Ảnh: Dũng Minh

Ảnh: Dũng Minh

Tín dụng kỳ vọng từ quý II

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm nay khoảng 12%. Trong quý I, tín dụng ước tính tăng 1 - 1,5% so với cuối năm ngoái.

Lãi suất duy trì mức thấp

Theo thống kê hàng năm, tín dụng thường tăng chậm trong quý I, sau đó tăng dần và cao điểm là quý IV. Vì vậy, trước động thái tăng lãi suất tiền gửi ở một số ngân hàng gần đây, có ý kiến cho rằng, các nhà băng đang chuẩn bị thanh khoản để đáp ứng cầu tín dụng sẽ tăng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đánh giá, đây không phải là xu hướng tăng lãi suất chung của thị trường, mà chỉ cục bộ ở một vài ngân hàng.

Thực tế, trong tuần từ 8 - 15/3/2021, không ít nhà băng giảm lãi suất huy động, mức giảm từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm, kỳ hạn 1 năm dao động quanh mức 6%/năm.

Công ty Chứng khoán SSI dự báo, mặt bằng lãi suất sẽ ở mức thấp cho đến hết tháng 6 và tăng nhẹ trong nửa cuối năm khi tín dụng tốt hơn. Còn Công ty Chứng khoán Vietcombank nhìn nhận, mặt bằng lãi suất cho vay có dư địa giảm thêm trong bối cảnh lãi suất huy động đã giảm khá mạnh trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước TP.HCM, trong 2 tháng đầu năm 2021, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tăng 0,3%, tăng trưởng tín dụng ở mức 1,5% so với cuối năm ngoái. Tại Hà Nội, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2/2021 của Cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, tín dụng trên địa bàn tăng 0,6%.

Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết, quý đầu năm, nhu cầu vốn của khách hàng không cao, vì các dự án sản xuất - kinh doanh ít được khởi động trong giai đoạn này. Tín dụng tăng chậm nên nhiều khả năng toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Bên cạnh đó, lạm phát chưa có dấu hiệu tăng nóng và trong mức kiểm soát nên lãi suất cả huy động và cho vay khó tăng.

Mục tiêu tăng trưởng của các ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước sử dụng con số tăng trưởng tín dụng tại thời điểm cuối năm trước của các ngân hàng để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho năm sau, nhưng năm nay được điều chỉnh bằng cách lấy theo số tăng trưởng bình quân nhằm sát với tình hình thực tế.

Một số ngân hàng đã được cấp hạn mức tín dụng quý I/2021 tăng 3 - 4% so với cuối năm 2020. Lãnh đạo các ngân hàng này chia sẻ, việc Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng theo quý không gây áp lực cho ngân hàng.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế - ngân hàng khuyến nghị, về lâu về dài, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc bỏ cách điều hành mang tính hành chính đối với tín dụng và chuyển sang quản lý theo hệ số CAR (tỷ lệ an toàn vốn), tức là quản lý cả tử số và mẫu số, thay vì điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng như hiện nay, vốn rất ít nước trên thế giới sử dụng.

Sắp tới mùa họp đại hội đồng cổ đông, kế hoạch kinh doanh chuẩn bị trình đại hội của nhiều ngân hàng cho thấy, các chỉ tiêu được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng khả quan, trong đó có tín dụng.

Chẳng hạn, Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 25.200 tỷ đồng, tăng 12%, huy động vốn thị trường 1 tăng 8%, tín dụng tăng 12% so với năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 25 - 30%, tương đương đạt hơn 14.600 tỷ đồng; tín dụng tăng trưởng theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước giao, phấn đấu ở mức cao nhất; tỷ lệ nợ xấu ngân hàng hợp nhất dưới 1,3%.

Với VietinBank, mục tiêu năm 2021 là lợi nhuận tăng 10 - 20%, huy động tăng 10 - 12%, tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank cho biết, năm 2021, VietinBank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 8 - 11%, con số cụ thể phụ thuộc vào tình hình thực tế thị trường và chính sách điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý.

Ngân hàng Nhà nước cho hay, ngành ngân hàng đặt ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 12%, đây không phải là con số cố định, buộc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ, mà là con số trong định hướng điều hành của ngành. Cơ quan này sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng khi cần thiết.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng kỳ vọng, tín dụng sẽ có mức tăng trưởng cao dần trong các quý tới. Trước mắt, ngân hàng tập trung cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thiết yếu, phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay lĩnh vực nông sản, thủy sản…

Tin bài liên quan