Thị trường bất động sản rất khó “ngấm” bài học bong bóng

Thị trường bất động sản rất khó “ngấm” bài học bong bóng

Tín dụng bất động sản: Rà soát liều lượng, tránh bẫy bong bóng

Sự ấm lên của thị trường bất động sản khiến tín dụng bất động sản phục hồi mạnh nhất trong vòng 5 năm qua, nhưng giới chuyên gia cảnh báo, ngân hàng và doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn có thể rơi vào “bẫy” bong bóng bất cứ lúc nào.

Tín dụng ấm theo thị trường bất động sản

Từ đầu năm đến nay, tín dụng đã phục hồi mạnh mẽ và dự báo có thể tăng 17% trong năm nay. Tính đến ngày 20/9, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 10,8% (cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 6,6%). Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2011 đến nay.

Kinh tế phục hồi, tín dụng tăng là điều dĩ nhiên. Song điểm đáng chú ý nhất của tín dụng từ đầu năm đến nay là tín dụng bất động sản đang có mức tăng trưởng cao hơn con số trung bình của toàn hệ thống. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến đầu tháng 9/2015, tín dụng bất động sản tăng 13%.

Như vậy, tín dụng bất động sản đã có sự phục hồi mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tín dụng bất động sản phục hồi là điểm đáng mừng cho cả nền kinh tế lẫn các ngân hàng.

“Tín dụng rất cần thiết để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chúng tôi đang rà soát lại liều lượng, tránh tái diễn bong bóng bất động sản như trước đây”, ông Đông cho biết.

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, dù tăng trưởng cao hơn bình quân toàn hệ thống, song tín dụng bất động sản mới chiếm tỷ trọng 8% tổng tín dụng toàn hệ thống. Tỷ trọng này chưa phải là con số đáng lo. “Trong chỉ đạo điều hành, Ngân hàng Nhà nước luôn quán triệt tập trung vào tăng trưởng sản xuất - kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ”, bà Hồng khẳng định.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng, tín dụng bất động sản năm nay có thể tăng 15%, với quy mô ước đạt khoảng 340.000 tỷ đồng.

Sẽ ấn định liều lượng cho từng ngân hàng?

TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc Trường Đào tạo cán bộ Ngân hàng BIDV cho rằng, tín dụng bất động sản 3 năm gần đây phục hồi tích cực hơn trước, cao hơn tín dụng bình quân toàn hệ thống khoảng 1-2%. “Theo  tôi, mức tăng tín dụng bất động sản hiện nay là có thể chấp nhận được”, TS. Lực nhận xét.

Chung nhận định này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong thời kỳ 2006 -2010, tín dụng bất động sản chủ yếu rót vào đầu cơ. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, dòng tín dụng đã nhắm đến nhu cầu thực (mua nhà để ở), vốn đầu cơ chỉ chiếm phần nhỏ. Do đó, rủi ro từ tín dụng bất động sản ít hơn giai đoạn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cho rằng, cho vay bất động sản luôn có hệ số rủi ro cao nhất, bong bóng bất động sản luôn có nguy cơ quay lại, nên cảnh giác không bao giờ là thừa. Các doanh nghiệp không nên lệ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng. Ngược lại, các ngân hàng cũng cần lường trước những rủi ro của việc đẩy vốn vào bất động sản, tăng cường kiểm soát sử dụng vốn đúng mục đích.

“Giống như đàn ông khó vượt bài học ‘mỹ nhân kế’, thị trường bất động sản rất khó ‘ngấm’ bài học bong bóng”, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các đơn vị rà soát và nghiên cứu tiếp về tín dụng bất động sản. Rất có thể, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng bất động sản tùy theo phương hướng phát triển, thế mạnh và sức khỏe của từng ngân hàng, cũng như theo mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế ở từng giai đoạn.

“Tín dụng bất động sản vẫn đang ở mức bình thường, nhưng để hạn chế và ngăn chặn bong bóng bất động sản, chúng tôi đang nghiên cứu liều lượng tín dụng bất động sản để nguồn vốn đi đến đúng đối tượng có nhu cầu, tránh đầu cơ và tăng trưởng quá nóng”, ông Nguyễn Tiến Đông cho hay.

Theo ông Đông, nhiều chuyên gia cho rằng, tỷ trọng tín dụng bất động sản trong tổng tín dụng khoảng 10% là phù hợp. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng có một phương hướng hoạt động khác nhau, nên liều lượng tín dụng bất động sản sẽ khác nhau. Bên cạnh đó, tùy từng thời điểm mà Ngân hàng Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh liều lượng tín dụng bất động sản.

Tin bài liên quan