ACB cho biết, khả năng lợi nhuận năm 2017 của ngân hàng này sẽ vượt chỉ tiêu 2.205 tỷ đồng đề ra. 9 tháng đầu năm, ACB đạt 2.004 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 61% và sau thuế đạt 1.526 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2016, qua đó hoàn thành 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Sacombank cũng là một trong những ngân hàng sớm cán đích lợi nhuận. Năm 2017, Sacombank lên kế hoạch đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 585 tỷ đồng, nhưng sau 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 1.025 tỷ đồng, cao gấp 5 lần cùng kỳ 2016 và vượt gần gấp đôi kế hoạch năm, thậm chí ngân hàng này còn ước tính lãi cả năm sẽ vượt 200% kế hoạch.
Ngoài các ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Techcombank, MB, HDBank, LienvietpostBank, OCB, TPBank… cũng đưa ra dự báo sẽ thu về hàng nghìn tỷ lợi nhuận trong năm nay.
Tín dụng ngành ngân hàng năm 2017 sẽ tăng khoảng 19%. Tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng được kiểm soát ở mức thấp và không còn áp lực trích lập dự phòng lớn cho các ngân hàng. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đến cuối tháng 9/2017 đạt 2,34%, giảm so với mức 2,46% của cuối năm 2016.
Lãnh đạo các nhà băng cho hay, bên cạnh hoạt động tín dụng tăng trưởng cao, sỡ dĩ nhiều ngân hàng đạt được lợi nhuận khả quan trong năm 2017 là nhờ quá trình xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, qua đó được hoàn nhập dự phòng rủi ro.
CTCK TP.HCM (HSC) nhận định, chất lượng nguồn thu nhập từ lãi và chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện đáng kể trong năm 2017. Chẳng hạn, lợi nhuận của ACB được cải thiện là do rủi ro thu nhập lãi thuần giảm trong tương lai thấp. Tỷ lệ nợ xấu thấp và không còn gánh nặng dự phòng đối với trái phiếu doanh nghiệp các công ty liên quan đến “bầu” Kiên. Tính đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ nợ xấu ACB được kiểm soát ở mức dưới 1%.
Lãnh đạo các nhà băng kỳ vọng, với mục tiêu tín dụng tăng trưởng tốt, đẩy nhanh được tiến trình xử lý nợ xấu trong những ngày còn lại của năm, dự phòng rủi ro cũng sẽ giảm theo, thậm chí được hoàn nhập, từ đó tác động tích cực lên lợi nhuận, bên cạnh điều kiện tăng doanh thu khi tăng trưởng tín dụng dần được cải tích cực.
Các chuyên gia tài chính – tiền tệ cũng nhìn nhận, lợi nhuận ngân hàng được cải thiện trong năm 2017 là nhờ tăng trưởng tín dụng trong năm nay rất khả quan. Với mức tín dụng khoảng 19% năm nay, lợi nhuận của nhà băng cũng tăng trưởng theo là điều đương nhiên.
TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cho rằng, các ngân hàng đã có nhiều bước tiến trong quá trình tái cơ cấu thời gian vừa qua, nhất là trong hoạt động quản trị rủi ro. Cùng với đó, nghị quyết về xử lý đi vào thực tế đã tác động tích cực lên lợi nhuận của các nhà băng trong năm nay và năm tới.
Ông Lê Anh Tuấn – Phó tổng giám đốc Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá, hoạt động của ngành ngân hàng Việt Nam đang dần được cải thiện sau quá trình đẩy mạnh tái cơ cấu. Lợi nhuận của các ngân hàng năm nay tăng trưởng đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đối với cổ phiếu “vua”, nhất là trước làn sóng lên sàn chứng khoán. Đồng thời, thị trường bất động sản ấm dần lên cũng tác động tích cực lên hoạt động tín dụng của các ngân hàng
“Mặc dù vậy, điều quan trọng là các nhà băng phải kiểm soát được rủi ro và chất lượng tín dụng mới kỳ vọng đạt lợi nhuận cao. Điều đó cũng có nghĩa, lợi nhuận sẽ phân hóa mạnh. Ngân hàng nào kiểm soát rủi ro tốt lợi nhuận sẽ tăng trưởng tích cực, ngược lại, sẽ phải dành phần lớn để trích lập dự phòng”, ông Tuấn nói.