Giải pháp sáng tạo, nhân văn, phù hợp với thực tiễn Việt Nam
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hội thảo. Đó là, khẳng định mục tiêu thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng. Tín dụng chính sách xã hội là một giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu trên.
Theo ông Sơn, Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội ra đời là là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, là minh chứng quan trọng cho thấy mối quan hệ giữa chính sách kinh tế và chính sách xã hội, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội thảo |
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến nhanh, mạnh, phức tạp và khó lường; nhiều xu hướng mới xuất hiện như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cách mạng công nghiệp 4.0; những vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu… đang diễn biến ngày càng sâu sắc với những tác động nhiều chiều đến nền kinh tế nước ta. Tất cả những điều đó đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hoạt động của tín dụng chính sách xã hội và đặt ra những yêu cầu mới.
“Cần phải có những quan điểm mới, giải pháp mới đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhất là nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách xã hội”, ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, nhưng hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn còn có nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục. Với chức năng là cơ quan tham mưu, giúp việc Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Kinh tế Trung ương được Ban Bí thư giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW.
Tăng cường nguồn lực
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng NHNN, Ban Lãnh đạo NHNN, các TCTD nhà nước đã rất tích cực đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Cụ thể, duy trì 2% số dư tiền gửi tại NHCSXH và mua trái phiếu NHCSXH được Chính phủ bảo lãnh, để ổn định, bổ sung nguồn vốn cho NHCSXH trong triển khai thực hiện tốt các chương trình, tín dụng chính sách.
“Đến nay, hai nguồn vốn này chiếm tỷ trọng gần 60% trên tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để triển khai các chương trình tín dụng chính sách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, NHNN đã kịp thời tái cấp vốn 0% để NHCSXH thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19”, bà Giang thông tin.
Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN phát biểu tại Hội thảo |
Bà Giang cho biết, với vai trò là Chủ tịch HĐQT, Thống đốc NHNN đã có các văn bản gửi Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương đề nghị tiếp tục dành sự quan tâm đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Kết quả là nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác sang NHCSXH có sự tăng trưởng mạnh mẽ, từ 5% (năm 2014 - thời điểm ban hành Chỉ thị số 40-CV/TW) đến nay chiếm tỷ trọng trên 12% trong tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội.
Không những vậy, cũng theo bà Giang, Ban Lãnh đạo NHNN đã chỉ đạo đơn vị chức năng chủ động tìm kiếm, nghiên cứu tiến tới đàm phán, ký kết các dự án tín dụng, các nguồn tài trợ cho công tác giảm nghèo từ các tổ chức quốc tế.
Cụ thể như, giai đoạn 2014-2017, NHNN đã chủ trì đàm phán chuỗi 03 khoản vay tín dụng ưu đãi hỗ trợ ngân sách nhà nước của Chương trình hỗ trợ quản lý kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh (EMCC) từ Hiệp hội phát triển Quốc tế (IDA) thuộc Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) với tổng giá trị tương đương 750 triệu USD để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2011-2018, NHNN đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, đàm phán và ký kết với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ngân hàng Thế giới (WB) 67 chương trình/dự án, với khoảng hơn 8,5 tỷ USD cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số
“Cùng với việc tăng cường năng lực cho NHCSXH, NHNN đã huy động được sự giúp đỡ của các chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ NHCSXH phát triển dịch vụ thanh toán, hoàn thành Báo cáo tư vấn xây dựng chiến lược chuyển đổi số của NHCSXH đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và Báo cáo tư vấn đánh giá thực trạng, đề xuất cải tiến công tác thanh toán tại hệ thống NHCSXH sử dụng công nghệ số”, bà Giang cho biết.
Những "minh chứng" vô giá
Chị Ngô Thị Nhung (dân tộc Nùng), sinh năm 1993, tổ viên của Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội phụ nữ thị trấn Lạc Tánh, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận, bộc bạch: “Sau bao nhiêu năm chờ đợi và mơ ước, năm 2023, gia đình tôi đã có được ngôi nhà mới, sạch sẽ khang trang, các con có điều kiện để ở, để học tập, vợ chồng tôi được an lòng hơn khi đi làm vào buổi đêm”.
Để có được thành quả như bây giờ là chặng đường 10 năm, kể từ năm 2014 khi chị Nhung lập gia đình riêng cuộc sống rất khổ sở, công việc hằng ngày là vào rừng nhặt củi khô, kiếm cây măng đem về bán, còn chồng thì ai kêu gì làm nấy. Khi vợ chồng sinh con đầu lòng, cuộc sống càng thiếu thốn, vất vả hơn, thậm chí còn rơi vào tình cảnh nợ nần khi con bị bệnh, vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi cọ nhau.
“Ước mơ một ngày nào đó gia đình có căn nhà nhỏ đủ chống lại cái nắng, cái mưa, cuộc sống không rơi vào tình trạng thiếu trước, hụt sau ngày càng mờ mịt hơn, nhiều lúc chỉ mong cả hai vợ chồng cùng khỏe mạnh, cùng chăm chỉ làm để có tiền, mà sao cái khổ, cái nghèo cứ đeo bám mãi thế”, chị Nhung nhớ lại.
Theo đó tháng 11/2022, nhận tiền vay 100 triệu đồng từ NHCSXH, hai vợ chồng chăm chỉ chăm sóc cây cao su của gia đình. Nhờ chăm sóc tốt, sản lượng cao su tương đối nhiều cùng với giá cao su khá ổn, gia đình chị Nhung đã đỡ khó khăn hơn, cuộc sống đỡ chật vật hơn. Điểm nhấn đối với gia đình chị Nhung là năm 2023 được Tổ Tiết kiệm và vay vốn, Hội Phụ nữ thị trấn, Ủy ban nhân dân thị trấn bình xét và được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt vay vốn xây nhà ở theo Nghị định 28 năm 2022 của Chính phủ.
Chị Nhung nói: “Gia đình đã tính toán, thống nhất cùng xây dựng căn nhà phục vụ cho đời sống sinh hoạt của gia đình gần 100 triệu đồng, trong đó 40 triệu đồng được hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước, 40 triệu đồng được vay từ NHCSXH cùng với số tiền tích góp và vay mượn thêm từ người thân”.
Ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội phát biểu tại Hội thảo. |
Ông Dương Quyết Thắng, Ủy viên HĐQT, Tổng giám đốc NHCSXH cho biết, những trường hợp sử dụng vốn vay NHCSXH thoát nghèo thành công như chị Nhung là rất nhiều trên 64 tỉnh, thành phố của đất nước. Và điểm tựa, là bàn đạp của những con người yếu thế với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” chính là NHCSXH.
Thông tin từ NHCSXH cho biết, tính đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 367.305 tỷ đồng, tăng 232.632 tỷ đồng (gấp 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn bình quân hằng năm đạt 10,6%. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 346.199 tỷ đồng, tăng 216.743 tỷ đồng so với cuối năm 2014, với hơn 6,8 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm đạt 10,4%.
Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 123.590 tỷ đồng, chiếm 35,6%/tổng dư nợ, với hơn 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ. Dư nợ cho vay tại huyện nghèo 33.546 tỷ đồng, chiếm 10%/tổng dư nợ, với gần 556 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 85.857 tỷ đồng, chiếm 25%/tổng dư nợ với trên 1,6 triệu khách hàng còn dư nợ.