Theo báo cáo mới được công bố, thanh khoản ngân hàng đã cải thiện đáng kể, thậm chí nguồn vốn dôi dư, Ngân hàng Nhà nước đã bỏ khống chế tỷ lệ đối với hạn mức tăng trưởng ở lĩnh vực tín dụng không khuyến khích, trong đó có chứng khoán và bất động sản, nhưng chứng khoán chưa thể kỳ vọng nhiều vào nguồn tín dụng ngân hàng.
Năm qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay, với kỳ vọng kích được cầu tín dụng, làm ấm lại thị trường nhà đất để từ đó có thể chủ động xử lý được khối nợ xấu đang tồn tại trong lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng trên địa bàn ở mức 5,2%, vì vậy, chủ động xử lý nợ xấu là rất cần thiết, nhưng các nhà băng cần thận trọng khi đẩy mạnh cho vay lĩnh vực này.
Còn với chứng khoán, nguồn tín dụng còn khó hơn, cho dù các ngân hàng đã được mở thêm điều kiện so với trước đây. Ông Minh cho rằng, đây cũng là lĩnh vực nhạy cảm, chứa đựng nhiều rủi ro, nên càng phải thận trọng khi triển khai cho vay.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP.HCM cho hay, hiện với tín dụng bất động sản, ngân hàng ông có khá nhiều chương trình cho vay ưu đãi lãi suất. Song với tín dụng chứng khoán, hay được gọi là cầm cố cổ phiếu, do thị trường chứng khoán chưa thực sự hồi phục, yếu tố rủi ro còn cao, nên trong thời gian qua, ngân hàng ông vẫn rất thận trọng khi “rót” vốn.
Trong khi đó, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc OCB nhận định, với xu hướng giảm dần của mặt bằng lãi suất đầu vào và cả lãi suất cho vay, thì khả năng chứng khoán sẽ có thêm cơ hội thu hút vốn đầu tư.
Theo đánh giá của ông Linh, chứng khoán không bao giờ mất tính hấp dẫn và nhà đầu tư kinh doanh chứng khoán không bao giờ “chết”, nhưng làm thế nào để vừa đáp ứng nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư chứng khoán, đồng thời lại đảm bảo an toàn vốn cho ngân hàng là điều rất khó.
Trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, các kênh đầu tư khác bị ảnh hưởng, thì chứng khoán thường được so sánh với lãi suất tiết kiệm. Vì thế, chứng khoán năm nay chưa kỳ vọng bùng nổ, song theo ông Linh, thanh khoản sẽ cao hơn so với năm trước, bởi yếu tố lãi suất không còn hấp dẫn như năm 2013, dẫn đến nguồn tiền có xu hướng chuyển dịch từ tiết kiệm sang kênh đầu chứng khoán. Đây được xem là yếu tố hỗ trợ tích cực cho chứng khoán trong năm 2014.
“Nhưng khó có thể sớm khơi thông nguồn tín dụng của ngân hàng chảy vào chứng khoán”, ông Linh nhận định, tuy nhiên, cửa tín dụng đối với lĩnh vực này sẽ dần mở.
Một lãnh đạo nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán cũng nhận định, khả năng hồi phục của chứng khoán trong năm nay sẽ rõ nét hơn. Dòng chảy tín dụng ngân hàng cũng dần được khơi thông, khi nợ xấu đang được các nhà băng xử lý thông qua công cụ hữu hiệu là Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Một khi tín dụng được khơi thông, các kênh đầu tư, trong đó có chứng khoán, sẽ thêm điều kiện để hồi phục. Lúc này, ngân hàng cũng sẽ mạnh dạn hơn trong việc “rót” vốn cho lĩnh vực chứng khoán.