Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc MHB cho hay, vốn cho vay của MHB tại Long An hiện vào khoảng 2.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hồng Lim, Giám đốc Sacombank - Chi nhánh Long An chia sẻ, dư nợ cho vay của Ngân hàng tại Long An hiện đạt 1.052 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay khách hàng cá nhân đạt 641 tỷ đồng, khách hàng DN đạt 411 tỷ đồng.
Tuy các ngân hàng đẩy mạnh cho vay, nhưng nhiều DN vẫn khó tiếp cận vốn. Ông Võ Quang Huy, chủ một trang trại tại Long An cho biết, quy mô đầu tư của DN ngày càng lớn, cần nhiều vốn, nhưng việc phải có tài sản đảm bảo khi vay vốn khiến hoạt động mở rộng bị giới hạn. “Tình thương thì bao la, nhưng sức khỏe bị giới hạn”, ông Huy nói.
Còn ông Lim cũng thừa nhận, cho vay khách hàng trên địa bàn gặp một số khó khăn như: DN thiếu tài sản thế chấp; việc nhận tài sản thế chấp là hàng tồn kho và các khoản phải thu có nhiều rủi ro; trình độ quản lý của chủ DN còn hạn chế nên khi bổ sung vốn mở rộng quy mô kinh doanh dẫn đến vượt quá khả năng quản lý…
Đối với khách hàng cá nhân, việc cho vay vốn cũng là bài toán phức tạp mà các ngân hàng phải đối mặt. Chẳng hạn, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch thường trực LienVietPostBank chia sẻ, LienVietPostBank là ngân hàng đi xây những ngôi nhà tình thương tặng người dân, rồi lại xiết nợ căn nhà đó vì người dân không trả được nợ là điều Ngân hàng không đang tâm.
Ngày 24/7/2014, NHNN đã có văn bản gửi các tổ chức tín dụng yêu cầu đẩy mạnh vốn ra thị trường, đặc biệt đối với khách hàng không có tài sản đảm bảo (vay tín chấp). Cụ thể, theo Văn bản số 5342/NHNN/TTGSNH, các ngân hàng cần xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức (Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm DN…), kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để làm cơ sở xem xét cho vay tín chấp đối với DN.
“Văn bản số 5342 của NHNN mong muốn tháo gỡ khó khăn về vốn cho những DN có dự án kinh danh tốt, nhưng thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp ngân hàng vay vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh”, một lãnh đạo NHNN nói.
Trên thực tế, Phó tổng giám đốc MHB cho biết, đối với những khách hàng tốt, trung thực trong kinh doanh, tình hình tài chính lành mạnh, quản trị có hiệu suất và phương án kinh doanh hiệu quả thì Ngân hàng có thể cấp tín dụng dựa vào uy tín của khách hàng, mà không cần tài sản bảo đảm. Lãnh đạo MHB cho biết thêm, tại Long An, MHB đang triển khai dự án sử dụng nguồn tín dụng quốc tế đầu tư cho bò sữa trị giá 100 tỷ đồng cộng với nguồn vốn với lãi suất ưu đãi của MHB.
“Ngân hàng tham gia từ đầu chương trình, từ khâu khảo sát nguồn cung cấp thức ăn nuôi bò sữa, bộ phận trung gian tập trung thu mua sữa bò, đến việc giao sữa cho các nhà máy sản xuất và chế biến”, ông Tâm nói.
Lãnh đạo LienVietPostBank nhấn mạnh: “Quan điểm của Ban lãnh đạo LienVietPostBank là phối hợp với khách hàng để có phương án sử dụng đồng vốn hiệu quả, còn về vấn đề tài sản, Ngân hàng chỉ đơn thuần là giữ hộ”.
Theo các chuyên gia kinh tế - tài chính, cho vay không có tài sản đảm bảo là nghiệp vụ diễn ra bình thường trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, nhưng thời gian qua có những hạn chế do: thứ nhất, chủ trương của NHNN; thứ hai, nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng còn hạn chế; thứ ba, “sức khỏe” cũng như báo cáo tài chính của DN thiếu minh bạch, không được kiểm toán độc lập, lịch sử kinh doanh chưa tốt.
“Tăng cường khả năng cho vay không có tài sản đảm bảo là điều cần thiết trong thời điểm hiện tại để các bên buộc phải “nhập cuộc” sâu, thực chất hơn nếu nhìn sang các quốc gia phát triển, việc cho vay tín chấp đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động tín dụng. Mọi phương thức cấp tín dụng đều xuất phát từ lòng tin, ngân hàng có tin thì mới cấp tín dụng cho khách hàng, còn không sẽ từ chối, cho dù tài sản bảo đảm có giá trị lớn”, một chuyên gia ngân hàng nói.
“DN như chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm hơn nữa của Nhà nước, sự đồng cảm của hệ thống ngân hàng và cùng tham gia kiểm soát hoạt động DN để mở rộng quy mô”, chủ DN tại Long An nêu trên nói.