Liên tiếp các vụ đổ vỡ “tín dụng đen” xảy ra gần đây đã đẩy nhiều người dân vào cảnh khuynh gia bại sản và ảnh hưởng nghiêm trọng tới trật tự an toàn xã hội. Các ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp và quyết tâm trong đấu tranh với loại tội phạm này. Dù tín dụng đen được nhắc đến thường xuyên, nhưng đáng ngạc nhiên là khó tìm thấy một định nghĩa hay ranh giới phân biệt tín dụng đen và cho vay dân sự thông thường. Trên thực tế, nhu cầu vay dân sự là nhu cầu chính đáng của người dân.
Pháp luật về ngân hàng nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, tức là hoạt động vay vốn và cho vay. Thế nhưng, pháp luật lại không có quy định về hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng, không xác định được ranh giới để phân biệt giữa hoạt động vay vốn hợp pháp và bất hợp pháp ở ngoài ngân hàng. Trên thực tế, không phải hoạt động cho vay dân sự nào cũng là bất hợp pháp.
Chưa có một ranh giới rõ ràng phân biệt tín dụng đen và cho vay dân sự thông thường
Pháp luật dân sự quy định, lãi suất cho vay dân sự không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với kỳ hạn cho vay tương ứng. Nếu chiểu theo quy định này thì gần như 100% các hợp đồng vay tiền ở ngoài ngân hàng đều phạm luật. Và chỉ khi xảy ra tranh chấp, khởi kiện thì cơ quan tài phán mới xem xét lãi suất của các hợp đồng vay đã phù hợp với quy định hay chưa.
Pháp luật hành chính cũng không có quy định xử phạt với những trường hợp cho vay có lãi suất vượt quá giới hạn Bộ luật Dân sự quy định. Bộ luật Hình sự có một điều luật về tội cho vay nặng lãi, nhưng đáng tiếc là quy định này lại không phát huy tác dụng trong thực tế. Cụ thể, Bộ luật Hình sự quy định, người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột thì phạm tội cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về hành vi cho vay “có tính chất chuyên bóc lột” và hưởng lợi bất chính bao nhiêu thì mới bị coi là cho vay lãi nặng… Không những thế, việc xác định “mức lãi suất cao nhất” không hề dễ dàng và còn tùy thuộc vào chính sách điều hành cụ thể của Ngân hàng Nhà nước trong từng giai đoạn. Hiện Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng (7%/năm) và lãi suất cho vay trong một số lĩnh vực ưu tiên, còn về cơ bản, lãi suất là sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng.
Pháp luật Hình sự còn một điều luật gắn với tín dụng đen là tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Song, theo đại biểu Quốc hội Trương Thái Hiền, Chánh án TAND tỉnh Kiên Giang phản ánh, giao dịch vay mượn trên thực tế diễn ra hết sức phức tạp và có một bộ phận lợi dụng tín nhiệm, vay mượn tiền, tài sản rồi chiếm dụng tài sản này. Tuy nhiên, do đương sự không bỏ trốn và không sử dụng đồng tiền trái mục đích so với vay mượn ban đầu nên những trường hợp này không đủ yếu tố cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mà chỉ có thể xử lý bằng pháp luật dân sự. Nhưng việc xử lý dân sự lại không đủ sức răn đe và không giúp người dân thu hồi được tài sản.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Trương Hòa Bình khi trả lời chất vấn Quốc hội đã thừa nhận, quá trình kiểm tra hoạt động tín dụng ở Tây Ninh, phát hiện tình hình vay nặng lãi, vay qua đầu nậu của người nghèo, thế chấp, làm hợp đồng bán nhà, ruộng… diễn ra rất phổ biến, đẩy nhiều người dân vào tình cảnh mất nhà, mất ruộng. Ông Trương Hòa Bình cũng cho rằng, Bộ luật Hình sự cần phải được hoàn thiện theo hướng quy định cụ thể và chặt chẽ về tội phạm liên quan đến tín dụng đen, nhằm ngăn chặn nạn tín dụng đen cũng như hệ lụy của nó với đời sống người dân nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, trong chương trình xây dựng luật năm 2013 và 2014 của Quốc hội, Bộ luật Hình sự chưa được đề xuất sửa đổi, bổ sung kỳ này. Trong khi những bất cập về pháp luật đối với tội phạm liên quan đến tín dụng đen chưa được sửa đổi, hệ thống tín dụng có vai trò quan trọng trong việc hạn chế sự phát triển của tín dụng đen. Thực tế, nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng không thể tiếp cận nguồn cho vay hợp pháp nên mới phải tìm đến tín dụng “ngoài luồng”. Do vậy, ngoài việc xây dựng hệ thống ngân hàng vững mạnh, cần tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tài chính vi mô có thể phát triển, đáp ứng nhu cầu vốn chính đáng của một bộ phận dân cư, những người không thể tiếp cận, đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng.