Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB

Tín dụng sẽ tăng tốc cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB cho rằng, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế tuy còn có những khó khăn nhất định do sức cầu yếu, song với các dấu hiệu tích cực như lãi suất giảm thêm, đơn hàng bắt đầu về lại... sẽ là yếu tố tác động tích cực lên hoạt động tín dụng những tháng cuối năm 2023.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng đang “thừa tiền” nên cần giảm thêm lãi vay, kích cầu tín dụng, nhất là trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, theo ông thì sao?

Tôi cho rằng, điều đó có thể đúng nhưng chưa đầy đủ, bởi khái niệm “thừa” tiền cần được hiểu rõ, vì với ngân hàng cũng cần có một khoản dự trữ thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Phần này cũng tùy từng ngân hàng, có thể dôi dư nhưng cần đảm bảo được quy định và tỷ lệ rủi ro trong việc đảm bảo an toàn chung.

Có thể trong một lúc nào đó, dòng tiền có thể “thừa”, nhưng vẫn cần đảm bảo được rủi ro cũng như dự phòng và dự đoán về yêu cầu. Thực ra, trong giai đoạn này, các ngân hàng tăng huy động để chuẩn bị cho dòng tiền, cung ứng vốn cho khách hàng mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Do đó, nếu nói ngân hàng “thừa” tiền tạm thời có thể đúng, nhưng cũng chưa thực sự đầy đủ.

Vậy hỗ trợ khách hàng và kích cầu vốn trong bối cảnh hiện nay bằng cách nào?

Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, ngành ngân hàng đã nỗ lực để cùng doanh nghiệp vượt qua bằng cách giảm lãi suất, đưa ra các chính sách tín dụng phù hợp. Trong 8 tháng đầu năm 2023, ACB đã triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân hết. Tuy nhiên, để hỗ trợ khách hàng cũng như nền kinh tế, ACB tiếp tục nâng gói tín dụng lên 50.000 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm. Chúng tôi tập trung nguồn vốn nhiều vào khách hàng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu.

Thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam có sự tăng trưởng khá khiêm tốn. Gần đây, tỷ giá có sự tăng nhẹ, đâu đó gần 3%, do đó chúng tôi quyết định đẩy mạnh cho vay bằng tiền đồng để doanh nghiệp xuất khẩu có thể tránh được tỷ giá biến động. Vả lại, với mức lãi suất cho vay bằng VND mà ACB hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu chỉ khoảng 5%/năm, gần tương đương với lãi suất vay USD, qua đó giúp doanh nghiệp lĩnh vực này ổn định hơn trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời đề phòng rủi ro biến động tỷ giá.

Tăng tốc tăng trưởng tín dụng vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của ngân hàng trong những tháng cuối năm

Tăng tốc tăng trưởng tín dụng vừa là yêu cầu, vừa là trách nhiệm của ngân hàng trong những tháng cuối năm

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng?

Hiện thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào nên theo tôi, với các ngân hàng vừa là trách nhiệm, vừa là yêu cầu phải tăng tốc tăng trưởng về tín dụng. Ở đây, không chỉ là lãi suất ưu đãi ở các gói tín dụng xuất khẩu hay tài trợ cho vay mua nhà, mà các ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cho vay cả thế chấp lẫn tín chấp.

ACB đang đẩy mạnh cho vay tín chấp. Chẳng hạn với lĩnh vực xuất khẩu, hiện chúng tôi đang đẩy mạnh cho vay tín chấp để hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường và chuyển dòng tiền về tài khoản mở tại ACB. Theo đó, các doanh nghiệp có thể đưa dòng tiền vào và chúng tôi quản lý dòng tiền đó. Đây là hình thức vay tín chấp dựa vào dòng tiền doanh nghiệp.

Với khách hàng cá nhân, nhất là vay mua nhà, lãi vay dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, ông có chia sẻ gì?

Từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trên bình diện toàn hệ thống, chứ không riêng lẻ từng ngân hàng, nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tốc độ giảm lãi suất sẽ ngày càng nhanh hơn, có thể cuối năm lãi suất cho vay sẽ quay về mức thấp như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát.

Đối với khách hàng cá nhân, rõ ràng, nhu cầu tiêu dùng yếu có ảnh hưởng nhất định đến tín dụng lĩnh vực này nên các ngân hàng đang từng bước hỗ trợ, kích cầu vốn. Hiện ACB có gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà, tiêu dùng... với lãi suất ưu đãi khoảng 7-8%/năm nhằm gia tăng tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt với nhu cầu vay mua nhà của cá nhân, ACB đẩy mạnh cho vay mua nhà để ở.

Cùng với sự điều chỉnh của Thông tư 06/2023/TT-NHNN, cơ quan quản lý cũng đã có quy định mới. Trong đó, cho phép các ngân hàng được cho vay, tài trợ lại vốn để khách hàng trả nợ khoản vay mua nhà, tiêu dùng ở ngân hàng khác. ACB cũng đã thúc đẩy chương trình này với lãi suất từ 7-9%/năm tùy vào thời gian cố định lãi suất và nhiều ưu đãi đi kèm dành cho khách hàng.

Có thể nói, ACB đã thực hiện có nguyên tắc, tuân thủ quy định của Thông tư 06/2023 và sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng trong thời gian dài. Bởi nhiều lúc khách hàng vay chỉ được ưu đãi lãi suất trong thời gian đầu, sau đó sẽ nâng lên, nhưng chúng tôi muốn có sự đảm bảo với khách hàng nên đã áp dụng mức lãi suất 9%/năm cố định trong thời gian 2 năm đầu cho khách hàng.

Nhận định của ông về mặt bằng lãi suất trong những tháng cuối năm?

Tôi cho rằng, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay sẽ giảm tiếp trên bình diện toàn hệ thống, chứ không riêng lẻ từng ngân hàng, nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng. Đồng thời, tốc độ giảm lãi suất sẽ ngày càng nhanh hơn, có thể cuối năm lãi suất cho vay sẽ quay về mức thấp như thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. ACB cũng đang cho vay với mức lãi suất ngang bằng thời điểm này.

Tuy có độ trễ, song lãi suất cho vay đã giảm, thậm chí lãi vay ưu đãi thấp hơn lãi suất huy động. Liệu tín dụng có tăng trưởng nhanh các tháng cuối năm?

Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện có hạn chế nhất định, đồng thời do các yếu tố từ bên ngoài như xuất khẩu tăng chậm. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, thị trường đang tốt dần lên, chẳng hạn chỉ số PMI tháng 8/2023 đã tăng lên trên mức 50 điểm. Các đơn hàng bắt đầu về lại với thị trường cũng như các doanh nghiệp Việt Nam và cho thấy dấu hiệu tăng trưởng bền vững thời gian tới, cho dù mức độ tăng còn chậm. Vì thế, nhiều khả năng tín dụng sẽ tăng tốc trong những tháng cuối năm.

Nếu như 8 tháng đầu năm 2023 (tức 2/3 của chặng đường), tín dụng mới tăng khoảng 5%, nhưng trong các tháng còn lại của năm sẽ tăng mạnh mẽ hơn. Tại ACB, tín dụng tăng trưởng khoảng 7% trong 8 tháng đầu năm và chúng tôi tin tưởng dư nợ cho vay sẽ tăng mạnh những tháng cuối năm nay. Tính chung cả năm, ACB sẽ cố gắng đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14%.

Về nợ xấu thì sao, liệu có gia tăng trong nửa cuối năm?

Đúng là trong 6 tháng đầu năm 2023, nợ xấu toàn ngành nói chung và tại ACB nói riêng có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, với các quy định của Thông tư 02/2023/TT-NHNN mà Ngân hàng Nhà nước kịp thời ban hành, cho phép các ngân hàng tái cơ cấu nợ cũng như nỗ lực của toàn ngành trong việc xử lý nợ, nên khả năng nợ xấu sẽ ổn định trong những tháng cuối năm 2023. Từng ngân hàng sẽ có cách kiểm soát nợ xấu trong hoạt động của mình để ngăn ngừa rủi ro, đồng thời khó khăn của khách hàng và thị trường sẽ dần qua đi nên nợ xấu sẽ ổn định và đi xuống kể từ năm 2024.

Tin bài liên quan