Khó đẩy mạnh cho vay
Báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra số liệu đáng lưu ý, đó là “tốc độ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao hơn nhiều so với cùng kỳ”.
Theo đó, tín dụng ngoại tệ trong 8 tháng năm 2017 ước tăng gần 12%, cao gấp nhiều lần so với mức 1,7% của cùng kỳ năm 2016.
Thực tế, cầu về vốn ngoại tệ của doanh nghiệp luôn có, do lãi suất vay USD hiện chỉ bằng 1/2 so với lãi suất vay VND, thậm chí bằng 1/3. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng được tiếp cận vốn vay ngoại tệ, do đó tín dụng USD khó tăng cao.
Theo nhận định của một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng, nguồn ngoại tệ mà ngân hàng cho vay phần lớn là vay từ nước ngoài (dù huy động ngoại tệ dương), cộng với nguồn ngoại tệ thanh toán của doanh nghiệp được duy trì trên tài khoản thanh toán… Thế nhưng, áp lực dòng vốn chạy ra khi lãi suất tiết kiệm USD giảm, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vẫn khó tránh.
Mặc dù nguồn cung ngoại tệ của Việt Nam vẫn dồi dào khi dự trữ ngoại hối đạt khoảng 40 tỷ USD, nguồn kiều hối và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn gián tiếp (FII), song theo đánh giá của lãnh đạo HSBC Việt Nam, ngoại tệ vẫn sẽ tìm đến những nơi có mức sinh lời cao hơn, nhất là khi Fed tiếp tục lộ trình tăng lãi suất thêm 1-2 lần nữa trong thời gian tới, nên khả năng thu hút nguồn kiều hối khó tăng mạnh.
Ngân hàng Nhà nước vừa ra văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng phải kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng bằng ngoại tệ, kiểm soát tỷ lệ tín dụng/huy động vốn bằng ngoại tệ ở mức phù hợp, đảm bảo cân đối nguồn vốn giữa huy động và cho vay, tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng bằng ngoại tệ. Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải thực hiện nghiêm các quy định, không áp dụng các biện pháp kỹ thuật để lách, vượt trần lãi suất huy động; nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn…
Chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, tín dụng ngoại tệ chưa phải là bài toán khó đối với ngân hàng, dù việc huy động ngoại tệ không còn như trước khi trần lãi suất được đưa về mức 0%. Bởi khoản cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp hiện đã được Ngân hàng Nhà nước hạn chế rất nhiều so với trước đây, chỉ những doanh nghiệp xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ mới được vay.
Cẩn trọng thanh khoản USD
Trước sức hấp dẫn của tín dụng ngoại tệ, nhất là thời điểm cuối năm, khi nhu cầu vốn vay USD của doanh nghiệp tăng cao, các ngân hàng đang tìm cách huy động tiền gửi bằng USD thông qua hình thức khuyến mãi, “lách” lãi suất. Số liệu của Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đến đầu tháng 8/2017 đạt 1.890,4 ngàn tỷ đồng, trong đó huy động bằng USD chiếm 12,01%, tăng 6,28% so với cùng kỳ.
Sở dĩ huy động tiền gửi ngoại tệ tăng chậm hơn so với dư nợ tín dụng của đồng tiền này là do Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất tiết kiệm USD về 0%/năm, nhằm chống tình trạng đô-la hóa nền kinh tế và ổn định tỷ giá, hạn chế tình trạng “găm” ngoại tệ. Thế nhưng, áp lực tăng liên tiếp lãi suất cơ bản USD thời gian qua của Fed và việc kiểm soát tỷ giá tương đối ổn định của NHNN cũng tác động đến tiền gửi tiết kiệm của các ngân hàng thương mại.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, để hút được nguồn tiết kiệm tiền gửi bằng ngoại tệ và tránh dòng vốn USD chảy ra ngoài, nên tăng trần lãi suất tiền gửi so với mức 0%/năm hiện nay. Nhưng theo các nhà phân tích tài chính, ở thời điểm hiện tại, điều đó chưa cần thiết.
Ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, tái tăng lãi suất để huy động ngoại tệ trong lúc này không hẳn là giải pháp tốt, bởi sẽ khiến tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế gia tăng.
Lãi suất huy động ngoại tệ nên theo hướng tăng dần lãi suất của Fed mới hấp dẫn người gửi tiền. Song VND không phải là đồng tiền chuyển đổi, nên không cần thiết duy trì lãi suất huy động tiết kiệm bằng USD ở mức cao.
Trong khi đó, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhận định, khi nguồn ngoại tệ huy động khó khăn cũng là lúc ngân hàng cần cân nhắc để cho vay. Một số ngân hàng đã quyết liệt trong cho vay ngoại tệ với những dự án đầu tư, sản xuất, kinh doanh trung, dài hạn bằng ngoại tệ thì cần thận trọng, vì sẽ có rủi ro trong thời gian tới, nếu chu kỳ tăng lãi suất của Fed tiếp tục được thực hiện.