Dư nợ mua trái phiếu chỉ chiếm khoảng 3% tổng dư nợ
Ngoài tâm điểm chú ý hiện nay trên thị trường trái phiếu là mức độ rủi ro của người dân khi mua trái phiếu doanh nghiệp thì một câu chuyện khác đó là mức độ tham gia của ngân hàng vào thị trường này. Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, liên quan đến vấn đề các ngân hàng thương mại tham gia thị trường trái phiếu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, các ngân hàng đóng hai vai trò trên thị trường này: thứ nhất là vai trò là người phát hành trái phiếu, hay còn gọi là người bán trái phiếu của mình cho người dân; thứ hai là vai trò người đi mua, đầu tư trái phiếu do doanh nghiệp phát hành.
Ở vai trò thứ nhất, “đây là một hình thức huy động tiền của người dân, người dân có thể đến gửi tiền dưới dạng chứng chỉ tiền gửi, nhưng cũng có thể mua trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD) phát hành, trái phiếu này kỳ hạn là trên 1 năm”. Hình thức này mang lại thuận lợi cho người dân là có thể nắm giữ trái phiếu này khi đến hạn thì nhận được tiền như đi rút tiền gửi. Nếu ngân hàng phát hành trái phiếu chuyển đổi thì người dân thì ngoài việc cho vay TCTD còn có thể trở thành cổ đông của TCTD đó. Đối với các ngân hàng phát hành trái phiếu, hình thức này cũng như huy động vốn, nhưng kỳ hạn 1 năm, trên 1 năm và tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD trong việc cân đối nguồn vốn.
“Hiện nay, tiền gửi của hệ thống các TCTD chủ yếu ở kỳ hạn ngắn, chiếm tới 82% tổng lượng tiền gửi vào hệ thống và người dân có thể thường xuyên rút tiền. Trong khi đó, nhu cầu vay trung và dài hạn lớn, nên các TCTD gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối thanh khoản. Do đó, hình thức phát hành trái phiếu doanh nghiệp có nhiều thuận lợi… Tuy nhiên, các TCTD huy động theo hình thức này chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng huy động”, Thống đốc nói.
Ở vai trò thứ hai của các TCTD trên thị trường trái phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành những quy định khá chặt chẽ như một khoản cho vay, ví dụ như, để đảm bảo được khi mua trái phiếu cũng như khi cho vay thì phải thu hồi được nợ, hay các TCTD có nợ xấu trên 3% không được mua trái phiếu doanh nghiệp.
Huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là 715.000 tỷ đồng, trong khi giá trị cho vay mới trung và dài hạn của ngân hàng thương mại là 700.000 tỷ đồng.
Bên cạnh là người trực tiếp mua trái phiếu doanh nghiệp, các TCTD còn có vai trò cấp tín dụng cho những tổ chức, cá nhân để đầu tư vào chứng khoán. Trong quy định của pháp luật hiện hành, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu khi cấp tín dụng cho vay đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bao gồm cả cổ phiếu, trái phiếu thì tỷ lệ cấp tín dụng không vượt quá 5% vốn điều lệ nhằm để đảm bảo rủi ro.
“Trên thực tế, số dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp của TCTD hiện nay là 320.400 tỷ đồng, chiếm khoảng gần 3% trong tổng dư nợ của các ngân hàng. Kết quả trên cho thấy, hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD vẫn được kiểm soát”, Thống đốc thông tin.
Số liệu được ông Phan Đức Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đưa ra, trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, các TCTD nắm giữ một khối lượng trái phiếu doanh nghiệp rất lớn. Nếu xét về trái phiếu còn dư nợ thì trái phiếu của ngân hàng đang chiếm tỷ trọng 31,7%, đồng thời cũng là nắm giữ khối lượng trái phiếu riêng lẻ còn dư nợ rất lớn là 45,76%.
“Cần thái độ đúng mực với thị trường trái phiếu”
Đánh giá chung về thị trường trái phiếu hiện nay, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho rằng, trước đây, vốn của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào ngân hàng. Khi nền kinh tế phát triển, nhu cầu vốn của thị trường rất lớn, trong khi nguồn lực của ngân hàng không đủ để đáp ứng, nên 5 năm gần đây quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, mức tăng trưởng các năm gần đây ở mức 40%/năm, đạt quy mô 15% GDP.
Số liệu của FiinRatings cho thấy, huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 là 715.000 tỷ đồng, trong khi giá trị cho vay mới trung và dài hạn của ngân hàng thương mại là 700.000 tỷ đồng, còn huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán đạt 101.000 tỷ đồng. Tổ chức phát hành trái phiếu chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, năng lượng và xây dựng. Trong quy mô 1,5 triệu tỷ đồng đang lưu hành, hệ thống ngân hàng chủ yếu phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, công ty chứng khoán phân phối chiếm chưa đến 25%.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, tổng tín dụng ngân hàng chiếm khoảng 50% tổng đầu tư toàn xã hội (đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài). Trong đó, tín dụng trung, dài hạn chỉ chiếm chưa tới 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tuy nhiên, trái phiếu doanh nghiệp (trung, dài hạn) đã chiếm tới 21% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Xét về mặt khối lượng, trái phiếu doanh nghiệp đã cao hơn vốn đầu tư trung dài hạn của ngân hàng, vì vậy, “cần phải có một thái độ đúng mực và ưu tiên đối với thị trường này, coi đó là nguồn vốn trung dài hạn lâu dài và hiệu quả nhất của doanh nghiệp”.
Ông Nghĩa phân tích, tín dụng trung dài hạn thì nguồn tài trợ một phần lớn trong đó là tiền gửi ngắn hạn, Ngân hàng Nhà nước đang có chủ trương giảm tỷ lệ này từ 40% xuống 30%. Hơn nữa, các doanh nghiệp khi vay tín dụng trung dài hạn không được chủ động, không có khả năng đảo nợ một cách linh hoạt. Nếu đến hạn, doanh nghiệp chưa thanh toán thì sẽ thành nợ xấu, cắt đứt dòng chảy vốn trung dài hạn của doanh nghiệp và làm đình đốn sản xuất.
Trái lại, việc vay vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn, có thể phát hành trái phiếu mới để “đảo nợ” trái phiếu cũ một cách hợp pháp do trái phiếu của Việt Nam kỳ hạn thường khoảng 3 năm, trong khi nhiều dự án sản xuất - kinh doanh có thể kéo dài 5 - 10 năm. Khi trái phiếu cũ đáo hạn, doanh nghiệp có thể duy trì được dòng tiền và vẫn tiếp tục được dự án, tiếp tục được dòng chảy của sản xuất - kinh doanh.
“Đây là lợi thế lớn nhất của trái phiếu so với tín dụng trung dài hạn của ngân hàng, kể cả việc trái phiếu không được kiểm soát mục đích sử dụng”, ông Nghĩa nói.
Tuy vậy, ông Thuân cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang gặp một số thách thức. Thứ nhất, hoạt động phát hành đang kém sôi động trước những biện pháp “lành mạnh hóa” thị trường. Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm đạt gần 102.000 tỷ đồng, giảm 28% so với cùng kỳ.
Thứ hai, ngành ngân hàng không siết tín dụng bất động sản nhưng Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, đặc biệt là kinh doanh bất động sản, khuyến khích tập trung nguồn vốn vào phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, đáp ứng nhu cầu thực của người dân… làm cho cầu về trái phiếu giảm mạnh.
Thứ ba, năng lực tín dụng của các doanh nghiệp chưa niêm yết yếu hơn rất nhiều so với doanh nghiệp niêm yết, trong khi phần lớn giá trị phát hành và đang lưu hành lại thuộc về các tổ chức phát hành chưa niêm yết.
Thứ tư, áp lực đáo hạn trái phiếu bất động sản đang ở mức rất cao. Quy mô trái phiếu doanh nghiệp của ngành bất động sản khoảng 487.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 4/2022 và số liệu của Finn chỉ ra rằng, 63% giá trị này, tương đương khoảng 305.000 tỷ đồng, sẽ đáo hạn trong 3 năm 2022 - 2024.
“Nếu chặn lại sẽ giống như đoàn tàu đang chạy bị khựng lại và đổ vỡ”, ông Thuân nói.
Trong khi đó, TS. Nghĩa khuyến nghị: “Phải có một chính sách, tầm nhìn dài hạn với thị trường trái phiếu”.