Tín dụng đang tăng trưởng phù hợp GDP, lãi suất điều hành có thể hạ thêm từ năm sau

0:00 / 0:00
0:00
TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, thời điểm hiện tại, lãi suất điều hành khó giảm do áp lực tỷ giá. Tuy vậy, từ giữa đến cuối năm sau, nếu Fed giảm lãi suất, NHNN sẽ hạ thêm lãi suất điều hành.
Tín dụng đang tăng trưởng phù hợp GDP, lãi suất điều hành có thể hạ thêm từ năm sau

Tỷ giá cản đường, lãi suất có thể giảm từ năm sau

Phát biểu tại Hội thảo “Tháo van tín dụng - Khơi thông tăng trưởng" do Báo Dân trí tổ chức sáng nay (17/11), TS. Võ Trí Thành cho rằng, từ nay đến đầu 2024, việc hạ lãi suất điều hành sẽ gặp khó khăn bởi áp lực tỷ giá. “Chúng ta không thể để VND mất giá, bởi nếu tình trạng này xảy ra, không là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chúng ta sẽ phải chấp nhận VNĐ mất giá song chỉ ở mức độ nhất định, không thể để mất giá quá lớn”, chuyên gia này nhận định.

Riêng với lãi suất cho vay, các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 2-2,5%/năm so với đầu năm. Mức giảm này vượt quá kỳ vọng của NHNN đặt ra đầu năm nay song vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Dù vậy, TS. Võ Trí THành cho rằng, ngân hàng thương mại huy động lãi suất cuối năm 2022 và đầu năm 2023 rất cao nên nếu hạ nhanh lãi suất cho vay sẽ lỗ nặng. Tuy vậy, các ngân hàng đều có tệp khách hàng riêng, có khẩu vị riêng và có gói tín dụng ưu đãi với từng nhóm khách hàng ưu tiên của mình.

“Tôi hi vọng lãi suất của Fed sẽ giảm từ giữa năm sau, hệ thống ngân hàng trong nước ổn hơn một chút thì có thể ngân hàng nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm chút nữa. Hiện tại chúng ta cố gắng giữ lãi suất hiện nay bởi áp lực tỷ giá vẫn còn”, ông Thành nói.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Khối khách hàng doanh nghiệp HDBank cho biết, lãi suất cho vay hiện nay đã thấp hơn quý trước song các ngân hàng vẫn vất vả tìm khách hàng tốt để cho vay.

“Các ngân hàng phải bỏ công sức nhiều hơn để tìm doanh nghiệp tốt trong giai đoạn hiện tại. HDBank có chương trình tốt cho khách hàng, thấp hơn cả so với lãi suất huy động. Những nhà cung ứng cho doanh nghiệp mua hàng có sức khỏe tốt sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi”, ông Phương cho hay.

Lý giải về việc ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp vẫn kêu khó tiếp cận vốn, ông Phương chỉ ra những khó khăn chính yếu, đồng thời khuyên doanh nghiệp nên tránh ba điều để tạo niềm tin cho ngân hàng. Đầu tiên là không nên mất cân đối tài chính , vốn ròng phải lớn hơn 0, không lấy vốn ngắn hạn để sống trong dài hạn. Thứ hai, không nên để nợ quá hạn. Thứ ba là vòng quay vốn không dài.

Tín dụng đang tăng trưởng phù hợp với GDP

Với các ý kiến cho rằng, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng chậm, PGS.TS. Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Đại học Ngân hàng TP.HCM tỏ ra không tán thành.

Theo chuyên gia này, nếu GDP chỉ tăng 4,7-5% thì tín dụng chỉ 11-12% là hợp lý.Tín dụng 10 tháng đầu năm đã tăng 7,49% rồi, hai tháng cuối năm có thể tăng 2%/tháng do yếu tố mùa vụ.

“Tóm lại, tín dụng từ đầu năm đến nay tăng trưởng với tốc độ như vừa qua là bình thường, đúng chu kỳ. Chỉ có điều chúng ta tính đến điều xấu nhất để đưa giải pháp tốt nhất. GDP chỉ tăng 4,7% thì phải tính lại tăng trưởng tín dụng (chỉ 11-12% là phù hợp, không nên nhắc đặt mục tiêu tăng 14-15%)”, ông Trung khuyến nghị.

Về vấn đề này, TS Võ Trí Thành nói thêm, thực chất Việt Nam đang dùng đòn bẩy tài chính quá cao (tín dụng/GDP lên tới 130%). Theo ông Thành, trong tương lai, khi thị trường vốn phát triển thì tín dụng Việt Nam chỉ nên tăng ở mức 10%/năm, không nên ở mức 13-15% như hiện nay.

“Về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room), ít nhất 2 năm tới, trừ khi hệ thống tài chính lành mạnh thì chưa thể bỏ cơ chế cấp room tín dụng được”, chuyên gia này góp ý thêm.

Tin bài liên quan