Tín dụng vẫn tiếp đà tăng trưởng
NHNN cho biết, xét theo ngành kinh tế, ngành thương mại dịch vụ có mức tăng trưởng tín dụng cao nhất khoảng 9%; ngành công nghiệp xây dựng ước tăng 7,6%; ngành nông, lâm nghiệp thủy sản ước tăng 7,89%.
Trong đó, tín dụng một số ngành có tăng trưởng khá như: ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 22%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 18%; ngành xây dựng tăng 7%, ngành bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 8%, ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 10%.
Đối với lĩnh vực ưu tiên, tín dụng tiếp tục tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là một số lĩnh vực hiện đang tận dụng được lợi thế trong bối cảnh mới như tín dụng xuất khẩu tăng khoảng 8%, tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 6,5%, tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khoảng 8,2%.
Còn các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao có mức tăng tín dụng thấp hơn và chiếm tỷ trọng nhỏ trong dư nợ nền kinh tế.
Hoạt động tín dụng chính sách tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh, đáp ứng nguồn vốn kịp thời cho người nghèo và các đối tượng chính sách phục vụ sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, nhu cầu đời sống thiết yếu, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội.
Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 224.300 tỷ đồng, tăng 8,46% so với thời điểm 31/12/2019, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
“Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng kết quả tín dụng 11 tháng đầu năm 2020 đã góp phần hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, cho thấy điều hành tín dụng của NHNN đã đi đúng hướng, các giải pháp đưa ra phù hợp với thực tiễn và đang từng bước phát huy hiệu quả”, một lãnh đạo cao cấp Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN nói.
Đồng hành với khách hàng trong đại dịch Covid-19
Trong mục tiêu đồng hành các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, hệ thống ngân hàng đã khẩn trương triển khai các hoạt động, chính sách tín dụng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và được thị trường đánh giá là kịp thời và phát huy hiệu quả.
Các ngân hàng hiện vẫn tiếp tục chủ động thực hiện các giải pháp tín dụng, lãi suất hỗ trợ khách từ đó giúp các doanh nghiệp, người dân khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Theo đó, tính đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 272 nghìn khách hàng với dư nợ gần 347 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 555 nghìn khách hàng với dư nợ gần 934 nghìn tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 2 triệu tỷ đồng cho gần 359 nghìn khách hàng.
Chính sách cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc đối với người lao động đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân với tổng dư nợ là 13,445 tỷ đồng cho 74 người sử dụng lao động.
Miễn, giảm lãi vay cho 17.210 khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão lũ
2020 cũng là năm Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, do vậy, NHNN cũng đã chỉ đạo kịp thời tới toàn hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố về việc chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên vượt qua khó khăn.
Mục tiêu là khôi phục sản xuất sau đợt bão lũ lịch sử vừa qua thông qua các biện pháp như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn... Đồng thời yêu cầu tổ chức tín dụng hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ, xóa nợ theo quy định.
Có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục có những khởi sắc, tạo tiền đề để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% trong năm 2021.
Đánh giá sơ bộ của NHNN cho biết, đến nay dư nợ bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ năm 2020 khoảng 19,6 nghìn tỷ đồng, các tổ chức tín dụng đang hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại, cụ thể: cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 1.219 khách hàng với dư nợ 120 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 17.210 khách hàng với dư nợ 10.890 tỷ đồng; cho vay mới 7.191 khách hàng với số tiền cho vay mới 4.758 tỷ đồng.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng đang xem xét đề xuất khoanh nợ cho một số khách hàng, riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đang thực hiện khoanh nợ số tiền 85,93 tỷ đồng cho 2.087 khách hàng, xóa nợ 470 triệu đồng cho 23 khách hàng.
4 giải pháp cho mục tiêu tín dụng 10% năm 2020
Sự bùng phát đại dịch Covid-19 cùng với ảnh hưởng của các hiện tượng thiên nhiên bất lợi thời gian qua khiến kinh tế Việt Nam trải qua nhiều khó khăn và dự báo cần có thời gian để phục hồi.
Tuy nhiên, với những nỗ lực của ngành ngân hàng, hệ thống giải pháp hỗ trợ tài chính, kích cầu đồng bộ từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong ngăn chặn, đẩy lùi dịch Covid-19, có thể kỳ vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục có những khởi sắc, tạo tiền đề để hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6% trong năm 2021.
Trong đà hồi phục kinh tế của Việt Nam, tín dụng năm 2020 kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến đạt mục tiêu 10%, góp phần cung ứng vốn cho nền kinh tế, khôi phục sản xuất kinh doanh.
Trong tháng cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, NHNN cam kết tiếp tục thực hiện, triển khai đồng bộ các giải pháp:
Thứ nhất, đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế, sẽ tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả;
Thứ hai, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách tín dụng, đặc biệt là Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp;
Thứ ba, tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh góp phần ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với người dân, doanh nghiệp khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Thứ tư, chỉ đạo các tổ chức tín dụng quyết liệt triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng, tập trung vốn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đầu tư các dự án hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.