“Bẫy” lãi suất thấp
Việc tung ra nhiều gói sản phẩm tín dụng tiêu dùng lãi suất thấp của không ít ngân hàng hiện nay đã khiến khách hàng sập “bẫy” bởi sức hấp dẫn của lãi suất khá “mềm” cho những tháng đầu tiên giải ngân.
Chẳng hạn, có ngân hàng cho vay mua ô tô với lãi suất ưu đãi chỉ 6%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 8% trong 8 tháng đầu. Thậm chí, còn đưa ra gói lãi suất ưu đãi 0% trong tháng đầu giải ngân, với kỳ vọng thu hút được nhiều cá nhân vay tiêu dùng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là, sau khi trả xong nợ tháng đầu hoặc vài tháng đầu, không ít khách hàng té ngửa vì lãi suất phải trả cho ngân hàng quá cao. Một số ngân hàng thậm chí còn tính lãi suất tính trên dư nợ ban đầu, thay vì dư nợ giảm dần, nên tổng lãi vay mà khách hàng phải trả bị đội lên rất cao.
Trong khi đó, không chỉ với khách hàng cá nhân, mà ngay cả DNNVV cũng không dễ tiếp cận vốn vay trước tình hình nợ xấu ngân hàng tăng hiện nay. Mặc dù nhiều gói vốn ưu đãi lãi suất được ngân hàng công bố dành cho các đối tượng doanh nghiệp này, với lãi suất ưu đãi 8 - 10%/năm (ngắn hạn) và 9 - 11%/năm dài, nhưng để tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi là cả một vấn đề, dù thanh khoản của ngân hàng hiện khá dôi dư.
Hơn nữa, tuy trần lãi suất đầu vào đã được điều chỉnh giảm để tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay ra (trần lãi suất cho vay thấp nhất đối với 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 8%/năm và phổ biến 9 – 11%/năm), song mức lãi suất ưu đãi này chỉ áp dụng đối với những doanh nghiệp tốt. Còn với DNNVV, khách hàng cá nhân, lãi suất thường cao hơn 2 - 3%/năm so với mức trên.
Khó vay bởi thiếu tài sản đảm bảo
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, dư nợ tín dụng của khối DNNVV khó tăng cũng có nguyên nhân của nó, cho dù các DNVVN chiếm 30 - 40% tổng dư nợ của nền kinh tế.
Theo ông Toàn, chủ trương của ACB là đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng đối với khu vực DNNVV, nhưng mảng tín dụng này gần như không tăng trong 4 tháng qua. Lý do là, để được vay vốn, DNNVV phải có tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo của DNNVV chủ yếu là bất động sản, mà giá bất động sản thời gian qua đã sụt giảm mạnh, nên giá trị tài sản đảm bảo cũng giảm theo. Vì thế, dư nợ cũ phải điều chỉnh giảm dần, tạo thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện các ngân hàng cũng cho vay dựa trên ngành nghề hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, song theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại, đối với các doanh nghiệp này phải kiểm soát kỹ, vì không ít khách hàng đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các tài sản khác, nên rủi ro nợ xấu rất cao. Bên cạnh đó, biên lợi nhuận giảm, nên doanh nghiệp dễ tính đến việc lấy vốn vay ngân hàng để mua tài sản cố định, dẫn đến mất cân đối nguồn vốn, gây nguy cơ không trả được nợ, nên ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho biết, bản chất của hoạt động ngân hàng là huy động vốn và cho vay, nhưng hiện nay, dù thanh khoản dồi dào, song cửa đầu ra của đồng vốn vẫn rất hẹp. Nhu cầu vốn của khách hàng, nhất là doanh nghiệp tốt, không có. Trong khi đó, lãi suất cho vay đã thu hẹp dần, nên biên lợi nhuận trong hoạt động tín dụng rất thấp, do vậy ngân hàng càng phải kiểm soát chặt đầu ra.
Còn ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, có những DNNVV có dự án rất tốt, nhưng điều kiện vay không đủ do năng lực tài chính hạn chế, nên ngân hàng cũng không thể cho vay.
Theo số liệu điều tra doanh nghiệp Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng doanh nghiệp có vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm đa số, với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, năng lực tài chính hạn chế…
Còn lãnh đạo VietCapital Bank nêu quan điểm, cạnh tranh về thị phần tín dụng là rất gay gắt, nên lúc này không chỉ với doanh nghiệp đạt điểm 10, mà chỉ cần 7 - 8 điểm trên thang điểm 10 là ngân hàng đã sẵn sang cho vay. Tuy nhiên, nếu sức khỏe của doanh nghiệp đạt dưới mức 7 - 8 điểm, thì thật sự không dám cho vay, vì rủi ro nợ xấu tăng.