Tìm thấy động lực mới, giới đầu tư trở lại gom hàng

Tìm thấy động lực mới, giới đầu tư trở lại gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên ảm đạm, phố Wall lại quay lại với đà tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (10/8) sau khi Thượng viện Mỹ thông qua gói chi tiêu cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD.

Thứ Ba, dự luật cơ sở hạ tầng dài 2.700 trang mà Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy đã được thông qua tại Thượng viện. Các nghị sĩ của Đảng Dân chủ và Cộng hòa đã tranh cãi quyết liệt về các nội dung trong dự luật trước khi chấm dứt bằng phiên bỏ phiếu ngày 10/8. Với 69 phiếu thuận và 30 phiếu chống tại Thượng viện, dự luật sẽ được chuyển xuống Hạ viện để tiếp tục bỏ phiếu trước khi đến bàn làm việc của Tổng thống Biden.

Nếu chính thức có hiệu lực, đạo luật này sẽ dành 1.000 tỷ USD cho các dự án xây dựng cầu, đường, cơ sở hạ tầng trên khắp nước Mỹ trong 5 năm tới.

Ngoài ra, ngay trước thềm bỏ phiếu, một nhóm nghị sĩ Dân chủ đã công bố dự luật phân bổ ngân sách cho an ninh xã hội trị giá 3.500 tỷ USD. Quốc hội Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tranh cãi dữ dội với dự luật 3.500 tỷ USD vừa được công bố.

Dự luật này sẽ phân bổ số tiền khổng lồ trên trong vòng 10 năm, rót tiền cho các chương trình chăm sóc sức khỏe và giáo dục miễn phí, các sáng kiến cơ sở hạ tầng không nằm trong dự luật 1.000 tỷ USD và các chương trình khác nhằm chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu.

Cổ phiếu năng lượng, công nghiệp và vật liệu - những cổ phiếu có khả năng được hưởng lợi từ dự luật chi tiêu của ông Biden đã nhảy vọt trong phiên đêm qua.

Với việc các ca nhiễm Covid-19 mới gia tăng ở Mỹ, tiến bộ đạt được về gói cơ sở hạ tầng sẽ hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã đẩy số ca nhiễm và số ca nhập viện do Covid-19 tại Mỹ lên mức cao nhất trong sáu tháng, với trung bình 100.000 ca trong ba ngày liên tiếp, tăng 35% trong tuần qua.

Thị trường sẽ tập trung vào số liệu lạm phát trong tuần này để có cái nhìn sâu sắc hơn về các kế hoạch chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), sau bình luận của hai quan chức Fed vào thứ Hai rằng lạm phát đã ở mức có thể đáp ứng được kế hoạch tăng lãi suất.

Trong khi hai chỉ số Dow Jones và S&P 500 lập đỉnh mới thì Nasdaq Composite giảm điểm trong phiên đêm qua. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures có xu hướng giảm.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Dow Jones tăng 162,82 điểm (+0,46%), lên 35.264,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,4 điểm (+0,10%), lên 4.436,75 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 72,09 điểm (-0,49%), xuống 14.788,09 điểm.

Chứng khoán châu Âu được phủ xanh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, tiếp tục được hỗ trợ bởi báo cáo lợi nhuận mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, đưa triển vọng phục hồi kinh tế tích cực bất chấp những lo ngại về biến thể Delta gây Covid-19.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 28,74 điểm (+0,40%), lên 7.161,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 25,30 điểm (+0,16%), lên 15.770,71 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,03 điểm (+0,10%), lên 6.820,21 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ trong bối cảnh kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc, song mức tăng bị hạn chế bởi lo lắng về tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.

Chứng khoán Trung Quốc phục hồi nhờ nhóm cổ phiếu sản xuất rượu, ngay cả khi sự bùng phát trở lại của Covid-19 đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên khá tích cực, khi các nhà đầu tư quay lại tìm mua lại cổ phiếu công nghệ, vốn đã bị bán tháo mạnh bởi cuộc đàn áp liên quan đến các quy định gần đây của Bắc Kinh.

Chứng khoán Hàn Quốc giảm nhẹ do những lo lắng dai dẳng về sự lây lan của biến thể Delta gây Covid-19.

Kết thúc phiên 10/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 68,11 điểm (+0,24%), lên 27.888,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 35,30 điểm (+1,01%), lên 3.529,93 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 322,22 điểm (+1,23%), lên 26.605,62 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 17,23 điểm (-0,53%), xuống 3.243,19 điểm.

Giá vàng đêm qua vẫn tiếp tục đi xuống khi lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD tăng kìm hãm thị trường.

Kết thúc phiên 10/8, giá vàng giao ngay giảm 0,80 USD (-0,046%), xuống 1.828,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 5,30 USD (+0,31%), lên 1.729,70 USD/ounce.

Giá dầu hôm thứ Ba phục hồi sau đợt tổn thất gần đây do nhu cầu nhiên liệu gia tăng ở Mỹ bất chấp sự lây lan Covid-19.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) hôm qua đưa ra dự báo, tăng trưởng việc làm và nhu cầu đi lại sẽ thúc đẩy tiêu thụ xăng dầu trong tháng tới và trong cả năm 2021.

Tiêu thụ xăng của Mỹ dự kiến ​​sẽ đạt trung bình 8,8 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng từ mức 8 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Tuy nhiên, EIA cho biết mức tiêu thụ xăng của Mỹ sẽ duy trì dưới mức 2019 cho đến năm 2022 do xu hướng làm việc tại nhà.

Trong khi đó, theo hai nguồn tin thị trường, trích dẫn số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ hôm thứ Ba tiết lộ, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 816.000 thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/8.

Kết thúc phiên 10/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,81USD (+2,7%), lên 68,29 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,59 USD (+2,4%), lên 70,63 USD/thùng.

Tin bài liên quan