Lợi dụng P2P lending cho vay nặng lãi
Đánh giá về hoạt động cho vay ngang hàng (P2P lending), tại một hội thảo do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức cách đây không lâu, các diễn giả đều có chung nhận định, hoạt động này có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là tại các nền kinh tế với hệ thống tài chính chưa phát triển, với số đông dân số chưa hoặc không có khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng, giúp các cá nhân và tổ chức (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ) tiếp cận tài chính, qua đó góp phần quan trọng giúp các quốc gia trong nỗ lực phát triển tài chính toàn diện.
Dẫu vậy, tại Hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và các giải pháp của ngành ngân hàng góp phần hạn chế tín dụng đen do NHNN mới đây, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN khẳng định, cho vay ngang hàng cũng mang lại nhiều rủi ro tiềm ẩn cho nền kinh tế nếu hoạt động này không được quản lý, vận hành tốt.
Rủi ro hoạt động cho vay ngang hàng về cơ bản không khác rủi ro đầu tư tài chính truyền thống, bao gồm rủi ro tín dụng, rủi ro thông tin, rủi ro phòng chống rửa tiền, rủi ro an ninh mạng…, từ đó phát sinh các tác động bất lợi, bất ổn đến kinh tế - xã hội.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam gần đây xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự mô hình các công ty vận hành P2P lending trên thế giới.
Bên cạnh các công ty hoạt động lành mạnh, tồn tại nhiều công ty kinh doanh thiếu chuyên nghiệp, quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nếu xảy ra tranh chấp giữa các bên tham gia, người cho vay có thể mất tiền, mà khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P lending.
“Đặc biệt, đã có hiện tượng nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen núp bóng rất tinh vi dưới hình thức hoạt động cầm đồ và/hoặc kết hợp với các nền tảng P2P lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm được quy định tại Điều 468, Bộ Luật Dân sự năm 2015”, ông Quang nhấn mạnh.
Theo quy định của pháp luật, đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động ngân hàng (bao gồm hoạt động huy động tiền gửi, cấp tín dụng và cung cấp dịch vụ thanh toán) phải tuân thủ quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức
tín dụng.
“Vì vậy, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào núp bóng và lợi dụng các nền tảng P2P lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được NHNN cấp phép là vi phạm pháp luật”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cho biết thêm, quan hệ cho vay thông thường giữa các cá nhân và/hoặc tổ chức với nhau được tiến hành trên nền tảng P2P lending phải được xem xét là các giao dịch dân sự nếu hoạt động cho vay này không phải là hoạt động ngân hàng. Các quan hệ cho vay dân sự trên nền tảng P2P lending không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng.
Sẽ sớm có cơ chế quản lý cho vay ngang hàng
Trước những rủi ro tiềm ẩn của hoạt động cho vay ngang hàng, ông Quang khuyến cáo người dân và doanh nghiệp thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P lending, nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng chính thống để tránh rơi vào bẫy lừa đảo của hệ thống tín dụng đen được các đối tượng kết hợp tinh vi với một số nền tảng P2P lending như đề cập ở trên.
Ông Quang cũng cho biết, để tạo thuận lợi cho người dân vay vốn ngân hàng phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách và hệ thống ngân hàng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách tín dụng đối với hộ nghèo, đối tượng chính sách, các ngành nghề ưu tiên phát triển (như nông nghiệp, nông thôn, thu mua lương thực, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tái canh cây cà phê…) với các điều kiện vay vốn đơn giản (không phải thế chấp tài sản) và lãi suất hợp lý.
Theo ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Agribank, đến cuối năm 2018, tổng dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt gần 1 triệu tỷ đồng, với 4 triệu khách hàng; trong đó 70% dư nợ của Agribank dành cho nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% dư nợ toàn ngành trong lĩnh vực này.
Về phía NHNN, ông Quang chia sẻ thêm, cơ quan này đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, yêu cầu các tổ chức tín dụng công bố công khai, minh bạch quy trình, tiêu chuẩn chất lượng, thủ tục cung cấp sản phẩm, dịch vụ, biểu phí, lãi suất, tăng cường cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp dễ dàng tiếp sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; qua đó bảo vệ quyền lợi hợp pháp của ngân hàng và khách hàng.
“Đồng thời, NHNN đề nghị các tổ chức tín dụng không ngừng nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kênh bán hàng để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, nhất là người dân ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo để góp phần đẩy lùi tín dụng đen và các hình thức núp bóng tín dụng đen, kể cả các hình thức núp bóng hoạt động P2P lending như đề cập ở trên”, ông Quang nói.
Đối với định hướng hoạt động P2P Lending thời gian tới, ông Quang thông tin: “NHNN chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan để sớm đề xuất Chính phủ cơ chế và phương thức quản lý đối với lĩnh vực này, qua đó, một mặt khuyến khích các doanh nghiệp FinTech áp dụng đổi mới, sáng tạo của thành tựu công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, nhưng đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, qua đó đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, góp phần tích cực đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen”.
Bộ Luật Dân sự năm 2015 điều chỉnh các quan hệ dân sự của các cá nhân, pháp nhân (gồm cả các pháp nhân không phải là tổ chức tín dụng), trong đó quy định về vay tài sản, lãi suất cho vay (do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay).
Đối với hành vi cho vay vượt quá lãi suất quy định tại Điều 468, Bộ Luật Dân sự thì tùy theo tính chất và mức độ của hành vi này mà người có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 201, Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017 và có hiệu lực ngày 01/01/2018) có quy định cụ thể về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo đó, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm (khi cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ Luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng…);phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên); ngoài ra có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm tùy theo mức độ và tính chất vi phạm.