Có gặp, có nghe, thậm chí, có là thành viên của các chung cư, rồi trực tiếp chứng kiến các “va đập” mới thấy được sự nhiêu khê của chốn an cư mà nhiều chỗ… chưa an này.
Đó cũng là lý do mà dù không có trong danh sách khách mời, nhưng vẫn có rất đông cư dân, ban quản lý các khu chung cư tại TP.HCM đến dự cuộc tọa đàm “Vận hành bất động sản đa sở hữu: Đi tìm tiếng nói đồng thuận” do Báo Đầu tư tổ chức cuối tuần qua.
Cũng bởi đó là chủ đề nóng, nên cuộc tọa đàm bị “lố” mất gần 2h đồng hồ so với kế hoạch của Ban tổ chức, và đến gần 14h chiều vẫn có rất đông cư dân ngồi nghe, cùng những cánh tay giơ lên xin phát biểu ý kiến.
Chia sẻ với người viết, bà Vũ Ngọc Hương, Tổng giám đốc Công ty Venus, một doanh nghiệp chuyên nghiệp về quản lý, vận hành chung cư tại TP.HCM cho biết, nhìn vào bề nổi của sự việc, quản lý các tòa nhà chung cư tưởng chừng chỉ là các công việc tay chân đơn giản như lễ tân, bảo vệ, vệ sinh, thu gom rác, xử lý côn trùng, chăm sóc cây xanh… Tuy nhiên, càng đi sâu vào thì mới thấy được đây là lĩnh vực đầy thách thức, với muôn vàn khó khăn đối mặt mỗi ngày, mà mỗi loại hình bất động sản lại có quy trình quản lý và yêu cầu dịch vụ khác nhau.
Quả vậy, có thể ví von rằng, bàn giao căn hộ giống như giai đoạn nàng dâu mới về nhà chồng, với rất nhiều vấn đề nhạy cảm và dễ gây ra những xung đột. Và nếu ví mẹ chồng là những khách hàng, nàng dâu là chủ đầu tư, và người chồng là đơn vị quản lý, vận hành, thì việc mỗi bên trong câu chuyện ba người cùng chủ động chia sẻ, cởi mở và lắng nghe nhau, thì đó chính là những viên gạch đầu tiên cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Theo bà Nguyễn Hương, Tổng giám đốc Công ty Đại Phúc Land, với các chủ đầu tư, vấn đề cần quan tâm nhất là đảm bảo 2 vấn đề cho khách hàng: chất lượng đúng cam kết và duy trì chất lượng dịch vụ.
Khách hàng mua sản phẩm có 2 kỳ vọng chính ở 2 yếu tố này, đảm bảo tốt cho họ cả quá trình sinh sống sau này. Vì vậy, xây dựng bất động sản và bàn giao thì quan tâm tiếp theo là duy trì được dịch vụ này như kỳ vọng, mong đợi của khách hàng.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến xảy ra tranh chấp, đó là việc đưa ra cam kết nhưng không thực thi cam kết.
Dù hành lang pháp lý cho chung cư đã tương đối đầy đủ, nhưng ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận rằng, một số nội dung chưa tối ưu, chưa đi đến được tận cùng vấn đề.
Đặc biệt, theo ông Hưng, việc đặt mình vào vị trí của nhau ít khi được thực hiện. Khi xảy ra tranh chấp vẫn chưa chủ động ngồi với nhau, nên xung đột đẩy lên cao gây ra hiện tượng căng băng rôn. Muốn có tiếng nói đồng thuận phải có cách nhìn, cách hiểu về các quy định trong các văn bản pháp luật giống nhau. Các quy định pháp luật hiện tại tương đối đầy đủ, mặc dù vẫn còn vài quy định chưa tối ưu hết.
“Đối với một số tranh chấp thì ngồi xuống, gặp mặt nhau, giải thích các căn cứ pháp luật cũng rất cần thiết. Đồng nghĩa với việc phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật. Tới cuối tháng 6/2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 02, xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan trên cổng thông tin điện tử của bộ. Với nhiều ý kiến đóng góp, tôi tin rằng sẽ có thể tìm được tiếng nói đồng thuận cho vấn đề vận hành bất động sản đa sở hữu hiện nay”, ông Hưng nhấn mạnh.
Và trong những nỗ lực đi tìm tiếng nói đồng thuận, đòi hỏi rất nhiều sự thấu hiểu, cảm thông của nhiều nhân tố: từ người dân, chủ đầu tư cho đến các đơn vị quản lý vận hành.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com