Tín dụng 2019, mức tăng trưởng 14% là hợp lý

Tín dụng 2019, mức tăng trưởng 14% là hợp lý

(ĐTCK) TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng. Theo vị chuyên gia kinh tế này, vấn đề không phải là tăng bao nhiêu, mà quan trọng là chất lượng và hiệu quả tín dụng. 

Kế hoạch từ đầu năm 2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 17%, nhưng đến cuối năm, con số đạt được ở mức 14%. Theo ông, mức tăng trưởng tín dụng như vậy có thấp và điều đó ảnh hưởng gì tới nền kinh tế?

Nếu nói mức tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2018 là thấp thì chưa hẳn đúng. Lý do là chúng ta có một năm tăng trưởng kinh tế tốt vượt kỳ vọng, đạt 7,08%, lạm phát được duy trì ở mức thấp dưới 4%, kể cả lạm phát cơ bản cũng thấp. Như vậy, nhìn rộng ra cả nền kinh tế có thể thấy, chính sách tiền tệ đã giữ được ổn định vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng. Vì vậy, con số tăng trưởng tín dụng 14% có thể nói là vừa phải, đảm bảo giảm thiểu được rủi ro cho nền kinh tế, mà vẫn hỗ trợ được tăng trưởng.

Cùng với đó, chúng ta cũng nên nhìn vào các khía cạnh tích cực khác, khi dòng tiền đã đi vào đúng nơi cần đi hơn, vừa tạo tăng trưởng, vừa kiểm soát tín dụng tại các lĩnh vực gây rủi ro cho nền kinh tế như bất động sản, chứng khoán...

TS. Võ Trí Thành

Từ năm 2011 đến nay, tại mỗi nghị quyết, Chính phủ luôn đặt trọng tâm ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu, trong đó có những giải pháp quan trọng, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ, tài khoá, cắt giảm đầu tư công, tiết kiệm chi tiêu thường xuyên. Với chính sách tiền tệ, Chính phủ chủ trương thực thi chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiềm chế lạm phát; điều hành và kiểm soát để bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%, tổng phương tiện thanh toán khoảng 15 - 16%;  tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm tốc độ và tỷ trọng vay vốn tín dụng của khu vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán…

Việc kéo giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng phù hợp với khuyến nghị của các tổ chức quốc tế, khi mà tỷ lệ dư nợ tín dụng so với GDP của Việt Nam đã lên tới 130% - một mức rất cao và nếu duy trì tốc tăng trưởng tín dụng cao như những năm trước, có thể gây bất ổn cho hệ thống tài chính.

Phải chăng là tăng trưởng đã giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng?

Tăng trưởng dựa vào nhiều yếu tố, không chỉ là câu chuyện vốn, tín dụng. Có 4 vấn đề cần phải nhận thức rõ trong câu chuyện tín dụng và tăng trưởng.

Thứ nhất, sự dịch chuyển nguồn vốn. Nếu như trước kia, dòng vốn tín dụng có xu hướng đổ vào những lĩnh vực đầu cơ, ít tạo ra những giá trị gia tăng cho tăng trưởng, thì nay dòng vòn tín dụng đang được tập trung vào nền kinh tế thực, tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Thứ hai, một trong những động lực cho kinh tế của Việt Nam là vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho tăng trưởng. Mấy năm gần đây, dòng vốn này chảy rất mạnh vào Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chế biến - chế tạo, nên đã hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào tín dụng.

Thứ ba, việc huy động vốn qua kênh chứng khoán như phát hành trái phiếu, cổ phiếu... được đẩy mạnh hơn. Điều này giúp các doanh nghiệp và rộng hơn là nền kinh tế giảm bớt sự phụ thuộc vào tín dụng.

Thứ tư, tín dụng cho vay tiêu dùng tạo cầu cho sản xuất.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp năng suất lao động được nâng lên, chất lượng tăng trưởng được cải thiện cũng giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng hơn.

Vậy mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm 2019 có hợp lý, thưa ông?

Năm 2019, mục tiêu tín dụng 14% là vừa phải, thậm chí có thể thấp hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là con số bao nhiêu, mà là chất lượng và hiệu quả tín dụng. Mục tiêu xuyên suốt trong điều hành chính sách tiền tệ là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng ở mức hợp lý, đồng thời đảm bảo hoạt động trôi chảy của hệ thống tài chính ngân hàng gắn với tái cấu trúc… Xét về dài hạn, ổn định tăng trưởng tín dụng cũng là một trong những tiền đề để nền kinh tế phát triển bền vững, chất lượng hơn. Vì vậy, theo tôi, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay là hợp lý.

Mặt khác, mặc dù kiểm soát lạm phát ở mức thấp, ổn định kinh tế vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, song cũng không thể bỏ qua mục tiêu tăng trưởng vì còn liên quan tới việc làm, an sinh xã hội… Do đó, tăng trưởng tín dụng, cung tiền cần được duy trì ở mức hợp lý.

Chưa kể, mức độ bất định của kinh tế toàn cầu trong năm nay cũng khá cao: Tăng trưởng toàn cầu chậm lại, thị trường tài chính biến động bất thường, xung đột thương mại gia tăng… Tất cả những điều đó đòi hỏi các chính sách kinh tế nói chung, chính sách tiền tệ nói riêng, phải được điều hành hết sức linh hoạt, bám sát diễn biến kinh tế trong nước và thế giới.

Tín dụng 2019, mức tăng trưởng 14% là hợp lý ảnh 2

Nói tóm lại, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% chỉ mang tính định hướng, không phải là cố định, còn con số cụ thể là 14%, 15% hay 16%... là linh hoạt, tùy thuộc vào diễn biến kinh tế trong nước và thế giới. Vấn đề rất cần lưu tâm trong năm nay là phải giảm thiểu được sự bất lợi từ những bất định của môi trường bên ngoài với những kịch bản khác nhau, góp phần quan trọng tạo nên "sức đề kháng" trước các cú sốc.

Tăng trưởng kinh tế tốt trong khi tăng trưởng tín dụng thấp, ông có cho rằng, đây là thời cơ NHNN bỏ trần tăng trưởng tín dụng?

Đứng ở góc độ giảm thiểu méo mó, để hiệu quả hơn cho tín dụng, tốt nhất là không có trần tăng trưởng tín dụng. Tất cả những can thiệp hành chính đều có sự méo mó. Nhìn lại lịch sử, trần tăng trưởng tín dụng đã được áp dụng từ năm 1990, đến giai đoạn 1996-1997 đã được dỡ bỏ. Tuy nhiên, những năm gần đây, NHNN đã quay lại áp dụng cơ chế trần tín dụng. Sở dĩ như vậy cũng bởi nền kinh tế có những bất ổn, hệ thống ngân hàng có những rủi ro, cần phải có sự can thiệp theo kiểu mệnh lệnh hành chính để ổn định kinh tế vĩ mô.

Trên thực tế, điều này cùng với một số biện pháp hành chính khác như trần lãi suất huy động VND dưới 6 tháng; trần lãi suất huy động USD… đã góp phần duy trì ổn định thị trường tiền tệ, qua đó góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô.

Dù vậy, biện pháp hành chính nào cũng có hạn chế và giải pháp là phải xóa bỏ để trở về với cơ chế thị trường. Thế nhưng, điều kiện hiện tại chưa thật chín muồi khi hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự "khỏe", vẫn còn tồn tại những ngân hàng yếu kém, cho dù kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp.

Một vấn đề khác cũng cần được quan tâm, đó là giám sát và tuân thủ, bởi việc áp đặt biện pháp hành chính vốn dễ hơn so với thực thi, đặc biệt là thực thi sao cho đúng.

Vậy theo ông, chính sách tín dụng năm 2019 cần lưu ý những vấn đề gì?

Theo tôi, tinh thần chung vẫn là chặt chẽ, cẩn trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường khả năng chống chịu biến động của nền kinh tế. Dù vậy, cũng phải dự cảm trước nhiều kịch bản.

Có 2 kịch bản cần lưu ý. Một là triển vọng kinh tế tốt hơn, tích cực hơn. Có thể cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc sẽ đi tới hồi kết hoặc cân bằng hơn, giúp rủi ro, bất định với kinh tế thế giới được giảm thiểu, giá cả thị trường thế giới cũng không có quá nhiều biến động. Khi đó, chính sách tiền tệ có thể sẽ không chịu quá nhiều áp lực.

Hai là nền kinh tế tiếp tục bất ổn, kinh tế thế giới suy giảm, giá cả thế giới giảm, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Lúc ấy, chính sách tiền tệ lại cần linh hoạt, mềm mại hơn, không nên quá chặt chẽ sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan