Kiểm soát chặt rủi ro
Tăng trưởng dư nợ ngành ngân hàng nửa đầu năm 2023 khá chậm, với mức tăng chưa tới 5%. Trong đó, cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP cả nước. Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ.
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong nửa cuối năm 2023, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, cơ quan này tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán... để kịp thời phát hiện dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro và có biện pháp xử lý phù hợp, góp phần đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống các tổ chức tín dụng.
Chưa khi nào Ngân hàng Nhà nước khẳng định “siết” tín dụng ở lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản..., song thực tế cho thấy, tín dụng ở lĩnh vực chứng khoán luôn được các ngân hàng cân nhắc kỹ.
Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng tín dụng của các tổ chức tín dụng trong tháng 6/2023, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng trong 6 tháng đầu năm 2023 cải thiện với mức độ chậm so với 6 tháng cuối năm 2022 và cùng kỳ các năm 2021, 2022, chưa đạt mức kỳ vọng ghi nhận tại kỳ điều tra trước, nhưng được dự báo sẽ cải thiện mạnh hơn trong 6 tháng cuối năm 2023. Tính chung cả năm 2023, nhu cầu tín dụng tổng thể của khách hàng tăng với mức độ thấp hơn mức tăng của năm 2022 ở tất cả các lĩnh vực, đối tượng, loại tiền và kỳ hạn.
Trong 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2023, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định tăng nhanh hơn so với kỳ trước và cùng kỳ năm trước ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và đầu tư kinh doanh chứng khoán tiềm ẩn rủi ro tăng cao nhất.
Trong bối cảnh mặt bằng rủi ro tín dụng được đánh giá là tăng nhanh hơn so với kỳ liền trước và cùng kỳ năm trước, các tổ chức tín dụng có xu hướng không đổi hoặc thắt chặt nhẹ tiêu chuẩn tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2023 và cả năm 2023 so với năm 2022, nhưng dự kiến sẽ giảm bớt thắt chặt trong 6 tháng cuối năm 2023.
Cụ thể, tiêu chuẩn tín dụng đối với lĩnh vực cho vay đầu tư ứng dụng công nghệ cao, cho vay kinh doanh xuất nhập khẩu, cho vay đầu tư công nghiệp hỗ trợ, cho vay phát triển nông, lâm, thủy sản và nhóm khách hàng doanh nghiệp khác được các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ trong 6 tháng cuối năm 2023.
Đồng thời, các tổ chức tín dụng cho biết, trong khi tiêu chuẩn tín dụng đối với các lĩnh vực có rủi ro cao như đầu tư kinh doanh chứng khoán, đầu tư kinh doanh bất động sản, kinh doanh tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và xây dựng tiếp tục được các tổ chức tín dụng dự kiến thắt chặt nhẹ. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ rủi ro của thị trường tăng lên, bao gồm rủi ro từ phía khách hàng, rủi ro ngành nghề, cùng với triển vọng kinh tế suy giảm.
Ngược lại, có 10 - 15% tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng tiêu chuẩn tín dụng do lạc quan về năng lực tài chính của đơn vị, cùng với các chính sách định hướng, quản lý tín dụng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và chính sách định hướng, quản lý phát triển các ngành kinh tế của Chính phủ.
Dòng vốn trên thị trường chứng khoán vẫn khả quan
Năm 2023, mặt bằng rủi ro tín dụng tổng thể của khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản và chứng khoán.
Tín dụng lĩnh vực đầu tư chứng khoán luôn được định hướng kiểm soát chặt chẽ, song không phải vì thế mà ngân hàng đóng cửa cho vay, nếu kiểm soát được rủi ro nợ xấu và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong quý I/2023, tín dụng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán tăng 13,39%. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ cho vay đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán còn nhỏ, chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian qua, ngoài việc tham gia trực tiếp trên thị trường vốn với vai trò nhà đầu tư và nhà phát hành chứng khoán, nhiều tổ chức tín dụng còn cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường vốn. Để hạn chế rủi ro, cơ quan quản lý ngành ngân hàng hoàn thiện các quy định kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán như quy định hệ số rủi ro đối với các khoản phải đòi để đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%.
Hiện tại, các tổ chức tín dụng chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và khi cấp tín dụng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Ngoài ra, tổ chức tín dụng không được cấp tín dụng cho khách hàng là công ty con, công ty liên kết để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Thực tế, vốn tín dụng được nhìn nhận là một trong những dòng vốn đóng góp không nhỏ vào sự sôi động trên thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường có triển vọng tăng điểm và lãi suất ở mức thấp.
Một số công ty chứng khoán cho biết, việc sử dụng hạn mức tín dụng cho các tài khoản chứng khoán hiện tăng khoảng 30% so với đầu năm 2023 và khách hàng cá nhân bắt đầu có động thái chuyển tiền từ kênh tiền gửi ngân hàng quay trở lại thị trường chứng khoán.
Về phía các doanh nghiệp niêm yết, dòng vốn cho vay từ các ngân hàng có vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu vốn lưu động, triển khai các kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Dòng vốn này không chỉ là cấp tín dụng, mà còn thông qua hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Trong vài năm gần đây, ngân hàng vừa là tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn, vừa là đối tượng mua nhiều trái phiếu doanh nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN, hoãn thi hành Khoản 11, Điều 4, Thông tư 16/2021/TT-NHN đến 31/12/2023, đồng nghĩa với việc cho phép các ngân hàng thương mại được mua lại ngay trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, thay vì phải đợi sau 12 tháng. Đây cũng là một cách để các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng cho vay qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp (4,73% tính đến cuối quý II/2023) và thanh khoản ngân hàng đang dư thừa.
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đánh giá, Thông tư 03/2023/TT-NHNN sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư cũng như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp có dòng tiền để xử lý một phần lượng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong năm 2023. Qua đó, doanh nghiệp có thể dùng nguồn vốn đang có để duy trì sản xuất- kinh doanh, đầu tư, tiêu dùng, vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, điều kiện ở đây là doanh nghiệp phải ở mức xếp hạng tín dụng nội bộ cao nhất của tổ chức tín dụng (tức là có tình hình tài chính và sản xuất - kinh doanh lành mạnh) và tùy thuộc vào đánh giá, khẩu vị rủi ro, năng lực tài chính của tổ chức tín dụng.
Thông tư 06/2023/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016) có hiệu lực từ ngày 1/9/2023 quy định, ngân hàng thương mại không cho vay đối với mục đích góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Lý do là vì vốn điều lệ nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty, đồng thời ngân hàng thương mại khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do không kiểm soát được việc sử dụng vốn, không có cơ sở để đánh giá khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Mặt khác, đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau.