Tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) NHNN chi nhánh TP.HCM cho biết, kết thúc năm 2021, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM lần đầu tiên ở mức thấp nhất, chỉ chiếm 7% so với tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn.
Tín dụng ngoại tệ trên địa bàn TP.HCM giảm mạnh

Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP.HCM, chỉ số này không chỉ phản ánh cơ cấu tín dụng giữa VND và ngoại tệ đã thay đổi hẳn mà còn mang nhiều ý nghĩa với nội hàm chính sách và phản ánh hiệu quả chính sách tiền tệ của NHNN, nhất là chính sách tỷ giá, lãi suất và chống đô la hóa nền kinh tế của NHNN bắt đầu rõ nét và phát huy hiệu quả cao.

Cơ cấu tín dụng trên địa bàn phân tích theo VND và ngoại tệ thay đổi cơ bản theo hướng giảm dần tỷ trọng dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ, theo đó tỷ lệ này luôn ở mức trên 20% vào những năm của giai đoạn 2000-2010. Sau đó giảm dần còn trên 10% và hiện nay tỷ lệ này chỉ còn 7%.

Đây là tỷ lệ thấp nhất từ trước đến nay, phản ánh và hội tụ bởi nhiều yếu tố trong đó yếu tố chính sách trúng và đúng của NHNN về quản lý thị trường vàng; quản lý ngoại hối và chính sách chống đô la hóa nền kinh tế giữ vai trò quyết định và quan trọng.

Điều đó cũng cho thấy tính hiệu quả chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất; chính sách tín dụng ngoại tệ và chính sách quản lý thị trường vàng có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến cơ cấu tín dụng theo xu hướng tích cực.

Trong đó, việc chuyển hẳn quan hệ gửi – vay bằng ngoại tệ sang quan hệ bán - mua ngoại tệ nhằm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp chỉ còn là vấn đề thời gian.

NHNN tiếp tục thực thi các chính sách về tỷ giá, lãi suất và ngoại hối có liên quan như: áp dụng lãi suất 0% đối với tiền gửi ngoại tệ; quy định và điều chỉnh lại đối tượng vay ngoại tệ theo hướng thu hẹp dần.

Mọi nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp, người dân được đáp ứng bằng việc bán ngoại tệ (để thanh toán nhập khẩu, trả nợ vay…; để đầu tư, học tập; du lịch, khám chữa bệnh….).

Đây chính là yếu tố tác động và tự điều chỉnh, thu hẹp dần việc gửi – vay bằng ngoại tệ và chuyển sang bán – mua ngoại tệ cho doanh nghiệp, người dân của các ngân hàng thương mại và mục tiêu này sẽ đạt được trong chương trình, kế hoạch về chống đô la hóa nền kinh tế của NHNN.

Đồng thời, niềm tin của doanh nghiệp và người dân đối với chính sách tiền tệ, tín dụng của NHNN ngày càng củng cố.

Trong đó, việc ổn định thị trường tiền tệ, thị trường ngoại hối và vàng trong suốt giai đoạn vừa qua, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị tiền đồng ngay cả khi nền kinh tế gặp khó khăn do tác động ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 bùng phát.

Kết thúc năm 2021, dự ước huy động vốn trên địa bàn TP.HCM tăng 7,5%; cho vay vốn dự ước tăng 10,7%. Đây là kết quả tích cực, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, riêng quý 3/2021 tín dụng chỉ tăng 0,2%.

Trong đó tháng 8 và tháng 9 năm 2021 tín dụng giảm. Nguyên nhân chính là nhiều doanh nghiệp hộ kinh doanh tạm ngưng hoạt động trong thời gian này để phòng chống dịch; kinh tế xã hội thành phố tăng trưởng âm.

Tin bài liên quan