Nguồn vốn dưa thừa, nhiều nhà băng dần rộng cửa đối với tín dụng cá nhân, trong đó có cho vay chứng khoán. Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo nhiều nhà băng cho biết, ngân hàng cũng rất thận trọng khi triển khai loại tín dụng này.
“Lãi suất tiết kiệm giảm đã phần nào tác động tích cực lên chứng khoán”
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM
Sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đã dần ổn định trên mặt bằng giá mới. Điều này giúp NHNN tiếp tục mua vào ngoại tệ để nâng dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao kỷ lục. Tình trạng đô la hóa tiếp tục giảm, thị trường vàng diễn biến tương đối ổn định, NHNN không phải tổ chức đấu thầu bán vàng miếng, hạn chế việc sử dụng ngoại tệ của Quỹ bình ổn tỷ giá và giá vàng để nhập khẩu vàng trên thị trường quốc tế.
Mặt khác, mua vàng thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư bị lỗ khi giá giảm, trong khi mua vàng hiện nay người dân cũng không biết gửi vào đâu do các NHTM không còn được huy động vàng. Đối với bất động sản, nhu cầu có, nhưng do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng bởi kinh tế khó khăn nên mãi lực mua khó tăng, thị trường khó khởi sắc mạnh mẽ.
Lãi suất tiết kiệm giảm thời gian qua phần nào tác động tích cực lên chứng khoán. Nguồn tiền nhàn rỗi của nhà đầu tư có thể một phần được chuyển sang các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ tùy thuộc khá nhiều vào mức độ chấp nhận rủi ro và kinh nghiệm của nhà đầu tư.
“Ngân hàng không đẩy mạnh vốn ồ ạt cho vay chứng khoán”
Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc Nam A Bank
Nam A Bank có triển khai tín dụng chứng khoán, nhưng không chú trọng đẩy mạnh so với các loại hình tín dụng khác, chủ yếu cho vay trực tiếp nhà đầu tư thông qua các CTCK liên kết có uy tín trên thị trường. Vì thế, room tín dụng cầm cố chứng khoán mà Ngân hàng được sử dụng tối đa 20% trên tổng vốn điều lệ vẫn còn khá lớn.
So với thời điểm đầu năm, nhu cầu vốn kinh doanh chứng khoán của nhà đầu tư có dấu hiệu tăng trở lại. Theo tôi, chứng khoán phục hồi là cơ hội không chỉ với nhà đầu tư, mà còn có cả ngân hàng trong việc phát triển tín dụng ở lĩnh vực này, nhất là khi tăng trưởng tín dụng của khối DN đang khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngân hàng đẩy mạnh vốn ồ ạt cho vay, ngược lại phải hết sức thận trọng trong việc kiểm soát rủi ro, nhất là với tín dụng chứng khoán vốn dĩ khá rủi ro do biến động của thị trường cổ phiếu.
Thực tế, chứng khoán hồi phục, song không phải nhà đầu tư nào cũng sẵn sàng rót tiền vào chứng khoán, nguồn tiền gửi vào tiết kiệm vẫn tăng, kể cả tại Nam A Bank.
“Chỉ cho vay chứng khoán dưới hình thức T+3”
Ông Trương Đình Long, Phó tổng giám đốc OCB
OCB hiện triển khai cho vay chứng khoán dưới hình thức T+3. Nhu cầu của nhà đầu tư có, song Ngân hàng chỉ chọn lọc và liên kết triển khai với những CTCK có uy tín để đảm bảo rủi ro. Dư nợ tín dụng T+3 mà OCB đang triển khai tính đến thời điểm này chiếm khoảng 10 - 15% trên tổng dư nợ của khối khách hàng cá nhân.
Theo tôi, TTCK hồi phục đã thu hút được một lượng lớn nhà đầu tư quay trở lại. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tất cả nhà đầu tư sẽ rót hết vốn nhàn rỗi vào chứng khoán, kể cả khi tiết kiệm giảm. Đồng vốn trong nền kinh tế được ví như các bình thông nhau, khi khả năng sinh lời kênh đầu tư này kém hấp dẫn sẽ được luân chuyển qua các kênh đầu tư khác. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tuy đã giảm so với trước, nhưng so với các kênh đầu tư khác như vàng, ngoại tệ hay bất động sản, đều chưa thực sự khởi sắc, do đó kênh tiết kiệm vẫn được nhiều người lựa chọn.
“Đầu tư vào chứng khoán sẽ có mức sinh lời cao hơn”
Ông Yun Hang, Giám đốc Khối thị trường mới nổi của Korea Investment & Securities (Hàn Quốc)
Lợi nhuận khi gửi tiết kiệm đã giảm khá nhiều so với thời gian trước. Trong khi đó, nếu tính theo chỉ số VN-Index trên TTCK, năm 2013, chỉ số này tăng trên 20% và tăng khoảng 15% tính từ đầu năm đến nay.
Thời gian còn lại của năm 2014, khả năng VN-Index sẽ tiếp tục tăng và đạt mốc trên dưới 650 điểm. Vì thế, đầu tư vào chứng khoán sẽ có mức sinh lời cao hơn khi mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp, đặc biệt là với các kỳ hạn ngắn.
Điều đó cho thấy, nếu nhà đầu tư xem xét và lựa chọn được những cổ phiếu tốt, thì đầu tư vào chứng khoán những tháng cuối năm khả năng sinh lời sẽ cao hơn so với gửi tiết kiệm và một số kênh khác đầu tư khác như bất động sản hay vàng. Tuy nhiên, sẽ rất khó để có hiện tượng các nhà đầu tư đồng loạt rút tiền tiết kiệm bỏ vào chứng khoán.
Về cơ bản, đối với thị trường Việt Nam hiện nay, nhà đầu tư không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả, ngoài tiết kiệm được xem là kênh đầu tư an toàn, chứng khoán hay bất động sản có mức sinh lời cao nhưng kèm theo đó cũng có những rủi ro nhất định.