Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN, NHNN đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp cụ thể để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch, trong đó từ đầu năm 2021 đến nay có 19 tổ chức tín dụng đã công bố công khai về các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện cho khách hàng khôi phục sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, nhóm 4 ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục tiên phong trong triển khai các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng như Vietcombank giảm 1%/năm lãi suất cho vay đối với VND và 0,5%/năm đối với ngoại tệ cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của doanh nghiệp và người dân tại Bắc Giang và Bắc Ninh; Agribank hỗ trợ cho các chi nhánh mức lãi suất tối đa 2,5% để giảm lãi suất cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch (quy mô hỗ trợ áp dụng cho dư nợ khoảng 100.000 tỷ đồng).
BIDV triển khai các gói tín dụng với quy mô 150.000 tỷ đồng, lãi suất giảm 1%-1,5% so với kỳ trước và VietinBank giao quyền chủ động cho các Chi nhánh được giảm đến 2%/năm lãi suất cho vay, dự kiến mức hỗ trợ lãi, phí năm 2021 của Ngân hàng, tiếp tục duy trì tối thiểu bằng mức đã thực hiện năm 2020 (khoảng 5.000 tỷ đồng).
Đối với tín dụng ưu tiên cuối tháng 5/2021 so với cuối năm 2020, NHNN cho biết, tín dụng đối với xuất khẩu tăng 8,1%, chiếm 3,05% (cùng kỳ 2020 tăng 3,71%, chiếm 2,97%; cả năm 2020 tăng 13,66%, chiếm 2,96%);
Tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng 7,25%, chiếm 2,53% (cùng kỳ 2020 tăng 1,48%, chiếm 2,81%; cả năm 2020 giảm 1,74%, chiếm 2,47%); Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,47%, chiếm 0,39% (cùng kỳ tăng 0,83%, chiếm 0,37%; cả năm 2020 tăng 5,26%, chiếm 0,35%).
Tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng 4,99% so với cuối năm 2020, chiếm 24,78% (cùng kỳ 2020 tăng 1,87%, chiếm 24,89%; cả năm 2020 tăng 11,52%, chiếm 24,78%). Tín dụng đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 3,16%, chiếm 19,44% (cùng kỳ 2020 giảm 0,19%, chiếm 19,12%; cả năm 2020 tăng 13,56%, chiếm 19,8%).
Đến cuối tháng 5/2021, tín dụng đối với lĩnh vực đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 9,55% so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ trọng 0,52% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2020 giảm 12,13% và chiếm tỷ trọng 0,32%).
Tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 6,3%, chiếm tỷ trọng 19,83% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ tăng 2,95%, chiếm 19,78%). Trong đó, tín dụng phục vụ mục đích kinh doanh bất động sản tăng 4,96% so với cuối năm 2020 (cùng kỳ 2020: 4,39%; năm 2020 tăng 15,85%).
Tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống (tín dụng tiêu dùng) tăng 5,07% so với cuối năm 2020 và chiếm tỷ trọng 20,15% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,21% và chiếm tỷ trọng 20%).