Báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho thấy, cơ cấu tín dụng theo kỳ hạn tiếp tục thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng trung-dài hạn và tăng tỷ trọng ngắn hạn.
Cụ thể, tính đến hết ngày 30/11/2017, tín dụng trung-dài hạn ước tăng 12,7% so với thời điểm cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 15,9%), chiếm 53,8% tổng tín dụng toàn ngành (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước tăng 18,6% (cùng kỳ 2016 tăng 15,2%), chiếm 46,2% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).
Trong đó, tín dụng ngoại tệ ước tăng 12,3% so với cuối năm 2016, mức tăng này tuy đã chậm lại trong tháng 11, nhưng vẫn cao hơn hẳn so với thời điểm cùng kỳ 2016; tín dụng VND ước tăng 15,6% (cùng kỳ 2016 tăng 16,6%). Tín dụng bằng VND chiếm khoảng 91,8% tổng tín dụng, còn tín dụng ngoại tệ chiếm 8,2%.
Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 8,1%. Với hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng, tỷ trọng tín dụng đạt khoảng 15,5% (năm 2016 là 17,1%).
"Việc đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông trong khoảng thời gian ngắn là không dễ dàng. Hơn nữa, đó là con số quá lớn và có thể gây ra lạm phát trong tương lai. Vì thế, nếu không thận trọng đẩy vốn cho vay sẽ dẫn đến rủi ro"
- TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng
Mặc dù nhu cầu tín dụng thường tăng mạnh trong tháng cận Tết, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, để đạt tốc độ tăng khoảng 4-5% trong thời gian này là quá sức với hệ thống ngân hàng. Mặt khác, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay chưa thể cải thiện nhanh, nên khó có thể tiêu thụ hết lượng vốn tín dụng lớn.
TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, với kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng được nâng lên 21%, thì rõ ràng, dư địa tín dụng hiện nay còn rất lớn, khi 11 tháng đầu năm, toàn ngành mới đạt mức tăng trưởng dư nợ hơn 15%. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là nền kinh tế có hấp thu được vốn hay không?
“Thực tế hiện nay, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu, doanh nghiệp tốt chưa mấy mặn mà sử dụng vốn vay để mở rộng sản xuất-kinh doanh khi mà thị trường còn những khó khăn nhất định”, ông Lịch nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, một vấn đề cần lưu ý khác, đó là kiểm soát dòng chảy tín dụng, nếu không tín dụng sẽ lại hướng vào các lĩnh vực nhiều rủi ro như chứng khoán và bất động sản, vốn là ngành có khả năng hấp thụ vốn rất lớn.
“Dù các cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định đã kiểm soát tốt tín dụng bất động sản, nhưng thị trường này không phải đã hết rủi ro, bởi thực tế, ngân hàng vẫn đẩy vốn vào bất động sản”, ông Lịch cho hay.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% đề ra cho năm nay, ngành ngân hàng còn thiếu gần 6% dư nợ. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, không nhất thiết phải hoàn thành kế hoạch tín dụng bằng mọi giá.
“Việc đưa một lượng tiền lớn vào lưu thông trong khoảng thời gian ngắn là không dễ dàng. Hơn nữa, đó là con số quá lớn và có thể gây ra lạm phát trong tương lai. Vì thế, nếu không thận trọng đẩy vốn cho vay sẽ dẫn đến rủi ro”, ông Hiếu cảnh báo.
Theo giới quan sát, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21% chỉ là một trong những giải pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Từ đầu năm đến nay, nền kinh tế đã ghi nhận nhiều tích cực, nếu thúc ép tăng trưởng tín dụng phải đạt kế hoạch đề ra có thể sẽ khiến thị trường tài chính-tiền tệ mất sự hài hòa, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn vốn...