Thông tin về hoạt động ngân hàng trong tuần từ 25/2 đến 1/3/2013 của NHNN cho biết, lãi suất huy động USD phổ biến 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức; lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 5 - 7%/năm đối với ngắn hạn; 6 - 8,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Lãi suất bình quân liên ngân hàng đối với các giao dịch bằng USD cũng giảm ở hầu hết các kỳ hạn, với các mức giảm từ 0,02 điểm phần trăm (kỳ hạn 1 tuần) đến 0,28 điểm phần trăm (kỳ hạn 1 tháng). Kỳ hạn 3 tuần và 2 tháng, lãi suất bình quân tăng lần lượt là 0,13 và 0,17 điểm phần trăm. Trong tuần không phát sinh giao dịch USD kỳ hạn từ 9 tháng trở lên.
Như vậy, thanh khoản ngoại tệ của hệ thống không có gì đáng lo ngại, tuy nhiên, theo tìm hiểu của ĐTCK, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tính đến ngày 6/3 âm xấp xỉ 3,5% so với cùng kỳ năm trước và âm khoảng 5,5% so với cuối năm trước, trong khi đó, tín dụng VND tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước và khoảng 0,7% so với cuối năm trước.
Cuối tháng 12 năm ngoái, NHNN ban hành Thông tư 37 quy định cho vay bằng ngoại tệ của TCTD và có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Khá nhiều ý kiến cho rằng, khi quy định về tín dụng ngoại tệ được “nới” thì khả năng lượng khách hàng vay ngoại tệ sẽ tăng lên trong năm 2013. Lý do là Thông tư 37 cho phép các doanh nghiệp được vay trung và dài hạn; một số nhu cầu vay vốn ngoại tệ không nằm trong phần đối tượng được cho phép nhưng nếu thuộc các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển SXKD theo chủ trương của Chính phủ sẽ được NHNN xem xét chấp thuận; cho vay ngoại tệ đối với các dự án, công trình quan trọng quốc gia được Quốc hội, Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư…
“Thông tư 37 giải thích rõ ràng nhiều vấn đề để minh bạch hơn, hạ tầng cơ sở pháp lý rõ ràng hơn nhưng không phải là lực đẩy cho tăng trưởng tín dụng ngoại tệ. Tăng trưởng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào cầu nội địa và nền kinh tế. Chỉ khi các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế được cải thiện thì cầu tín dụng (trong đó có tín dụng ngoại tệ) mới tăng lên. Vì vậy, Thông tư 37 không phải là liều thuốc thần để đẩy tín dụng ngoại tệ lên”, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc Kinh doanh tiền tệ Ngân hàng HSBC Việt
Chỉ số PMI ngành sản xuất của HSBC tháng 2/2013 dưới 50 điểm đã cho thấy nhu cầu nội địa yếu đi và môi trường bên ngoài chưa cải thiện. Trong khi số lượng hàng mua đã tăng ở hai tháng trước thì việc chỉ số phụ này giảm sút trong tháng 2 cho thấy các nhà sản xuất vẫn đang cẩn trọng, không để tồn kho quá mức. Thêm nữa, khối lượng tồn kho thành phẩm vẫn nằm trong ngưỡng giảm vài tháng gần đây.
“Điều đáng chú ý nhất là giá cả xuất xưởng đã tăng, phản ánh việc các nhà sản xuất sẽ bị hạn chế cơ hội tận dụng các biện pháp giảm giá nhằm kích nhu cầu do chi phí đầu vào gia tăng. Điều này có nghĩa rằng, trừ khi chi phí đầu vào giảm hoặc nhu cầu trong nước và ngoài nước đều phục hồi, các nhà sản xuất sẽ khó có khả năng tăng doanh số”, Báo cáo nhận định.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, ở góc độ tích cực, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ âm thể hiện việc NHNN đang theo đuổi mục tiêu chống đô la hóa, kiểm soát cho vay ngoại tệ. Bên cạnh đó, NHNN cũng điều tiết quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường, nhờ đó, tác động tích cực đối với tỷ giá. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy nhu cầu vay ngoại tệ để nhập khẩu giảm sút, thể hiện sức cầu trong nền kinh tế yếu, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Do vậy, tăng trưởng tín dụng ở mức độ thấp, thậm chí còn âm, nên Nghị quyết 01, đặc biệt Nghị quyết 02 liên quan đến hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cần khẩn trương đưa vào cuộc sống cần hơn.
Đồng quan điểm tăng trưởng tín dụng âm phù hợp với tiến trình chống đô la hóa trong nền kinh tế của NHNN, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng phân tích, nếu nhìn vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013 thì những con số trên rõ ràng không phải là điều mừng, bởi tín dụng vẫn đang ở tình trạng đóng băng. Tăng trưởng ngoại tệ âm nhưng tăng trưởng VND dương rất ít và bù trừ lại thì tăng trưởng tín dụng toàn ngành vẫn âm. Hiện tượng tín dụng vẫn chưa đổ ra cho nền kinh tế là điều không được mong muốn, nhưng rõ ràng, lượng tiền USD đổ ra ngoài ít hơn là phù hợp với chính sách.
Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng nhận định, khi NHNN chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán ngoại tệ nhằm giảm tình trạng đô la hóa sẽ giảm được việc sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ âm hay dương không nên nhìn ở góc độ mừng hay lo mà nên nhìn chung với tổng thể tăng trưởng tín dụng của cả nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ âm mà tăng trưởng tín dụng tiền đồng tăng trưởng bền vững là điều tốt. Nhưng nếu tăng trưởng cả hai loại tiền cùng âm, chứng tỏ sự hồi phục kinh tế đang rất chậm, doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh.
“Tăng trưởng tín dụng năm nay không nên là chính sách ưu tiên, dù từ nay đến cuối năm, chắc chắn có một con số tăng trưởng khả quan hơn. Vấn đề quan trọng là nền kinh tế được cơ cấu, ngân hàng tái cơ cấu được tổ chức lại lành mạnh hơn, trong đó có vấn đề xử lý nợ xấu, chắc chắn sẽ tăng sức mạnh tài chính, chi phí nguồn vốn cung cấp cho nền kinh tế sẽ rẻ hơn, tăng trưởng kinh tế tốt lên. Chúng ta cần chấp nhận tăng trưởng tín dụng thấp trong năm nay để làm tiền đề cho tương lai”, TS. Hiếu nói.