Là một trong 2 ngân hàng chủ lực trong việc thực hiện tín dụng chính sách tại khu vực trung du miền núi phía Bắc, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến 31/7/2019, trên địa bàn khu vực trung du và miền núi phía Bắc Agribank đang triển khai 4 chương trình chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm.
Những chương trình tín dụng chính sách đều hướng đến những đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách riêng theo định hướng phát triển của Nhà nước, Chính phủ nhằm hỗ trợ các khách hàng có cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn và Nghị định 116/2018/NĐ-CP.
Đến nay, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc đạt trên 100.000 tỷ đồng chiếm 78,4% tổng dư nợ nền kinh tế của khu vực. Dư nợ nông nghiệp nông thôn đầu tư chủ yếu cho các ngành như: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (37%), đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, tiêu dùng trên địa bàn nông thôn…
Đồng thời, Agribank cũng đang tích cực triển khai các chương trình tín dụng chính sách khác với kết quả cụ thể như sau:
Cho vay giảm tổn thất sau thu hoạch theo Quyết định 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định 65/2011/QĐ-TTg, Quyết định 68/2013/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ triển khai cho vay tại 12 chi nhánh với dư nợ đạt 86 tỷ với trên 500 khách hàng;
Cho vay ưu đãi lãi suất theo chương trình hỗ trợ các huyện nghèo tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP dư nợ đạt trên 500 tỷ đồng (với 12.000 khách hàng) chiếm 40,3% dư nợ cho vay theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP toàn hệ thống Agribank;
Cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP 07/01/2013 của Chính phủ với dư nợ đạt trên 260 tỷ đồng (gần 1.000 khách hàng); (iv) Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới dư nợ đạt trên 33.000 tỷ đồng với gần 250.000 khách hàng.
Mặc dù vậy, ông Phạm Huy Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vẫn đề xuất, các ngân hàng tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý, bố trí nguồn vốn với lãi suất ưu đãi để cho vay khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào chuỗi giá trị, mạng sản xuất.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại bổ sung quy định tài chính tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay là dự án, phương án sản xuất kinh doanh nếu đảm bảo khả thi, hiệu quả, trả nợ ngân hàng làm tài sản bảo đảm. Nâng mức cho vay tối đa không có tài sản bảo đảm của cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ”, ông Hùng nói.
Hội nghị về công tác tín dụng đối với các đối tượng ưu tiên, đối tượng chính sách tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc tại Mộc Châu - Sơn La
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thừa nhận, nhu cầu vốn tín dụng chính sách cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung còn rất lớn.
Trong khi đó, việc bố trí vốn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của các chương trình tín dụng chính sách xã hội được Chính phủ giao cho NHCSXH thực hiện, nhất là tại một số chương trình tín dụng có nhu cầu vốn lớn như chương trình cho vay giải quyết việc làm, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn…
“Một số địa phương, việc bố trí nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương của UBND các cấp chuyển sang NHCSXH để cho vay đối với các đối tượng chính sách trên địa bàn hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng được kịp thời nhu cầu vốn của hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn”, ông Thắng nói.
Ông Thành đề xuất tạo điều kiện cho Agribank tăng vốn điều lệ, giao phục vụ các dự án với lãi suất hợp lý để Agribank mở rộng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng chính sách; chương trình cho vay hỗ trợ lãi suất, hàng năm liên bộ đi kiểm tra, thẩm định, tính toán, cân đối ngân sách rồi mới được cấp bù lãi suất; sẽ không bao giờ việc cấp bù lãi suất được thực hiện dứt điểm vì số dư còn nên số phải cấp bù phải sinh.
“Hiện tại, số dư phải cấp bù diễn biến hàng ngày đã lên 2.300 tỷ đồng nhưng vấn chưa được cấp bù khiến một vài chi nhánh có khó khăn một chút nhưng tổng thể toàn Agribank không gặp vấn đề gì. Chi nhánh nào gặp khó khăn liên quan đến vấn đề này sẽ được ghi nhận, lúc nào được cấp bù, tài chính được tăng lên, lợi nhuận được tăng lên”, ông Thành khuyến nghị.