Nợ xấu bất động sản không đáng lo
Trao đổi với Đặc san Ngân hàng 2022, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm gần đây, dòng vốn từ hệ thống ngân hàng chảy vào lĩnh vực địa ốc đã giảm từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này trong suốt năm 2021.
Dòng vốn từ hệ thống ngân hàng chảy vào lĩnh vực địa ốc đã giảm từ mức 26% của năm 2018 xuống còn 12% vào cuối năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này trong suốt năm 2021.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục phát tín hiệu sẽ giám sát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay bất động sản, nhất là tại những phân khúc có yếu tố đầu cơ hay cho vay phát triển dự án. Mới nhất, tại công văn số 1976/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng, cơ quan quản lý yêu cầu các ngân hàng kiểm soát tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng tại các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao bao gồm bất động sản, chứng khoán, dự án BOT - BT và trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá đất đảm bảo đúng quy định của pháp luật…
Theo ông Jens Lottner, Tổng giám đốc Techcombank, việc Ngân hàng Nhà nước “siết” tín dụng bất động sản là nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ. Mặt khác, bất động sản là một trong những trụ cột của nền kinh tế, trong khi nguồn cung nhà ở hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, cho nên Nhà nước sẽ có những giải pháp phù hợp để phát triển thị trường này.
“Trong 5 năm qua, Techcombank chưa gặp vấn đề nào đối với các khoản vay bất động sản, tỷ lệ nợ xấu lĩnh vực này gần như bằng 0. Dẫu vậy, các chính sách cho vay bất động sản thời gian tới sẽ tiếp tục được duy trì theo hướng kiểm soát chặt rủi ro”, ông Jens Lottner nói.
Chia sẻ thêm, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, những năm qua, Ngân hàng chủ yếu tập trung cho vay người có nhu cầu mua nhà ở thực, cho vay những dự án tốt, hạn chế tối đa cho vay các sản phẩm có yếu tố đầu cơ, dự án chưa đầy đủ pháp lý…
“Một dự án bất động sản nếu được quy hoạch và phát triển tốt sẽ mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nên những dự án được đầu tư bài bản, pháp lý đầy đủ vẫn được xem xét giải ngân. Điều này sẽ giúp cải thiện nguồn cung sản phẩm trung cấp và bình dân vốn đang rất khan hiếm trên thị trường, mang lại cơ hội tiếp cận nhà ở cho đại bộ phận người dân”, ông Hồ Hùng Anh nói.
Tại Đại hội cổ đông thường niên 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho hay, Ngân hàng đang kiểm soát tốt việc cho vay bất động sản, hiện dư nợ lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 2% tổng dư nợ, tương đương khoảng 30.000 tỷ đồng, nên nợ xấu bất động sản không phải là vấn đề đáng lo.
Còn dư địa cho vay lĩnh vực địa ốc
Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank cho biết, tỷ lệ cho vay bất động sản trong tổng dư nợ (gần 400.000 tỷ đồng) tại Ngân hàng hiện chiếm khoảng 22%. Trong đó, tỷ trọng cho vay mua nhà ở, cho vay tiêu dùng chiếm tới 60%, còn cho vay phát triển dự án chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank nhìn nhận, trong bối cảnh nợ xấu có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, việc cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ hơn việc cho vay bất động sản là phù hợp.
Tại VPBank, ông Vinh chia sẻ, cho vay bất động sản chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ và gần 40% dư nợ mảng bán lẻ là cho vay người mua nhà, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Do đó, VPBank còn dư địa cấp tín dụng cho lĩnh vực này, nhất là với dự án được đầu tư bài bản, đầy đủ pháp lý.
“Nhờ kiểm soát chặt cho vay bất động sản nên dù thị trường diễn biến kém tích cực cũng ít ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng của VPBank”, ông Vinh nhấn mạnh.
Lãnh đạo OCB cũng cho hay: “Đến cuối năm 2021, tổng dư nợ cho vay bất động sản tại Ngân hàng ở mức 32%, nhưng hơn 70% trong đó là cho vay mua nhà ở, chỉ 9% cho vay liên quan đến các dự án bất động sản”.
Tại SHB, ông Võ Đức Tiến, Phó chủ tịch HĐQT kiêm phụ trách điều hành Ngân hàng cho biết, hiện dư nợ cho vay bất động sản của SHB chiếm 6,75% tổng dư nợ và lượng trái phiếu doanh nghiệp sở hữu là 6.600 tỷ đồng, trong đó 4.100 tỷ đồng là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản.
Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú thông tin: “TPBank luôn bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Hiện dư nợ cho vay bất động sản ở mức dưới 6% tổng dư nợ và hầu hết đều có tài sản đảm bảo, các dự án vay vốn đều có phương án kinh doanh khả thi nên được đánh giá không gây rủi ro cho Ngân hàng”.
Theo Tổng giám đốc ABBank Nguyễn Mạnh Quân , trong năm 2021, dư nợ bất động sản tăng, nhưng chiếm tỷ trọng không cao, khoảng 6% tổng dư nợ, còn cho vay nhà ở chiếm 17% tổng dư nợ.
“Trong thời gian tới, ABBank vẫn có thể đẩy mạnh cho vay bất động sản nhà ở nếu còn room tín dụng”, ông Quân nói.
Ông Lưu Trung Thái, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc MBBank chia sẻ: “Dư nợ cho vay bất động sản tại MBBank được kiểm soát dưới 10% và nợ xấu lĩnh vực này cũng ở mức thấp. Thời gian qua, MBBank có cho vay kinh doanh bất động sản và mua nhà ở của cá nhân. Hiện nhu cầu vay mua nhà ở của cá nhân vẫn rất lớn”.
Báo cáo thị trường địa ốc quý I/2022 của Bộ Xây dựng cho biết, tính đến 31/3/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 783.942 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 188.105 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng dư nợ tín dụng hoạt động này; các dự án văn phòng cho thuê đạt 45.532 tỷ đồng (5,8%); các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 33.335 tỷ đồng (4,3%); các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 33.509 tỷ đồng (4,3%); các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.898 tỷ đồng (7,4%).
Riêng dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 121.153 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,4%; cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 101.071 tỷ đồng (12,9%); đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 203.339 tỷ đồng (25,9%).