Tín dụng cải thiện cuối năm, chảy mạnh vào sản xuất - kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Tăng trưởng tín dụng cải thiện rõ nét trong quý cuối năm khi cầu vốn tăng. Các ngân hàng đẩy mạnh vốn vào lĩnh vực ưu tiên (sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu…).
Tín dụng cải thiện cuối năm, chảy mạnh vào sản xuất - kinh doanh

Tín dụng tăng mạnh

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng đến ngày 29/11 đạt 11,9%, nhưng đến ngày 7/12 đã đạt 12,5%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (chỉ khoảng 9%), tổng dư nợ đạt khoảng 15,3 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, huy động vốn đạt 14,8 triệu tỷ đồng, tốc độ tăng huy động vốn đạt 7,36%/năm.

Như vậy, tốc độ tăng dư nợ cao hơn khá nhiều so với tốc độ huy động vốn. Điều này chứng tỏ, ngoài việc huy động vốn từ nền kinh tế của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng phải có động tác điều chỉnh hay đúng hơn là hỗ trợ thanh khoản, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại bằng các công cụ điều hành chính sách.

Lý giải nguyên nhân của việc tín dụng tăng nhanh hơn năm ngoái, ông Đào Minh Tú cho biết, nền kinh tế năm nay có nhiều điểm tích cực, xuất khẩu tăng nhanh, các doanh nghiệp nhìn chung đã quay lại tốc độ tăng trưởng của các năm trước. Tăng trưởng kinh tế tích cực hơn nhờ sự điều hành rất quyết liệt, đồng bộ của cả Trung ương, địa phương, của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, chính sách tài khóa, tiền tệ có sự kết hợp hài hòa, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, vay vốn, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Yếu tố có tính chất quyết định trong việc tăng trưởng tín dụng năm nay cao hơn năm ngoái là sự điều hành của NHNN, các địa phương. Ngay từ đầu năm, NHNN đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 15%, các địa phương cũng rất quyết liệt để đạt được mục tiêu này và cấp thêm room. Nếu không bị ảnh hưởng của bão số 3, thì tăng trưởng tín dụng năm nay còn có thể cao hơn.

Vốn chảy vào đâu?

Các ngân hàng đang đẩy mạnh vốn vào sản xuất, kinh doanh. So với đầu năm, lãi suất bình quân với các khoản cho vay mới hiện đã giảm 0,96%, giúp các doanh nghiệp hạ chi phí đầu vào và tích cực vay vốn hơn. Thông thường, cuối năm là thời điểm giải ngân rất tích cực, nên ngành ngân hàng hy vọng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 15%.

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Nam A Bank triển khai hàng loạt giải pháp tín dụng. Lãi suất cho vay tại ngân hàng này chỉ từ 6,4%/năm đối với VND, hạn mức cấp tín dụng lên đến 30 tỷ đồng/khách hàng, gói tín dụng lên đến 1.000 tỷ đồng. Đối với các doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ từ xuất khẩu, Nam A Bank áp dụng lãi suất vay USD ưu đãi chỉ từ 4,5%/năm.

Thời điểm cuối năm, nhu cầu vay kinh doanh, phát triển nông nghiệp, nông thôn, mua nhà, xây dựng hoặc sửa chữa nhà… tăng cao. Nam A Bank triển khai gói lãi suất vay chỉ từ 3,2%/năm, không phí định giá tài sản bảo đảm. Đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường tính đến thời điểm hiện tại, áp dụng cho khách hàng cá nhân.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong dịp cuối năm 2024, Eximbank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất vay USD. Các doanh nghiệp chưa từng phát sinh quan hệ tín dụng tại Eximbank được hưởng mức lãi suất ưu đãi chỉ 3,7%/năm. Đối với các doanh nghiệp đang có quan hệ tín dụng tại Eximbank, mức lãi suất vay USD áp dụng từ 3,8%/năm.

Eximbank cũng triển khai gói tín dụng 1.000 tỷ đồng với lãi suất vay VND từ 5,25%/năm dành riêng cho các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam (VBCI)… Lãnh đạo cấp cao Eximbank cho hay, cuối năm, cầu vốn của khách hàng tăng, nên Ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong dịp cuối năm, ACB cho vay 5.000 tỷ đồng vốn giá rẻ và tiếp tục nâng lên 10.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Agribank đưa ra gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay chỉ từ 2,6%/năm; 2 gói tín dụng với tổng quy mô 110.000 tỷ đồng với lãi suất từ 3,5%/năm dành cho doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất chế biến, kinh doanh nông, lâm, thủy, hải sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM cho hay, lãi suất cho vay thấp, bình quân khoảng 4%/năm, là yếu tố chính góp phần trực tiếp hỗ trợ chi phí sử dụng vốn cho các doanh nghiệp, giúp giảm giá thành sản xuất, từ đó giá bán giảm hoặc giữ ổn định. Trong các tháng còn lại của năm, tín dụng sẽ tiếp tục thực hiện tốt vai trò hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan