Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, 2 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng phù hợp với mục tiêu của NHNN, hiện đạt trên 1%. Trong đó, tín dụng có đà tăng mạnh trong tháng 1, nhưng chậm lại vào tháng 2 do đúng vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Cũng theo ông Hà, NHNN vẫn đang mua vào một lượng khá lớn ngoại tệ, dù mức độ mua không dồn dập như năm ngoái. Lãi suất cũng đang trong xu thế ổn định, một số ngân hàng từng tăng lãi suất huy động trước Tết, nay có kế hoạch giảm lãi suất do áp lực thanh khoản giảm. Trong thời gian tới, thanh khoản và mặt bằng lãi suất dự báo tiếp tục ổn định. NHNN dự kiến mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 tương tự năm 2018, ở mức 14%. Tín dụng ngoại tệ sẽ tiếp tục bị cắt giảm trong năm 2019 và đây cũng là định hướng của NHNN trong nhiều năm qua.
Việc tăng “room” tín dụng được NHNN xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng đi cùng nhiều rủi ro. Nếu tình trạng phân bổ tín dụng không rõ ràng, kiểm soát dòng vốn không đúng mục đích, thì có thể ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, nợ xấu tăng.
Lý giải về định hướng tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, lãnh đạo NHNN cho biết, nếu tăng trưởng tín dụng cao thì áp lực huy động vốn đầu vào cũng rất lớn, khiến mặt bằng lãi suất bị tác động, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Mục tiêu chung của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và theo đó, các chính sách điều hành tỷ giá, lãi suất, tín dụng… phải phối hợp nhuần nhuyễn với nhau để phục vụ mục tiêu này.
Cùng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng như trên, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phát triển hoạt động cho vay phải luôn đi kèm với kiểm soát chất lượng tín dụng.
Tháng đầu năm 2019 cũng là thời điểm các ngân hàng được mở room và ngóng chờ hạn mức được phân bổ từ NHNN. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ được phân bổ tùy theo năng lực từng ngân hàng, trong đó ưu tiên cho các ngân hàng đã hoàn tất và áp chuẩn Basel II, cũng như đang giai đoạn tái cơ cấu, sáp nhập thêm ngân hàng yếu kém.
Trước đó, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN nêu rõ quan điểm sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, Quyết định này khiến nhiều ngân hàng lo lắng, có ngân hàng đã phải giảm mục tiêu lợi nhuận và điều chỉnh một số mục tiêu kinh doanh.
Dù tín dụng tăng trưởng chậm, song lãi suất cho vay được nhận định khó giảm. Hiện lãi suất cho vay cá nhân đang dần tăng, do lãi suất đầu vào, nhất là đối với kỳ hạn dài được các ngân hàng tăng để huy động vốn dài hạn, cơ cấu lại nguồn theo quy định siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Trên biểu niêm yết của nhiều ngân hàng, lãi suất huy động VND vẫn trên 8%/năm ở các kỳ hạn dài, thậm chí là 8,5 - 8,7%/năm.
Khi tín dụng khó tăng cao, lãi suất sẽ khó giảm. Tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, khi room tín dụng được phân bổ ít hơn, ngân hàng phải tính lại tăng trưởng hoạt động cho vay. Nguồn vốn ra ngày càng ít thì việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh.