Tìm thế cân bằng cho game Việt

0:00 / 0:00
0:00
Dù không ngại cạnh tranh với các tên tuổi của ngành game thế giới, nhưng doanh nghiệp game trong nước đang chịu sự bất bình đẳng khá lớn, nhất là khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế.
Sự kết hợp công nghệ AI, blockchain đã tạo ra nhiều game thú vị, mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới.

Sự kết hợp công nghệ AI, blockchain đã tạo ra nhiều game thú vị, mang đến cho người dùng những trải nghiệm mới.

Doanh thu từ mảng game sụt giảm mạnh

Đại hội đồng cổ đông của Công ty cổ phần VNG (mã VNZ) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với mục tiêu doanh thu thuần đạt 9.281 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022.

Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế kế hoạch của VNG dự kiến âm 572 tỷ đồng, giảm 63% so với năm 2022. VNG cho biết, mức lỗ giảm nhiều là do Công ty đã tối ưu chi phí vận hành cũng như thận trọng hơn trong các khoản đầu tư mới.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ cả năm của VNG đạt hơn 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm xuống mức thấp kỷ lục với mức lỗ 1.534 tỷ đồng. Khoản lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ 1.077 tỷ đồng.

Từ trước đến nay, nguồn thu chính của VNG đến từ mảng trò chơi (game) và quảng cáo trực tuyến, với tốc độ tăng trưởng cao theo từng năm. Tuy nhiên, năm 2022, trụ cột chính là game đã chứng kiến sự đi xuống. Cụ thể, mảng kinh doanh game chỉ đạt 5.444 tỷ đồng, giảm gần 1.000 tỷ đồng so với năm 2021.

Đây là lần đầu tiên trong 10 năm qua, doanh thu game của VNG giảm mạnh. Trước đó, trong các năm 2014 và 2018, mảng này cũng từng hụt hơi, nhưng sau đó tăng mạnh trở lại. Dù vậy, hiện tại, game vẫn chiếm gần 70% tổng doanh thu của VNG.

Từ năm 2023, bên cạnh 3 trụ cột là trò chơi trực tuyến (games online), nền tảng kết nối (Zalo) và fintech (ZaloPay), chuyển đổi số (VNG digital business) trở thành mảng kinh doanh cốt lõi của VNG.

Riêng mảng games online, VNGGames tiếp tục tăng nhận diện tại các thị trường ngoài Việt Nam và tập trung chủ yếu ở Đông Nam Á. Thế mạnh phát hành trò chơi trực tuyến vẫn được Công ty tận dụng tối đa nhằm nhanh chóng mở rộng thị phần ở các thị trường mới trong khi tối ưu chi phí vận hành.

VNGGames cũng hướng đến hợp tác với các đối tác quốc tế, đẩy mạnh đầu tư dài hạn để duy trì những tựa game có chất lượng tốt, vòng đời lâu dài. VNGGames đã cho ra mắt và vận hành hơn 80 tựa game tự phát triển trong và ngoài nước.

Kết thúc quý I/2023, doanh thu thuần của VNG đạt hơn 1.852 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do chi phí gia tăng và các khoản lỗ đến từ công ty liên doanh, liên kết, VNG báo lỗ sau thuế hơn 90 tỷ đồng.

Thận trọng, chờ cơ hội

Thị trường game Việt vài năm qua không có nhiều biến động. Về phát hành game, VNG và Garena (thuộc Sea Limited) là những tên tuổi kiếm nhiều tiền nhất. Nhóm tiếp theo gồm Gamota, Funtap, Sohagame, VTC, VGP...

Còn với mảng phát triển game, do đặc thù game phát hành toàn cầu, kiếm tiền từ quảng cáo của Google và nhiều doanh nghiệp thành lập ở Singapore, dòng tiền không về Việt Nam, nên không có thống kê chính xác. Tuy nhiên, có thể kể đến các tên tuổi đình đám như OneSoft, Amanote, Skymavis, với doanh thu từ 50 đến 100 triệu USD mỗi năm.

Thực tế thị trường đang cho thấy, không riêng VNG, mà Gamota (Appota Group) cũng đang rất thận trọng trước những biến động. Trước năm 2018, mảng phát hành game là trụ cột của Appota Group, mang lại hơn 80% nguồn thu cho Công ty, 20% còn lại đến từ quảng cáo và thanh toán.

Ông Trần Vinh Quang, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị, đồng sáng lập Appota không tiết lộ doanh thu cụ thể, nhưng khẳng định Gamota vẫn nằm trong nhóm các nhà phát hành tầm trung, với mức doanh thu khoảng 20 - 40 triệu USD/năm.

Theo ông Quang, Appota rất thận trọng khi đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt được trong năm nay, chỉ khoảng 30 - 40 triệu USD (không tăng nhiều so với năm 2022 và 2021), đến từ các mảng: game, quảng cáo, thanh toán, dịch vụ phần mềm (SAAS), điện toán đám mây và mạng đa kênh (MCN). Appota đang đầu tư phát triển sản phẩm và hạ tầng, nhưng do tình hình khó khăn chung, nên thận trọng và không đẩy mạnh, thậm chí năm nay có thể lỗ vì đầu tư nhiều cho phát triển sản phẩm.

Các báo cáo đầu tư gaming hay thị trường gaming cũng cho thấy những số liệu rất ảm đảm. Kinh tế khó khăn, nhu cầu giải trí cũng giảm sút, người chơi game chi trả ít hơn. Các công ty quy mô lớn cắt ngân sách quảng cáo, sa thải nhiều... Trong bối cảnh chung đó, ông Quang dự báo, khoảng 3 năm nữa thì thị trường game mới trở lại như những năm trước đại dịch Covid-19.

Trong hai năm qua, thị trường game Việt được biết đến nhiều hơn trên toàn cầu nhờ sự đổi mới trong các game blockchain.

“Các nhà đầu tư nước ngoài nhạy cảm nhất với nền kinh tế hay triển vọng đầu tư tại mỗi quốc gia. Chưa cần xem các số liệu, chỉ riêng việc các quỹ đầu tư nước ngoài không còn rót vốn theo hiệu ứng fomo như 2 năm trước, cũng có thể biết kinh tế đang đi ngang hoặc đuối sức”, ông Quang chia sẻ.

Dẫu vậy, ông Quang cho rằng, giai đoạn này vẫn tốt hơn giai đoạn 2012 - 2014. Các công ty công nghệ Việt Nam đều hưởng lợi ở giai đoạn tăng trưởng của cả nước và thế giới (2015 - 2019), với nhiều vốn đầu tư, nhiều cơ hội mở rộng hợp tác.

Còn hiện tại, cũng như nhiều tên tuổi khác trên thị trường, thay vì đổ tiền làm marketing, Appota chỉ duy trì mức doanh thu vừa phải, tăng trưởng nhẹ và tập trung làm sản phẩm, nghiên cứu và phát triển (R&D) như AI hoặc blockchain.

Không ngại cạnh tranh với game ngoại

Trong đánh giá của các nhà làm game, thị trường game Việt Nam vẫn được coi là phát triển bùng nổ, nhưng khó lường.

Ngành game Việt hấp dẫn, vì có rất nhiều khía cạnh cần được đầu tư. Theo ông Antoine Brochet, đại diện Amazon Web Service, Việt Nam tập hợp một cộng đồng chơi game khá lớn và tích cực, nhiều lập trình viên tài năng, sáng tạo, cùng với nhiều doanh nghiệp năng động. Tuy nhiên, những lợi thế này vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp trên thế giới hiểu đúng.

“Nhiều đối tác của Amazon Web Service từ châu Âu, Trung Đông, Mỹ hoặc châu Phi rất ngạc nhiên khi nghe chúng tôi nói về số lượng game thủ ở Việt Nam và sự năng động của hệ sinh thái trò chơi ở đây”, ông Antoine Brochet chia sẻ.

Thời gian vừa qua, các công ty game nước ngoài ồ ạt đến Việt Nam khiến thị trường game Việt được chú ý nhiều hơn. Hệ sinh thái trong nước bắt đầu được công nhận và tôn vinh bên ngoài Đông Nam Á.

Ông Lã Xuân Thắng, Trưởng phòng Sản phẩm Game Studio 3 của VNG khẳng định, các doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh, bởi chúng ta đủ nhân lực, tiềm lực, nhân sự. Nhưng, cái khó với các nhà làm game trong nước là sự bất bình đẳng, khi phải đối mặt với game lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, vốn không chịu sự kiểm soát về nội dung và thuế...

Việc game online vẫn phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo ông Trần Vinh Quang, sẽ dẫn tới “bảo hộ ngược”. Các tên tuổi nước ngoài sẽ “ẵm” trọn thị trường game Việt và điều đáng nói là, Việt Nam không thu được thuế, vì họ sẽ có cách phát hành qua Apple Store, Google Play.

Theo tính toán, hiện nay, để phát hành một game, tốn khá nhiều chi phí, trong đó chi phí bản quyền chiếm khoảng 23%; chi phí thuế và trung gian thanh toán chiếm 24%, chi phí marketing chiếm 20 - 30%, chi phí kho ứng dụng chiếm 15 - 30%, tùy quy mô doanh nghiệp. Mức lợi nhuận thu về khoảng 3 - 8%. Tuy nhiên, không phải game nào phát hành ra thị trường cũng thành công. Trên thực tế, trong 10 sản phẩm phát hành, chỉ có khoảng 4 - 5 game tồn tại được.

Nhìn nhận thẳng thắn, trình độ phát triển game lớn của Việt Nam hiện chưa thể so với Hàn Quốc, Trung Quốc. Nguyên nhân một phần do các doanh nghiệp chưa liên kết được để phát huy thế mạnh của nhau. Nếu các doanh nghiệp Việt tập hợp lại, thì có thể cùng phát triển và làm được những game lớn như ở nước ngoài.

Ở một góc nhìn khác, đại diện VTC cho rằng, người làm trong ngành game cần nhất là sự công bằng trên thị trường. Doanh nghiệp Việt vẫn đang bất lợi vì chưa tạo ra sản phẩm lớn trên toàn cầu, song đây cũng là lợi thế.

Ông Antoine Brochet nhấn mạnh, khi một nhà phát triển game nghĩ đến việc thâm nhập thị trường mới, điều quan trọng là họ phải nghiên cứu, hiểu rõ những đặc điểm của thị trường (hành vi người dùng, thói quen chi tiêu, văn hóa, ngôn ngữ, chiến thuật kinh doanh…) và xác định những điểm khác biệt phải thích ứng. Ví dụ: game có cần bám sát văn hóa bản địa về ngôn ngữ và phương thức thanh toán không, tiếp cận người dùng và xây dựng cộng đồng qua những kênh nào…

Trong hai năm qua, thị trường game Việt được biết đến nhiều hơn trên toàn cầu nhờ sự đổi mới trong các game blockchain. Có rất nhiều doanh nghiệp đang tiếp tục tìm hiểu cách kết hợp blockchain tốt nhất vào trải nghiệm chơi trò chơi thú vị, mang đến nhiều dấu hiệu tích cực. Bởi vậy, theo ông Antoine Brochet, các nhà phát triển game ở Việt Nam nên tận dụng lợi thế này, chia sẻ và tiếp tục học hỏi để tạo nên “làn sóng” game tiếp theo.

“Nếu lôi kéo được khoảng 20 nhà sản xuất game lớn trên thế giới hướng dẫn sản xuất game thì rất tốt”, ông Antoine Brochet nói. Đại diện Amazon Web Service cũng cho biết, hiện đã có một số công ty sản xuất game nước ngoài có mặt ở Việt Nam và sẵn sàng triển khai công tác đào tạo.

Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có những động thái bảo vệ và tìm lại sự công bằng cho doanh nghiệp game Việt.

Theo kế hoạch, sau 5 năm, doanh thu của ngành game Việt Nam sẽ đạt 1 tỷ USD (mức hiện tại là 600 triệu USD). Số lượng doanh nghiệp ngành game tăng từ 30 doanh nghiệp đang hoạt động hiện nay, lên 100 - 150 doanh nghiệp - con số trong thời kỳ hoàng kim của ngành. Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đặt mục tiêu kêu gọi 400 start-up sản xuất game tham gia cộng đồng.

Những kế hoạch này khiến các doanh nghiệp nội cảm thấy như được tiếp thêm động lực để phát triển, tập trung vào những sản phẩm chất lượng trong thời gian tới.

Tin bài liên quan