Tín dụng bất động sản tăng trên nền lãi suất thấp

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh còn yếu, thì tín dụng bất động sản vẫn tăng trong các tháng đầu năm nay, một phần nhờ mặt bằng lãi suất cho vay giảm hợp lý hơn.
Tín dụng bất động sản tăng trên nền lãi suất thấp

Tăng trưởng tích cực

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tín dụng bất động sản và chứng khoán là hai lĩnh vực tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2024, lần lượt tăng 0,23% và 2,56% so với cuối năm 2023. trong báo cáo mới được công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của NHNN cũng cho biết, tính đến ngày 29/2/2024, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 1,114 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20.700 tỷ đồng so với cuối năm 2023 (tương đương tăng 1,86%).

Theo số liệu của NHNN, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 2/2024 đạt 13.467.585 tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2023, tương ứng mức thu hẹp gần 101.393 tỷ đồng. Như vậy, mức tăng trưởng tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cao hơn nhiều mức tăng trưởng tín dụng chung của toàn nền kinh tế.

Tín dụng nền kinh tế bắt đầu tăng trưởng dương trở lại trong tháng 3/2024. Theo đó, lũy kế đến gần cuối tháng 3/2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng gần 1,4%.

Thực tế cũng cho thấy, kết thúc quý I/2024, cho vay bất động sản vẫn là lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng, bất chấp thị trường còn nhiều khó khăn. Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý I/2024, tín dụng tại Techcombank tăng 6,4%, lên 563.900 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng cho hoạt động kinh doanh bất động sản tăng hơn 17.000 tỷ đồng, lên hơn 194.000 tỷ đồng.

Ngoài Techcombank, bất động sản cũng góp phần không nhỏ trong tăng trưởng tín dụng của nhiều ngân hàng khác. Tại MSB, lĩnh vực cho vay bất động sản và hạ tầng tăng từ 8,83% ở cuối quý IV/2023 lên 13,42% vào cuối quý I/2024, tương đương hơn 7.792 tỷ đồng. Tại SHB, kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 trong tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng, chiếm 16,65%.

Thích hợp vay mua nhà

Cho vay kinh doanh bất động sản là một trong những lĩnh vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong dư nợ tín dụng của VPBank, với mức tăng từ 19,53% cuối quý IV/2023 lên 20,25% trong quý I/2024. Không chỉ lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhiều ngân hàng cũng mạnh tay trong cho vay bất động sản tiêu dùng. Cụ thể, VPBank cho vay cá nhân để mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tới 16,88% trong tăng trưởng tín dụng quý I/2024.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho vay, hiện dư nợ bất động sản của Ngân hàng khoảng 100.000 tỷ đồng, chiếm 20% tổng dư nợ cho vay, nhưng phần lớn là cho vay bất động sản cá nhân, còn dư nợ cho vay bất động sản dự án chỉ có 9.000 tỷ đồng.

NHNN đã có nhiều chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ tín dụng bất động sản, cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay bất động sản với khách hàng cá nhân), tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư, người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng khi có nhu cầu.

TS. Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính cho rằng, lãi suất cho vay đang giảm về mức hợp lý hơn so với giữa năm 2023. Cùng với đó, giá bất động sản ở phân khúc phù hợp không tăng quá nhiều trong gần một năm qua, nên đây là thời điểm thích hợp để khách hàng cá nhân xem xét vay vốn mua nhà, căn hộ để ở.

Quan sát thị trường, cũng có thể thấy rằng, các dự án có pháp lý rõ ràng, giá cả phù hợp, nhất là đối với những phân khúc căn hộ có giá từ 5 tỷ đồng trở xuống và nhà phố giá 6-8 tỷ đồng, luôn có giao dịch. “Thị trường bất động sản được dự báo sẽ ấm dần lên trong hai quý còn lại của năm 2024, nhưng trước mắt cũng chỉ ở những phân khúc phù hợp với nhu cầu của thị trường”, ông Minh nói và cho rằng, với mức lãi suất 5-6%/năm, những người có nhu cầu về nhà ở có thể xem xét vay mua nhà.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nhu cầu về nhà ở của người dân luôn có và tăng cao, nhất là ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội… Vì vậy, việc mặt bằng lãi vay giảm sẽ kích thích nhu cầu vốn của cá nhân vay mua nhà để ở, từ đó thúc đẩy tăng trưởng của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, các ngân hàng nên tập trung vào phân khúc tín dụng nhà ở, tức là đẩy mạnh cho cá nhân vay mua nhà ở, thay vì tập trung hỗ trợ vốn cho các chủ đầu tư bất động sản.

Tin bài liên quan