCM đến cuối tháng 5/2024 đạt 3.610 nghìn tỷ đồng, tăng 0,61% so với tháng trước, tăng 1,93% so với cuối năm 2023 và tăng 9,83% so với cùng kỳ.
Tín dụng tại TP.HCM tăng 1,93% trong 5 tháng đầu năm

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM đánh giá, tín dụng trên địa bàn thành phố 5 tháng đầu năm hình thành xu hướng tăng trưởng tích cực và ổn định hơn qua từng tháng.

Theo đó, mặc dù tốc độ tăng trưởng không cao, song tín dụng đã duy trì tốc độ tăng trưởng dương liên tục từ tháng 2/2024 đến nay, với xu hướng tháng sau tăng cao hơn tháng trước (tín dụng tháng 4/2024 tăng 0,35%; tháng 5 tăng 0,61%).

Đây là kết quả quan trọng trong điều kiện khả năng hấp thụ vốn trong nền kinh tế còn thấp. Xu hướng này sẽ là cơ sở quan trọng để tín dụng tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong thời gian tới, khi hoạt động kinh tế thường vận hành và tăng trưởng tốt trong 6 tháng cuối năm.

Đồng thời, hoạt động tín dụng phản ánh hiệu ứng chính sách và gắn liền với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cơ chế Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp, với dư nợ đạt 44.623 tỷ đồng cho 41.094 khách hàng; giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng- doanh nghiệp đạt 207.195 tỷ đồng, chiếm 40,6% quy mô gói.

Theo đó, có gần 70.000 khách hàng, doanh nghiệp được giải ngân và hỗ trợ từ gói này: Giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ; cho vay mới với lãi suất thấp. Áp dụng chính sách ưu đãi từ các chương trình tín dụng của NHNN cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên: giải ngân gói lâm sản thủy sản; cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất nhập khẩu..., đã trực tiếp tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên địa bàn duy trì, ổn định và phát triển.

Cũng theo ông Lệnh, tín dụng trên địa bàn góp phần quan trọng thực hiện nhiệm vụ chính sách tiền tệ của NHNN và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Trong đó, chương trình cho vay bình ổn thị trường từ đầu năm đến nay đã giải ngân đạt 5.375 tỷ đồng cho 32 doanh nghiệp (gồm 14 doanh nghiệp bình ổn và 18 doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng), với đặc điểm nổi bật và truyền thống trong suốt nhiều năm qua.

Cụ thể, lãi suất cho vay thấp (luôn thấp hơn lãi suất thị trường trong mọi thời điểm, mọi giai đoạn) đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này giảm giá thành sản phẩm, giảm giá bán hoặc giữ giá bán thấp đối với các mặt hàng thiết yếu đã tạo điều kiện bình ổn thị trường hỗ trợ và thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội cũng như góp phần thực hiện tốt mục tiêu chính sách tiền tệ trên địa bàn Thành phố.

Chương trình cho vay nông nghiệp và nông thôn đạt 351.302 tỷ đồng, cho khoảng 1,63 triệu khách hàng là hộ nông dân và doanh nghiệp khu vực nông nghiệp và nông thôn của Thành phố cũng như doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực này, tăng 4% so với cuối năm và tăng 24% so với cùng kỳ.

Gói tín dụng lâm sản, thủy sản cùng chính sách tín dụng theo Nghị định 116/2018/NĐ-CP và tăng trưởng tích cực của lĩnh vực này trong sản xuất và xuất khẩu là yếu tố chính tác động tích cực đến hoạt động tín dụng lĩnh vực này trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm; Chương trình tín dụng đối với khu công nghiệp - khu chế xuất (KCN-KCX) tiếp tục tăng trưởng tốt, tăng cao hơn mức tăng tín dụng chung. Đến nay, dư nợ tín dụng cho vay KCN-KCX trên địa bàn đạt 221.699 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm và tăng 8,9% so với cùng kỳ.

Đây là kết quả quan trọng đặt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, kết quả này không chỉ phản ánh nhiệm vụ thực thi chính sách tiền tệ tín dụng của NHNN về hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà kết quả này còn là cơ sở quan trọng để tín dụng tiếp tục tăng trưởng trong thời gian còn lại của năm, với một số giải pháp cụ thể như sau: Duy trì tốc độ tăng trưởng tạo lập dòng tiền, tạo luân chuyển vốn trong nền kinh tế có ý nghĩa quan trọng trong việc tháo gỡ điểm nghẽn tín dụng. Theo đó, tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó, mà đối với các doanh nghiệp hoạt động tốt, nhất là trong các lĩnh vực là động lực tăng trưởng sẽ có ý nghĩa lan tỏa và hiệu ứng lớn hơn...

Với tốc độ tăng trưởng 1,93% so với cuối năm, là tốc độ chưa cao, song đặt trong mối liên hệ với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ này của năm 2023 (tăng 1,87%) và năm 2020 tăng (1,75%) và tính quy luật trong tăng trưởng kinh tế của các tháng nửa cuối năm (thường tốt hơn các tháng đầu năm).

Trong đó, lượng đơn hàng được đặt; một số ngành vẫn duy trì tăng trưởng tốt và giải pháp cụ thể đối với thị trường bất động sản đang được thực hiện… sẽ là yếu tố tác động tích cực để tín dụng nói chung và trên địa bàn nói riêng duy trì và đạt kết quả theo định hướng đề ra.

Tin bài liên quan