Báo cáo tài chính của nhiều “ông lớn” ngân hàng đã cho thấy diễn biến này. Cụ thể, đến cuối tháng 9/2018, dư nợ cho vay khách hàng của Vietinbank tăng 11,9% so với cuối năm 2017, đạt 875.799 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi của khách hàng tại VietinBank chỉ tăng 9,7% trong cùng thời gian, đạt 825.749 tỷ đồng.
Tại BIDV, tiền gửi khách hàng đến cuối tháng 9 đạt 953.513 tỷ đồng, tăng 10,9% so với đầu năm; cho vay khách hàng đạt 968.752 tỷ đồng, tăng đến 11,75% so với đầu năm.
Tương tự, dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng 15% trong 9 tháng, đạt 616.409 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 9/2018. Trong khi đó, huy động tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 9,2%, đạt 773.406 tỷ đồng.
Diễn biến tại MB cũng tương tự, khi cho vay khách hàng tăng 10,7%, đạt 201.475 tỷ đồng; huy động tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 5,7%, đạt 232.638 tỷ đồng.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn so với huy động tiền gửi khách hàng nên MB phải gia tăng vay mượn các tổ chức tín dụng khác. Báo cáo tài chính quý III của MB cho thấy, mức tiền gửi của tổ chức tín dụng khác tại MB và đi vay tổ chức tín dụng khác tăng 27%, đạt 58.695 tỷ đồng.
Tính đến 30/9, dư nợ tín dụng của HDBank đạt 125.738 tỷ đồng, tăng 14,2% so với đầu năm. Trong đó, tín dụng của riêng ngân hàng mẹ HDBank đạt 115.665 tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2017.
Huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân cư đạt 144.716 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm nay. HDBank nằm trong số nhà băng sử dụng gần hết room tín dụng nhận được đầu năm, song với kế hoạch sáp nhập thêm PGBank, nhà băng này sẽ có thêm dư địa cho vay.
Tại ngân hàng nhỏ như Kienlongbank, tăng trưởng huy động cũng đang “chạy sau” tăng trưởng cho vay khá xa. Tính đến cuối quý III/2018, tín dụng của nhà băng này tăng tới 11% so với cuối năm 2017, đạt 27.157 tỷ đồng, trong khi đó huy động tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 5,9%, đạt 27.671 tỷ đồng.
Để đảm bảo nguồn vốn cho mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang điều chỉnh nhẹ lãi huy động nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh Fed tăng lãi suất.
Ở chiều ngược lại, một số nhà băng có mức tăng trưởng nguồn huy động mạnh hơn dư nợ tín dụng.
VPBank đến cuối tháng 9 có tổng tài sản 296.216 tỷ đồng, tăng 6,6% so đầu năm; trong đó, huy động tiền gửi tăng mạnh 17%, đạt 156.442 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay khách hàng chỉ tăng 9,5%, đạt trên 200.000 tỷ đồng.
Tại ACB, huy động của khách hàng và cho vay đều tăng 11% trong 9 tháng, với con số tuyệt đối lần lượt là 267.975 tỷ đồng và 218.543 tỷ đồng.
Tổng tài sản của NamA Bank đến cuối tháng 9/2018 đạt 66.363 tỷ đồng, tăng 21,9% so với đầu năm. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 29,1%, đạt 51.445 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 26%, đạt 44.783 tỷ đồng; cho vay các tổ chức tín dụng khác tăng 63,9%, đạt 7.889 tỷ đồng.
Hay tại Techcombank, đến cuối tháng 9/2018, tổng tài sản của Ngân hàng đạt 311.796 tỷ đồng, tăng 15,7% so với đầu năm. Đáng chú ý, cho vay khách hàng đến cuối quý III mới chỉ tăng 3,3%, lên 164.282 tỷ đồng. So với thời điểm cuối quý II thì cho vay khách hàng gần như không thay đổi, chỉ tăng nhẹ 101 tỷ đồng.
Trong khi đó, Techcombank gia tăng hoạt động trên thị trường liên ngân hàng, khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng khác tăng 71% so với đầu năm, lên 27.667 tỷ đồng. Cho vay các tổ chức tín dụng cũng tăng 16%, lên 16.070 tỷ đồng.
Huy động tiền gửi của khách hàng đến cuối quý III đạt 193.583 tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm. Techcombank đã giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn còn 34,17% tại thời điểm cuối quý III/2018.
Theo lý giải của lãnh đạo Techcombank, việc chủ động giảm tỷ lệ này xuống dưới 40% trước ngày 1/1/2019 nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo quy định tại Thông tư 19/2017/TT-NHNN.
Eximbank, Saigonbank là trường hợp hiếm hoi có dư nợ cho vay tăng trưởng âm trong 3 quý đầu năm nay. Cụ thể, dư nợ cho vay khách hàng tại Eximbank đến hết quý III/2018 giảm 2,9%, xuống 97.362 tỷ đồng.
Tiền gửi của khách hàng tại Eximbank đã tăng trở lại, đạt 119.168 tỷ đồng, tăng 1,4% so với đầu năm nay. Saigonbank cũng có dư nợ cho vay giảm 2,2%, xuống còn 13.676 tỷ đồng, huy động vốn giảm 1% xuống 14.703 tỷ đồng.
Thời điểm siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn theo quy định tại Thông tư 19 đã gần kề. Nhưng thực tế cho thấy, việc sử dụng vốn của nhiều nhà băng vẫn trong tình trạng “bóc ngắn, cắn dài”.
Để đảm bảo nguồn vốn cho mùa cao điểm kinh doanh cuối năm, đáp ứng các quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đang điều chỉnh nhẹ lãi huy động nhằm thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong bối cảnh Fed tăng lãi suất.
Việc siết tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn về 40% từ đầu năm 2019, theo nhiều ý kiến, là cần thiết để đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng.
Đó cũng lý lý do vì sao kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) lên Thủ tướng và NHNN về việc giữ tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn 45% cho năm sau, thay vì giảm xuống 40% theo quy định của Thông tư 19 không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia.