Tại BIDV, tín dụng ghi nhận mức giảm 1,25% trong tháng 1

Tại BIDV, tín dụng ghi nhận mức giảm 1,25% trong tháng 1

Tín dụng chưa thể tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng ghi nhận con số âm 0,6% trong tháng đầu năm, tương đương giảm khoảng 81.000 tỷ đồng nguồn vốn vào nền kinh tế.

Đi lùi trong tháng đầu năm

Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngay từ đầu năm 2024, nhằm tạo điều kiện để tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng đã hai lần giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3 - 0,5%/năm và 1 lần giảm lãi suất cho vay ngắn hạn với mức giảm từ 0,5 - 1%/năm.

Hiện lãi suất cho vay bình quân của Ngân hàng giảm 0,42%/năm so thời điểm đầu năm 2023 và giảm 0,13% so với thời điểm đầu năm 2024, phổ biến ở mức 7 - 9%/năm với khoản vay ngắn hạn và 9 - 9,5%/năm với khoản vay dài hạn.

Còn tại BIDV, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, lãi suất cho vay VND bình quân tại thời điểm 31/1/2024 giảm 0,24%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay mới thời điểm hiện tại giảm về còn 6,02%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn là 5,93%/năm, trung dài hạn là 7,19%/năm.

“BIDV luôn chủ động công bố thông tin về lãi suất cho vay chương trình, gói tín dụng trên website”, ông Long nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MB cho biết, lãi suất cho vay mới đã giảm khoảng 4%/năm so với bình quân tháng 12/2022 (giai đoạn lãi suất đạt đỉnh giai đoạn 2020 tới nay - PV), còn cho vay bình quân thì giảm từ 2,5 - 3%/năm. Với mức lãi suất huy động đã về vùng thực âm, lãi suất cho vay neo theo lãi suất huy động chỉ cao hơn mức lạm phát một chút.

“Mặt bằng lãi suất cho vay của MB nói riêng và các ngân hàng nói chung đã rất thấp. Tôi nghĩ lãi suất cho vay đang ở mức đáy và cho vay mới với mức lãi suất như hiện nay ngang với các gói ưu đãi trước đây”, ông Ánh nói.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về đẩy mạnh tín dụng ngân hàng năm 2024, tổ chức đầu tuần trước, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đầu năm 2024, cơ quan quản lý tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước, với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế.

Theo đó, tính đến ngày 31/1/2024, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm; lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023.

Lãi suất cho vay đã giảm mạnh, thậm chí còn được cho là ở mức đáy nhưng tăng trưởng tín dụng khá bấp bênh. Thông tin được bà Giang cho biết, tín dụng toàn ngành tại thời điểm cuối tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Theo đó, ước tính, tín dụng của nền kinh tế đã giảm khoảng 81.000 tỷ đồng trong tháng đầu năm.

Tại BIDV, ông Trần Long cho biết, tổng dư nợ tính đến 31/1/2024 đạt 1.725.000 tỷ đồng, giảm 1,25% so với cuối năm 2023.

Tại Agribank, số liệu được ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng cung cấp, tín dụng cao hơn 0,4% so với cùng kỳ năm trước, con số tuyệt đối cao hơn gần 5.000 tỷ đồng.

“Doanh số cho vay tháng 1/2024 đạt 206.000 tỷ đồng, cao hơn 66.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Agribank vẫn đang thực hiện tốt vai trò cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Vượng nói.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hồ Nam Tiến, Tổng giám đốc LPBank cho biết: “Đến cuối tháng 1, tăng trưởng tín dụng của LPBank đạt gần 10.000 tỷ đồng, tương đương mức tăng 3,3% so với cuối năm 2023. Doanh số giải ngân trong tháng là gần 30.000 tỷ đồng”.

Thúc đẩy tín dụng, cần sự chung tay

Ông Vượng nhận định, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh trong năm 2023 và tiếp tục được duy trì trong năm 2024. Mặt bằng lãi suất đã về mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có các giải pháp điều hành lãi suất chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong nước và quốc tế nhằm ổn định thị trường tiền tệ, điều này giúp kích cầu mạnh mẽ tiêu dùng và đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

“Song, bên cạnh thuận lợi, hoạt động kinh doanh ngân hàng còn đối mặt với nhiều khó khăn. Sức hấp thụ vốn của ngành kinh tế năm 2024 dù đánh giá có khả quan nhưng dự kiến vẫn ở mức thấp. Một số động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp còn chậm”, ông Vượng nói.

Ông Vượng kỳ vọng, ngoài sự nỗ lực của hệ thống ngân hàng, cần có sự vào cuộc tích cực của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến địa phương trong công tác giải quyết các vấn đề về pháp lý đối với các dự án đầu tư. Bên cạnh đó là câu chuyện cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa quy trình đầu tư và thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Một trong các đề xuất được Tổng giám đốc Agribank đưa ra là Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được giữ nguyên nhóm nợ đối với dư nợ gốc phát sinh trong năm 2023, đồng thời kéo dài thời gian cơ cấu nợ đến ngày 31/12/2024, thay vì ngày 30/6/2024 như hiện nay. Trên cơ sở đó, tổ chức tín dụng phân bổ trích lập dự phòng bổ sung trong 3 năm, tối đa đến 31/12/2025 trích đủ 100%. Đối với các khoản nợ được cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ, cho phép tổ chức tín dụng không phải áp dụng nguyên tắc điều chỉnh nhóm nợ theo CIC ngay trong kỳ phân loại nợ (không phải chờ đến kỳ điều chỉnh nhóm nợ theo CIC tiếp theo).

Trong khi đó, Tổng giám đốc LPBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng, đến ngày 30/6/2025, để các tổ chức tín dụng tiếp tục hỗ trợ khách hàng hồi phục sản xuất - kinh doanh.

Đồng quan điểm về việc Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc về thủ tục pháp lý các dự án nhà ở, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh, Phó tổng giám đốc BIDV Trần Long cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xử lý việc tăng vốn điều lệ bằng lợi nhuận để lại của các ngân hàng thương mại Nhà nước sở hữu chi phối nhằm tăng năng lực cấp tín dụng cho nền kinh tế của các nhà băng này.

Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án BOT, ông Long kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các cam kết đã ký với các tổ chức tín dụng, các nhà đầu tư, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng, các định chế tài chính trong và ngoài nước tham gia các dự án PPP. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31/2022/NĐ - CP đã hết hiệu lực, do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét chuyển nguồn còn lại sang các chương trình hỗ trợ trực tiếp cho khách hàng như miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt phục vụ cho quá trình chuyển đổi số ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ”, ông Long nói.

Trong khi đó, theo ông Đỗ Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành VietinBank, Chính phủ cần nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đa dạng hóa nguồn cung - đối tác, nhà cung cấp nguyên, nhiên, phụ liệu, linh kiện đầu vào đáp ứng nhu cầu sản xuất - kinh doanh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, cần thúc đẩy các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Sự ổn định và phát triển trong hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng cũng như toàn nền kinh tế”, ông Sơn nhấn mạnh.

Tin bài liên quan