Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Hệ thống Ngân hàng có vẻ “rảnh rỗi”?

(ĐTCK) Đó là vấn đề TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế đặt ra tại Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp tổ chức sáng nay tại Hà Nội.

Trao đổi với Đầu tư chứng khoán, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc CTCP Công - Nông-nghiệp Tiến Nông ở Thanh Hóa, doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng VietinBank, Vietcombank, BIDV, VIB với tổng hạn mức tại các ngân hàng này là 250 tỷ đồng và chủ yếu là tín chấp, nhưng hiện nay mới vay 200 tỷ đồng.

Ông Phong cho biết, doanh nghiệp chưa sử dụng hết hạn mức vay của ngân hàng và quan trọng là chưa bao giờ quá hạn trả nợ vay ngân hàng. Điều này cho thấy “Doanh nghiệp giữ chữ ‘Tín’ khi đi vay ngân hàng và ngân hàng ‘Tin’ đối với khách hàng”.

Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Hệ thống Ngân hàng có vẻ “rảnh rỗi”? ảnh 1

Hội thảo "Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng dụng nông nghiệp công nghệ cao" 

Trường hợp CTCP Tiến Nông cũng khá đặc biệt nhưng trên thực tế, hệ thống ngân hàng cũng rất nỗ lực cho vay nông nghiệp công nghệ cao.

Đại diện Agribank cho biết, xét riêng theo các tiêu chí được quy định tại Quyết định 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành, tổng dư nợ cho vay theo Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 của NHNN Việt Nam tính tới thời điểm 31/5/2017 đạt 622 tỷ đồng.

Trong đó, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp sạch là 502 tỷ đồng với 21 khách hàng tổ chức và 4 khách hàng cá nhân; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 119 tỷ đồng với 3 khách hàng tổ chức và 122 khách hàng cá nhân.

Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, về triển khai chương trình cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, theo ghi nhận ban đầu, tổng dư nợ cho vay lĩnh vực này đến nay đạt gần 32.339 tỷ đồng, với 4.125 khách hàng còn dư nợ (3.957 khách hàng cá nhân, 168 doanh nghiệp).

Trong đó, cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng, chiếm gần 86% tổng dư nợ; dư nợ cho vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng, không phát sinh nợ xấu.

“Trong thời gian qua, tiếp cận vốn của doanh nghiệp tại ngân hàng chuyển biến rõ nét. Ngân hàng - doanh nghiệp cùng đồng hành, là đối tác không phải xin vay”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nói.

Bên lề Hội thảo, lãnh đạo một doanh nghiệp cho biết, ông phải làm “ngơ” với nông nghiệp công nghệ cao, không phải là ngân hàng cho vay bao nhiêu, lãi suất như thế nào, mà vay xong, sản xuất ra thành phẩm rồi bán sản phẩm như thế nào?

Ông Phong cho biết, nông nghiệp công nghệ cao được triển khai tại doanh nghiệp ông liên quan đến chế biến lúa gạo. Theo đó, doanh nghiệp liên kết với người nông dân ngay từ khâu đầu tiên như cung cấp toàn bộ trang thiết bị cơ giới, giống, phân bón, trồng, thu hoạch, chế biến… “Tóm lại là khép kín đóng gói thành phẩm thương hiệu”, nhưng quan trọng hơn cả theo ông Phong là “Cả nước phải làm thương hiệu nông sản của Việt Nam”.

Bà Phạm Thị Huân, Giám đốc CTCP Ba Huân chia sẻ, nông nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn trong đầu ra. Bà Huân cũng thẳng thắn chia sẻ ví dụ từ chính công ty bà khi làm thủ tục xuất khẩu trứng muối với 5 năm liên tiếp mà không vượt qua được rào cản.

“Bên cạnh vấn đề nguồn vốn, Bộ trưởng các ngành, các cấp cần giúp doanh nghiệp làm nông nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế để xuất khẩu, giúp đầu ra cho nông dân”, bà Huân nhấn mạnh.

Liên quan đến vấn đề này, TS. Thành đặt giả thiết cho ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ phó Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương: “Nếu từ nay đến cuối năm, anh (ông Hoàng Anh Tuấn-pv) được làm Bộ trưởng Bộ Công thương, giải pháp nào để góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản?”.

Tín dụng nông nghiệp công nghệ cao: Hệ thống Ngân hàng có vẻ “rảnh rỗi”? ảnh 2

Tiến sĩ Võ Trí Thành 

Câu trả lời của ông Tuấn được cho là “khéo” khi chưa đề cập thẳng vào vấn đề. Theo ông Tuấn, để giải quyết đầu ra cho nông sản cần căn cứ vào nhu cầu của từng thị trường.

Ví dụ, thị trường Trung Quốc không phải nông sản nào cũng xuất được mà phải có đàm phán thương mại hai bên. Đối với thị trường dung lượng lớn, kiểm soát ngặt nghèo như Mỹ, Nhật phải đảm bảo chất lượng. Sản phẩm Việt Nam đã đáp ứng được 1 số quy định đó chưa?

“Hiện nay tất cả doanh nghiệp lớn trên thế giới đánh giá rất cao độ ngon nông sản của Việt Nam, song quy trình đạt được chất lượng đã vào hệ thống chưa? Chúng ta mới chỉ có một vài sản phẩm”, ông Tuấn nói.

Trước tình hình người dân, doanh nghiệp thiếu thông tin đầy đủ và cập nhật về thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động ngân hàng đối với lĩnh vực này, ông Tần đã đưa ra các gợi ý kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công Thương.

Thứ nhất, đánh giá, dự báo và cảnh báo về nhu cầu thị trường đối với sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao làm cơ sở định hướng phát triển nông nghiêp công nghệ cao;

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để việc triển khai chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đạt hiệu quả.

Đại diện Agribank cho rằng, Chính phủ cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, phải có sự phối kết hợp giữa các Bộ Ngành có liên quan. Hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới trong chính sách, tập trung đưa ra chính sách để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các Ngân hàng thương mại khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Hỗ trợ vốn cho nông nghiệp cần có sự đổi mới trong chính sách, tập trung đưa ra chính sách để giảm thiểu rủi ro và chi phí cho các Ngân hàng thương mại khi thực hiện cho vay lĩnh vực nông nghiệp, trường hợp cần thiết có thể hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.

Theo đại diện Agribank, để chính sách tín dụng phát huy hiệu quả với sản xuất nông nghiệp, tổ chức triển khai đồng bộ trên diện rộng, không chỉ ở một xã, một dự án mà phải trên cơ sở xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp phù hợp với điều kiện, thổ nhưỡng của từng vùng.

"Cần mạnh dạn dồn điền, đổi thửa, cho phép tích tụ ruộng đất lớn để đưa khoa học công nghệ vào nông nghiệp, tránh manh mún, hiệu quả sẽ không cao.

Tổng kết, nhân rộng mô hình thí điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là giải pháp quan trọng cần tiến hành khẩn trương làm cơ sở xây dựng mô hình cho phát triển nông nghiệp phù hợp với thực tế Việt Nam. Đó cũng chính là giải pháp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động cho vay của các NHTM”, đại diện Agribank chia sẻ.

Tin bài liên quan