“Sẽ nỗ lực để khơi thông gói 30.000 Tỷ Đồng”
ông Nguyễn Văn Bình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Đẩy mạnh giải ngân gói 30.000 tỷ đồng sẽ phần nào hỗ trợ khơi thông thị trường bất động sản và tác động tích cực đối với việc xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, gói vốn 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất hỗ trợ người thu nhập thấp mua nhà là đề xuất của Ngân hàng Nhà nước, còn phần thực hiện phải dưới sự chỉ đạo của Chính phủ mà đầu mối là Bộ Xây dựng. Do đó, không thể tránh những ách tắc trong quá trình thực hiện, chúng tôi sẽ tiếp tục có các kiến nghị lên Chính phủ để tháo gỡ khó khăn, giúp khách hàng cá nhân có điều kiện dễ tiếp cận vốn vay mua nhà.
Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn khan hiếm, chưa đáp ứng được nhu cầu, nên cần phải đẩy nhanh hơn tiến độ chuyển đổi công năng các dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội để giúp người thu nhập thấp có cơ hội lựa chọn sản phẩm khi được ngân hàng hỗ trợ lãi suất vay. Còn ngành ngân hàng sẽ nỗ lực để khơi thông gói tín dụng này trong năm 2014, vì khi các giải pháp kích cầu tín dụng bất động sản được đẩy mạnh sẽ tác động tích cực không chỉ với thị trường nhà đất mà còn giải quyết nợ xấu cũng sẽ tốt hơn.
“Người dân thấy đủ điều kiện vay mua nhà, hãy đến VietinBank”
ông Phạm Huy Hùng Chủ tịch HĐQT Vietinbank
Tính đến ngày 31/12/2013, Vietinbank cam kết cho vay khách hàng cá nhân 157,7 tỷ đồng và số tiền giải ngân được là 114,9 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ đồng. Số tiền cho vay vẫn chưa nhiều bởi nguồn cung nhà ở xã hội còn ít, dù Vietinbank đã rất tích cực phối hợp với nhiều chủ đầu tư bằng việc tài trợ trực tiếp. Dự kiến đến cuối năm 2014, khi tiến độ xây dựng được đẩy nhanh, mạnh, có thêm nhiều nhà ở xã hội, chắc chắn Vietinbank sẽ giải ngân được nhiều hơn.
Là 1 trong 5 ngân hàng được lựa chọn tham gia cho vay chương trình này, trong năm 2014, Vietinbank sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa cho vay theo gói 30.000 tỷ đồng thông qua hàng loạt các biện pháp: đầu tiên là dành đủ vốn để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là cán bộ công chức, lực lượng vũ trang… Ngân hàng sẽ tăng cường liên với chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, từ đó tạo điều kiện cho khách hàng cá nhân vay vốn dễ dàng hơn. Người dân đáp ứng đủ điều kiện cho việc vay vốn ngân hàng mua nhà ở xã hội mà thấy khó khăn trong việc đi vay, đến Vietinbank, chúng tôi sẽ giải quyết.
“Thị trường sẽ ‘ấm nóng’ trở lại trong năm nay”
ông Dương Đức Hùng Giám đốc khối Ngân hàng bán lẻ - ANZ Việt Nam
Thị trường bất động sản Việt Nam trong năm qua vẫn tiếp tục vận hành theo xu hướng có lợi cho người mua nhà. Nhiều khu đô thị, nhà ở hay chung cư đã giảm giá tới 50% so với mức đỉnh. Có thể thấy, giá bất động sản hiện tại đang rất hấp dẫn những người có nhu cầu mua nhà để ở. Không chỉ có vậy, lãi suất cho vay mua nhà/ thế chấp nhà tại các ngân hàng đều đã giảm xuống mức hợp lý, chỉ bằng một nửa so với 2 năm trước.
Năm 2014, tôi quan sát thấy có một vài động lực có thể thúc đẩy thị trường phát triển mạnh hơn. Ví dụ, gói 30.000 tỷ đồng đang được Chính phủ chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh giải ngân trong năm 2014. Không chỉ có vậy, gần đây, Thủ tướng cũng yêu cầu nới quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Một điểm đáng chú ý nữa là, theo thống kê năm qua, số lượng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam đạt hơn 21 tỷ USD, trong đó, số vốn đăng ký vào thị trường bất động sản ghi nhận khoảng hơn 800 triệu USD, đứng thứ 3 trong các lĩnh vực đầu tư. Điều này cũng mang lại kỳ vọng tạo nên một lực đẩy mới cho ngành.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là niềm tin của người mua cũng đã được cải thiện trong năm qua khi Chính phủ tiến hành rà soát một loạt các dự án bất động sản và chỉ cấp phép cho các dự án có năng lực tài chính tốt.
“Khách hàng trung tâm sẽ là những người có nhu cầu cấp bách về nhà ở”
ông Nguyễn Ngọc Tâm Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB)
Lĩnh vực cho vay cá nhân mua nhà ở trong những năm vừa qua luôn được
MHB chú trọng. Vì vậy, năm 2014, khi nguồn cung nhà ở xã hội của thị trường đã khả quan hơn, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ lãi suất cho vay thấp đối với người mua nhà ở xã hội; sự phối hợp giữa các bộ/ngành và cơ quan chức năng tại các địa phương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (như xác nhận về thực trạng nhà ở, thu nhập) nhịp nhàng hơn, MHB tiếp tục tăng cường làm việc với các địa phương để triển khai mô hình đầu tư nhà ở.
Trong đó, chúng tôi xác định: đối tượng trung tâm của việc đầu tư phát triển nhà ở là người có nhu cầu cấp bách mua nhà; đầu tư phải chú trọng vào phân khúc nhà phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của người mua tại từng địa phương; thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa các bên: Nhà nước - nhà đầu tư (DN kinh doanh nhà) - người mua - ngân hàng.
Đồng thời, MHB sẽ tiếp tục thông qua mạng lưới các chi nhánh và điểm giao dịch rộng khắp toàn quốc thực hiện quảng bá và hướng dẫn thủ tục cho khách hàng vay vốn để có thể giúp người dân có nhu cầu tiếp cận nhanh và thuận lợi hơn trong việc mua nhà.
“Sẽ có thêm nhiều người tính đến chuyện vay tiền mua nhà”
ông Trần Ngọc Tâm Phó tổng giám đốc NamA Bank
Nhu cầu mua nhà của người dân luôn có và ngày càng gia tăng, nhất là với những thành phố dân nhập cư đông như TP. HCM hay Hà Nội. Hiện lãi suất cho vay mua nhà ở cũng dần được điều chỉnh từ mức cao 17 - 18%/năm của những năm 2011 - 2012, xuống còn khoảng 12 - 14%/năm trong giai đoạn hiện nay.
So với trước đây, giá bất động sản cũng giảm dần về mức hợp lý hơn so với thu nhập của người dân. Các ngân hàng thương mại cũng rộng cửa hơn đối với tín dụng bất động sản.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập của những người làm công ăn lương không dư giả nhiều như trước. Vì thế, nhu cầu vốn mua nhà của khách hàng cá nhân vẫn còn khá chậm.
Tâm lý của khách hàng vẫn muốn đứng ngoài xem xét tình hình và kỳ vọng lãi suất, giá nhà giảm thêm trong năm sau mới tính đến chuyện vay tiền mua nhà. Nhiều khả năng, tín dụng bất động sản, nhất là với cho vay mua nhà sẽ cải thiện rõ nét hơn trong năm sau.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung cho vay dòng sản phẩm vừa túi tiền”
ông Phạm linh Phó tổng giám đốc OCB
Không chỉ với các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh mà ngay cả với chủ đầu tư bất động sản cũng đã được chúng tôi rà soát các dự án tốt để tài trợ vốn trong thời gian qua. Đặc biệt, trong năm 2013, oCB đã ký hợp đồng tài trợ giải ngân cho một số chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên, phân khúc khách hàng mà oCB lựa chọn trong lĩnh vực bất động sản là những dòng sản phẩm dành cho người thu nhập thấp nhưng ổn định, có nhu cầu về nhà ở thực sự. Chẳng hạn như các dự án Ehome của Nam Long.
Sở dĩ chúng tôi chỉ chọn dòng sản phẩm vừa túi tiền của khách hàng để tài trợ vì đây là những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu khách hàng trong bối cảnh thị trường bất động sản còn khó khăn. Mặt khác, rủi ro trong cho vay lĩnh vực bất động sản luôn được cảnh báo nên oCB cũng thận trọng khi chọn lọc các dự án để tài trợ vốn, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, nhu cầu vốn của khách hàng hiện nay vẫn còn thấp nên một số dự án đã cam kết hợp đồng tín dụng song tiến độ giải ngân khá chậm so với kỳ vọng. Lãi suất tài trợ cho chủ đầu tư dự án bất động sản là thả nổi theo diễn biến của lãi suất thị trường. Riêng với khách hàng mua nhà, lãi suất cho vay được oCB áp dụng từ 12 - 14%/năm.