Chịu áp lực lớn
Ngân hàng bán lẻ mất động lực từ mảng tín dụng lõi, tỷ trọng cho vay cá nhân của các ngân hàng bán lẻ đã giảm mạnh gần đây.
Thạc sỹ Lê Hoài Ân - giảng viên Trường đại học Ngân hàng TP.HCM cho biết, cho vay của ngân hàng bán lẻ đạt mức thấp nhất trong 5 năm qua, từ gần 65% vào năm 2022 giảm xuống 58,7% trong nửa đầu năm 2024.
Biến động trong cơ cấu danh mục cho vay của nhóm ngân hàng bán lẻ cho thấy, tín dụng tiêu dùng cá nhân không còn nhiều dư địa phát triển như giai đoạn trước.
Các số liệu về tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng cho thấy sức tiêu dùng yếu hơn trong năm 2024, với mức tăng trưởng chỉ 8-9%, thấp hơn nhiều so với các giai đoạn kinh tế thuận lợi trước đó.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp của nhóm ngân hàng này lại ghi nhận mức đỉnh mới vào năm 2023 khi đạt 32,3% - cao hơn gấp đôi so với tín dụng cá nhân, ở mức 12,1%. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong năm 2024.
Tín dụng doanh nghiệp của nhóm ngân hàng bán lẻ tăng trưởng lên đến 13,69% trong 6 tháng đầu năm, trong khi tín dụng cá nhân đạt 5,48%. Qua đó, có thể thấy, tín dụng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng và là trọng tâm trong chiến lược của nhiều ngân hàng bán lẻ nhằm bù đắp cho sự suy giảm của tín dụng cá nhân.
Tăng trưởng tín dụng thấp và NIM (biên lãi ròng) giảm là thực trạng phổ biến tại các ngân hàng đẩy mạnh bán lẻ hiện nay.
Chẳng hạn, tại BIDV, bán lẻ được xem là động lực tăng trưởng tín dụng quý cuối năm 2024 khi chiếm tỷ trọng 45% trong tổng dư nợ. Tuy nhiên, nhà băng này đang chịu áp lực thu hẹp NIM trước xu hướng giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng khó khăn do thiên tai.
Tính đến cuối quý II/2024, quy mô cho vay khách hàng của BIDV mới tăng 5,9% lên 1,88 triệu tỷ đồng, trong khi danh mục trái phiếu doanh nghiệp giảm 7% xuống 6.838 tỷ đồng.
Số liệu từ 2 quý đầu năm nay cho thấy, tốc độ tăng trưởng cao tập trung ở phân khúc bán lẻ tăng 8,3% (chiếm 45% tổng dư nợ), nhóm doanh nghiệp lớn tăng 5,9% (chiếm 34% dư nợ), nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 1,1%.
VIB và TPBank cũng có mức tăng trưởng tín dụng tương đối thấp tính đến cuối quý II/2024, đạt khoảng 5%. Việc tập trung vào tín dụng cá nhân và phải giảm mạnh lãi suất cho vay để kích cầu tiêu dùng gây ra tác động tiêu cực đến NIM của 2 ngân hàng này.
Dù vậy, sự giảm sút đó vẫn chưa đủ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cá nhân khiến các ngân hàng tiếp tục đối mặt áp lực giảm lãi vay mà vẫn phải đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Chưa thể khởi sắc trong ngắn hạn
Thực tế, để kích cầu tín dụng cá nhân mua nhà, tiêu dùng, các ngân hàng cũng như công ty tài chính đều rầm rộ tung ưu đãi, song cầu vốn khó tăng. Lý do bởi, lãi suất giảm chỉ trong thời gian ngắn, từ 3-6 tháng đầu, sau đó được thả nổi cộng với biên độ lên đến 3,5-5%/năm nên khi hết ưu đãi sẽ tăng cao trở lại, vì thế khó kích cầu vay vốn.
So với lãi suất cho vay doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vẫn chịu thiệt nhiều hơn khi phải trả lãi suất cao hơn, kể cả trong xu hướng giảm thấp như hiện nay.
Điều này phần nào lý giải chiến lược của ngân hàng trong việc duy trì NIM ở phân khúc khách hàng cá nhân để đóng góp tích cực vào nguồn thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, so với những năm trước, hiện NIM ở phân khúc tín dụng bán lẻ đã giảm.
Tại Agribank, khoản vay có thời hạn tối thiểu 3 năm sẽ có mức lãi suất cố định trong 12 tháng đầu tiên là 6,5%/năm. Với khoản vay thời hạn 5 năm, lãi suất cố định ở mức 7%/năm trong 24 tháng đầu.
Tại BIDV, mức lãi vay 5,2%/năm áp dụng trong 6 tháng đầu hoặc 5,5%/năm trong 12 tháng đầu với khoản vay có thời hạn tối thiểu 36 tháng.
Tại Vietcombank, các khoản vay ngắn hạn mức lãi suất từ 6,2%/năm trong 18 tháng; 6,5%/năm trong 24 tháng; 8%/năm trong 36 tháng. Tại VietinBank, với khoản vay ngắn hạn, mức lãi suất chỉ từ 5%/năm; đối với khoản vay trung - dài hạn, lãi suất khởi điểm từ 5,6%/năm.
Đối với nhóm ngân hàng tư nhân, BVBank áp dụng mức lãi vay 6,9%/năm trong 6 tháng; 8,49%/năm trong 18 tháng đối với khoản vay trên 24 tháng.
TPBank có lãi suất 6,8%/năm cố định trong 12 tháng đầu với khoản vay tối thiểu 48 tháng. VIB có lãi suất cố định trong 6 tháng đầu là 5,9%/năm; 12 tháng đầu là 6,9%/năm và 24 tháng đầu là 7,9%/năm tùy từng thời hạn…
Quả thực, so với lãi suất cho vay doanh nghiệp, khách hàng cá nhân vẫn chịu thiệt nhiều hơn khi phải trả lãi suất cao hơn, kể cả trong xu hướng giảm thấp như hiện nay. Điều này phần nào lý giải chiến lược của ngân hàng trong việc duy trì NIM ở phân khúc khách hàng cá nhân để đóng góp tích cực vào nguồn thu, lợi nhuận. Tuy nhiên, so với những năm trước, hiện NIM ở phân khúc tín dụng bán lẻ đã giảm.
PGS-TS. Nguyễn Hữu Huân (Trường đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng giảm thêm 1-2%/năm để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, kích cầu tiêu dùng, song ngân hàng cũng là doanh nghiệp nên phải cân nhắc bài toán lợi nhuận.
Trong đó, phân khúc bán lẻ luôn là mảng đem lại lợi nhuận cao, nhưng nếu không giảm lãi suất sẽ khó kích cầu vốn, kể cả với cho vay mua nhà, tiêu dùng và thực tế, tăng trưởng tín dụng ở phân khúc này gặp khó khăn trong nửa đầu năm nay.
“Lãi suất cho vay mua nhà, đất tại nhiều ngân hàng đang ở mức thấp, nhưng nhiều người vẫn có tâm lý dè dặt khi quyết định vay vào thời điểm này, kể cả với vay tiêu dùng. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn tác động lên hoạt động của doanh nghiệp và khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, nên dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm thấp hơn so cuối năm 2023, người dân vẫn ngại vay vốn ngân hàng để tiêu dùng”, ông Huân nói.
TS. Huỳnh Trung Minh - chuyên gia tài chính cũng đưa ra nhận định, với bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục, nhu cầu đầu cơ bất động sản giảm, trong khi những người có nhu cầu thực về nhà ở chưa dám vay vốn ngân hàng để mua, một mặt do kinh tế khó khăn thu nhập không còn như trước, mặt khác lãi suất tuy có giảm nhưng giá nhà vẫn ở neo cao khiến người mua phải tính toán kỹ. Vì khi có nhu cầu vay mua nhà, cá nhân cần có tối thiểu 30% vốn tự có, đồng thời phải tính toán việc thu nhập để cân đối việc trả nợ.
Đó cũng là một trong những lý do khiến tín dụng mua nhà khó tăng trong giai đoạn hiện nay, kể cả khi lãi vay giảm.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, dư nợ tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng 4,61% so với cuối năm 2023 và chiếm 21,51% tổng dư nợ nền kinh tế.
Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn là tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng (chiếm khoảng 60% tổng dư nợ), nhưng tăng trưởng tín dụng đối với nhu cầu này chỉ đạt 1,15%. Riêng dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng 10,29% và chiếm tỷ trọng khoảng 40% trong tổng dư nợ.
Trong năm 2023, nhu cầu vay mua nhà, đất của người dân chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt khi tín dụng chỉ tăng 1% - mức thấp nhất trong 5 năm qua, trong khi tín dụng chủ đầu tư tăng hơn 35%.
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 7,75% (tính đến ngày 7/9/2024) và dự báo có thể đạt mức tăng 15% cả năm như kế hoạch đã đặt ra.
Tuy vậy, theo ông Lê Hoài Ân, trong ngắn hạn, việc phát triển tín dụng bán lẻ sẽ còn gặp khó khăn với xu hướng tiêu dùng thấp của người dân, buộc các ngân hàng chuyên mảng bán lẻ phải điều chỉnh danh mục cho vay để duy trì tăng trưởng.
Đơn cử, VPBank duy trì mức tăng trưởng tín dụng 10,24% trong nửa đầu năm 2024, chủ yếu dựa vào sự gia tăng cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp, khi tín dụng cá nhân chỉ tăng 2,93%. Hơn 20% danh mục của VPBank là cho vay bất động sản, giúp ngân hàng này đạt được NIM ổn định khi giảm tỷ trọng cho vay tiêu dùng.
Trong khi đó, tỷ trọng cho vay cá nhân tại ACB vẫn chiếm 65% danh mục tín dụng trong 6 tháng đầu 2024, chủ yếu tập trung vào các ngành thương mại và sản xuất gia công.