Tín dụng ngoại tệ tăng trong tầm kiểm soát

Tín dụng ngoại tệ tăng trong tầm kiểm soát

(ĐTCK) So với tín dụng tiền đồng, tăng trưởng dư nợ ngoại tệ có chiều hướng tốt hơn trong những tháng qua. Điều đó cho thấy, tín dụng xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh và cải thiện tốt. Lãi suất cho vay ngoại tệ cũng thấp hơn tiền đồng, song không có nghĩa doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận. Mặt khác, nhu cầu vốn ngoại tệ cũng chỉ bắt đầu nhích nhẹ.

Dư nợ USD tăng

Lãnh đạo một số NHTM cho hay, tín dụng xuất khẩu có dấu hiệu khởi sắc trong 4 tháng đầu năm nay. ACB cho biết, dư nợ tín dụng xuất khẩu của Ngân hàng đạt 7.000 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm. Còn tại Vietcombank, tỷ lệ tín dụng xuất khẩu cũng bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng tốt hơn. Lãnh đạo Vietcombank chi nhánh TP. HCM cho hay, trong tình hình sản xuất - kinh doanh trong nước đang khó khăn hiện nay, cần tập trung đẩy mạnh tín dụng xuất khẩu và tín dụng xuất khẩu của Vietcombank luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ tín dụng.

Bà Nguyễn Thị Kim Xuyến, Phó tổng giám đốc thường trực DongA Bank phát biểu tại buổi làm việc với Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM mới đây cho biết, tín dụng DongA Bank 4 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 1%, nhưng quan trọng là DongA Bank đang tăng cường tài trợ xuất khẩu, chủ yếu là cà phê, điều. Tương tự, Agribank cũng dành 10.000 tỷ đồng cho vay xuất, nhập khẩu ngắn hạn lãi suất chỉ 6 - 8%/năm. Đối tượng được vay là khách hàng xuất, nhập khẩu có nhu cầu thu mua, chế biến, xuất, nhập khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm hoặc sản xuất, chế biến xuất khẩu...

Xuất khẩu là một trong 5 lĩnh vực được hưởng lãi suất ưu đãi, với trần 8%/năm. Tuy nhiên, do tín dụng xuất khẩu luôn được các NHTM đẩy mạnh, kèm nhiều ưu đãi khác, nên lãi suất cho vay ra thực tế còn thấp hơn mức trần nói trên. Eximbank, ACB cho biết, lãi suất áp dụng đối với doanh nghiệp xuất khẩu tốt hiện chỉ 6,5 - 7,5%/năm đối với tiền đồng và 2 - 3%/năm đối với ngoại tệ.

Lãi suất ngoại tệ thấp hơn tiền đồng nên các doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vay USD. Dư nợ tín dụng ngoại tệ đang tăng trưởng nhanh hơn dư nợ VND. Theo số liệu từ NHNN TP. HCM, tính đến cuối tháng 4, dư nợ ngoại tệ của các ngân hàng trên địa bàn tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong khi dư nợ bằng VND giảm 0,09%. Xu hướng này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến lĩnh vực xuất, nhập khẩu đã tăng trưởng trở lại. Chỉ tính riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp KCN - KCX trên địa bàn TP. HCM, dư nợ cho vay 3 tháng đầu năm 2014 đã tăng 7,5%.

Hiện có những lo ngại về việc căng thẳng Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu của Việt Nam, nhất là khi nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam chiếm tỷ trọng hơn 28% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này cũng chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong năm vừa qua. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tín dụng lĩnh vực xuất khẩu vẫn tăng trưởng khi lãi suất được ưu đãi.

Trong tầm kiểm soát

Trong khi vốn huy động bằng ngoại tệ giảm thì tín dụng cho vay ra bằng USD 4 tháng đầu năm nay lại có dấu hiệu tăng. Theo Vụ chính sách tiền tệ (NHNN), diễn biến tín dụng trong gần 4 tháng qua cũng có những điểm tích cực, nếu nhìn vào cơ cấu tín dụng, tiếp tục có sự dịch chuyển theo hướng tập trung vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên.

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, công bố ngày 15/5, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 13,07 tỷ USD trong tháng 4 năm nay, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 12,26 tỷ USD, tạo ra mức thặng dư 810 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước lên 46,51 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu tăng 12,2% lên 44,46 tỷ USD, đồng nghĩa với việc Việt Nam xuất siêu 2,05 tỷ USD.

Hiện các doanh nghiệp có nguồn thu bằng ngoại tệ từ xuất khẩu đều muốn vay USD, thay vì tiền đồng. Tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn ngoại tệ không dễ dàng đối với nhiều doanh nghiệp. Vì giai đoạn 2008 - 2011, NHNN đã liên tục đưa ra những thay đổi về đối tượng được vay và quy định đối với TCTD cho vay bằng ngoại tệ, với chủ trương tăng cường kiểm soát và hạn chế tín dụng ngoại tệ. Chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu bằng ngoại tệ mới có thể vay USD.

NHNN chi nhánh TP. HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, diễn biến thị trường ngoại tệ tiếp tục ổn định. Tuy có thời điểm tỷ giá tăng nhẹ, do yếu tố tâm lý, nhưng không đột biến. Tiền gửi ngoại tệ tiếp tục giảm, quan hệ cung - cầu ngoại tệ ổn định. Quý I/2014, doanh số mua ngoại tệ lũy kế từ các tổ chức kinh tế và cá nhân của các NHTM đạt 10.131 triệu USD, bằng 30,27% so với cả năm 2013.

Vì thế, về những biến động của tỷ giá và giá vàng trong những ngày vừa qua, một số chuyên gia lĩnh vực tiền tệ cho rằng, một phần do tâm lý của người dân hoặc các nhà đầu cơ đẩy giá, cũng không loại trừ khả năng chính các doanh nghiệp kinh doanh vàng làm giá, do đó, người dân cần bình tĩnh trước biến động thất thường của giá vàng .

Tin bài liên quan