Vả lại, với cơ chế điều hành tỷ giá mới, các nhận định về áp lực tỷ giá trong thời gian tới buộc DN cân nhắc kỹ trong vay USD. Các dự báo đưa ra, khả năng tín dụng ngoại tệ sẽ còn giảm trong thời gian tới đây.
Số liệu đưa ra từ NHNN TP. HCM cho thấy, tính đến cuối năm 2015, dư nợ tín dụng của các NHTM trên địa bàn đạt 1.234.816 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng VND đạt 1.096.999 tỷ đồng, chiếm 88,8% trong tổng dư nợ tín dụng và tăng 21,44% so với cuối năm 2014. Còn dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 137.817 tỷ đồng, chiếm 11,2% trong tổng dư nợ và giảm đến 16,23% so với cuối năm 2014.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho biết, tín dụng ngoại tệ giảm chủ yếu là do yếu tố tỷ giá. Cụ thể, trong năm 2015, tỷ giá tăng cao (tăng 5% gồm cả tăng biên độ), các DN xuất nhập khẩu (DN đủ điều kiện vay ngoại tệ) đã chủ động điều chỉnh giảm dư nợ vay ngoại tệ để giảm thiểu rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên, nhu cầu ngoại tệ của DN vẫn được đảm bảo đáp ứng thông qua giao dịch mua-bán ngoại tệ của các NHTM cho các DN để phục vụ cho hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu. Theo ông Minh, diễn biến này là tích cực và phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá cũng như lãi suất của NHNN.
"Việt Nam phải chấp nhận thực tế, trong năm 2016 tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn năm 2015" - Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam.
Xu hướng chuyển dịch dần từ quan hệ gửi và vay vốn bằng ngoại tệ sang quan hệ mua-bán ngoại tệ khiến tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay bằng USD trong tổng nguồn vốn huy động và tổng dư nợ tín dụng ngày càng giảm.
Tại TP. HCM, đến cuối năm 2015, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ chỉ chiếm 11,2% trong tổng dư nợ tín dụng. Trong khi, tỷ lệ này năm 2014 là 15,41%; năm 2013 là 15,86%; năm 2012 là 22,07% và năm 2011 là 27,08%. Gắn liền với quá trình này là doanh số mua-bán ngoại tệ giữa các NHTM trên địa bàn với DN ngày càng tăng. Năm 2015, doanh số mua-bán ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn TP.HCM theo số liệu của NHNN TP.HCM đạt khoảng 102.253 triệu USD, tăng 15,16% so với năm 2014.
NHNN TP. HCM cũng cho biết, cung-cầu ngoại tệ cho DN, người dân (nhu cầu hợp pháp) ổn định, đảm bảo đáp ứng ngoại tệ cho thanh toán và sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu. Trật tự thị trường tiếp tục được tăng cường, hạn chế găm giữ ngoại tệ, tính minh bạch và phòng ngừa rủi ro tỷ giá ngày càng tăng. Vốn huy động bằng ngoại tệ tại TP. HCM đến cuối năm 2015 đạt 243.075 tỷ đồng, chiếm 15,5% trong tổng huy động vốn, tăng 14,82% so với cuối năm 2014.
Mặc dù nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ vẫn tăng, song theo nhận định của các chuyên gia lĩnh vực tài chính-tiền tệ, nhiều khả năng sẽ giảm trong thời gian tới.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, khi lãi suất đồng đô-la Mỹ tăng lên mà lãi suất tiền đồng không điều chỉnh thì sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Bản thân nước láng giềng là Trung Quốc cũng đã điều chỉnh tỷ giá theo hướng thả nổi và chấp nhận theo cung-cầu của thị trường. Vì vậy, Việt Nam cũng phải chấp nhận thực tế, trong năm 2016 tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn năm 2015.
Ông Hải cho biết thêm, đã có sự tính toán, lựa chọn cho các bài toán khác nhau. Một số người bắt đầu chuyển đổi từ USD sang VND gửi tiết kiệm để hưởng lãi suất cao hơn khi lãi suất tiền gửi USD về bằng 0%/năm. Nhưng một số khác vẫn muốn để USD lại ngân hàng, chấp nhận đây không phải là kênh sinh lợi nhưng an toàn. Bên cạnh đó, cũng có một số người rút USD để cất giữ.
“Với mặt bằng của lãi suất tiền gửi USD tại Việt Nam là 0%/năm và lãi suất đồng đô-la Mỹ vừa được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lên 0,25%/năm như hiện nay thì chênh lệch là không nhiều, nên không quá quan ngại việc rút USD ra khỏi ngân hàng”, ông Hải nói.
Tuy nhiên, theo ông Hải, Fed tiếp tục tăng dần lãi suất và nếu trong tương lai độ chênh lệch lớn sẽ tạo ra sự lệch pha lớn hơn thì nhiều khả năng có một số tổ chức, cá nhân sẽ tìm cách để hưởng lợi được từ khoảng cách này. Mặt khác, hiện nay, khi các ngân hàng vẫn đang cung ứng vốn ngoại tệ cho DN mà nguồn vốn huy động bằng ngoại tệ giảm mạnh sẽ tạo ra rủi ro lớn trong tương lai, nên các ngân hàng cần lưu ý tới điều này. Các DN vay ngoại tệ cũng cân nhắc, trước hết cần đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ tốt, đảm bảo quản trị rủi ro tốt và lưu ý đến việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Hiện một số DN bắt đầu có xu hướng chuyển từ vay USD sang VND.
Ông Ngô Quang Trung, Phó tổng giám đốc Viet Capital Bank cho biết, với cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay, nhu cầu vay ngoại tệ của DN đòi hỏi phải bám sát vào nhu cầu thực hơn so với trước đây. DN nào có nguồn ngoại tệ tái tạo được mới có thể vay, song DN cũng phải cân nhắc tính toán kỹ trong bài toán sử dụng vốn vay bằng USD để tránh rủi ro biến động tỷ giá, cho dù lãi suất vay ngoại tệ rẻ hơn so với vay VND.
Theo nhận định của ông Trung, huy động ngoại tệ sẽ giảm dần trong thời gian tới, vì lãi suất USD hiện nay chỉ là 0%/năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ USD sang VND vẫn chưa thể nói là xu hướng mạnh và rõ, bởi tâm lý của nhiều người vẫn kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh tiếp trong thời gian tới.
Không chỉ tín dụng ngoại tệ giảm mà mới đây, NHNN còn có công văn chỉ gia hạn vay ngoại tệ đến hết tháng 3/2016, thay vì 1 năm như trước đây. Để tháo gỡ khó khăn, NHNN cho phép DN được phép vay USD đến ngày 31/3/2016, thay vì phải chấm dứt từ ngày 1/1/2016.