Vốn gián tiếp vào Việt Nam đang ở giai đoạn khá bình lặng.

Vốn gián tiếp vào Việt Nam đang ở giai đoạn khá bình lặng.

Tìm sự song trùng của cặp vốn FDI - FII

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng vốn FDI từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan vào Việt Nam sôi động đã kéo theo sự quan tâm và dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Triển vọng vốn FDI tiếp tục sáng

Tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 3 do Báo Đầu tư tổ chức tuần qua, giới chuyên gia và cơ quan quản lý đều chia sẻ chung nhận định, dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục mạnh mẽ.

Ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C nhận xét, dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có xu hướng tăng trưởng khi số lượng nhà đầu tư tăng dần qua các năm. Có 4 động lực giúp cho Việt Nam thu hút được vốn FDI, bao gồm: tham gia nhiều hiệp định thương mại, làn sóng đầu tư lớn từ xu hướng Trung Quốc+1, mức giá đất vừa phải trong tương quan với khu vực và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh các yếu tố kể trên, dưới góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, do sự tái định vị các quốc gia xuất khẩu nguồn vốn lớn, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng do sự kiện bất thường như dịch bệnh, xung đột địa chính trị cũng thúc đẩy làn sóng đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam.

Theo ông Tom Over, Giám đốc Hậu cần và Khu công nghiệp, Công ty JLL khu vực châu Á - Thái Bình Dương (JLL APAC), nếu như 5 - 7 năm trước, khách hàng của JLL APAC chỉ yêu cầu nghiên cứu về TP. HCM hay Hà Nội thì nay họ đã đòi hỏi phải nghiên cứu thêm các thành phố cấp 2 của Việt Nam cho thấy kỳ vọng về sự dịch chuyển đầu tư sang các thành phố tiềm năng khác.

Đặc biệt, trong tổng 36.400 ha diện tích đất khu công nghiệp, Việt Nam chỉ có 4% là nhà máy và kho bãi xây sẵn - một con số rất nhỏ so với nhu cầu của các nhà đầu tư lớn. Do đó, khi Việt Nam gia tăng số lượng nhà máy và kho bãi xây sẵn, điều này sẽ nhanh chóng mở ra một làn sóng đầu tư và phát triển hạ tầng khu công nghiệp tại Việt Nam.

Với từng nhà đầu tư, hiện Hàn Quốc là nước dẫn đầu về cả số dự án và số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2013 - 2023. Ông Choi Kyu Chul, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) chia sẻ, các nhà đầu tư lớn nhất của Hàn Quốc đều khẳng định họ sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, mở rộng đầu tư các dự án lớn tại Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Kỳ vọng vốn FII “nối sóng”

Sự khởi sắc của dòng vốn FDI đã thay đổi bộ mặt nhiều khu vực, thành phố của Việt Nam. Tại Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành phố lớn như Hải Phòng, Bắc Ninh,

Bình Dương, Đồng Nai… hình thành các khu phố tập trung người nước ngoài “ăn theo” các khu công nghiệp. Nhiều nhân sự cấp cao của các tập đoàn nước ngoài đã đưa gia đình họ sang sinh sống tại Việt Nam và quan tâm đặc biệt tới môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Ông Robert Kim, Tổng giám đốc Quỹ Asam (Hàn Quốc) cho biết, các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, họ có thể tăng tỷ lệ vốn đầu tư rót qua Asam, trong đó không chỉ mua cổ phiếu mà quan tâm lớn đến các tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu. Từ quy mô vài trăm tỷ đồng, hiện tổng vốn đầu tư qua quỹ mở Asam đã lên tới vài nghìn tỷ đồng.

Vấn đề quan trọng là Việt Nam cần có thêm hàng hóa có chất lượng để các nhà đầu tư nước ngoài có những thương vụ thành công, qua đó dễ dàng thu hút vốn gián tiếp vào Việt Nam. Asam từng rót 200 tỷ đồng vào trái phiếu chuyển đổi của TNG năm 2018, giá chuyển đổi sang cổ phiếu khoảng 13.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm trái phiếu đáo hạn. Với thương vụ này, Asam đã thắng lớn khi giá cổ phiếu TNG tăng mạnh vào thời điểm trái phiếu được chuyển đổi sang cổ phiếu. Có lô cổ phiếu sau khi chuyển đổi được Quỹ bán ra với giá cao hơn 2,5 lần.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+ cho biết, qua trao đổi với các nhà đầu tư Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ…, họ rất muốn đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng lúng túng vì thiếu thông tin. Việc mua bán (nếu có) do đó thường thực hiện qua các quỹ chỉ số hoặc nhà đầu tư lớn mới mua bán qua các công ty chứng khoán.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam dù chưa được ghi nhận là một thị trường mới nổi (EM) nhưng cũng đã hội nhập sâu rộng với dòng tiền đầu tư nước ngoài. Trong đó, rất nhiều quỹ mở và sản phẩm tài chính (như P-notes) giúp nhà đầu tư toàn cầu dễ dàng mua và bán chứng khoán Việt Nam. Do đó, mỗi khi dòng tiền toàn cầu vào kênh cổ phiếu có biến động lớn, thị trường chứng khoán toàn cầu và cả Việt Nam đều có biến động rất mạnh.

Trong 4 tháng, tính từ tháng 10/2022 đến tháng 1/2023, dòng tiền ngoại đã ồ ạt đổ vào Việt Nam mua ròng, tận dụng nhịp giảm mạnh của VN-Index. Sau đó, dòng tiền tiếp diễn mua ròng theo chủ đề thị trường mới nổi hưởng lợi nhờ USD Index giảm và Trung Quốc mở cửa. Tuy nhiên, khối ngoại đã bắt đầu bán ròng từ giữa tháng 2 dù có đợt review tăng tỷ trọng Việt Nam của VNM ETF và đợt huy động mới từ Fubon ETF trong tháng 3.

Cho đến nay, tổng giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường Việt Nam đạt gần 3,5 tỷ USD (tính theo giá trị danh mục đầu tư vào cuối quý II/2023). Dòng vốn FII mang đến nhiều ích lợi cho các doanh nghiệp trong nước, góp phần gia tăng nguồn lực tài chính và năng lực quản trị doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy phát triển hệ thống các nhà đầu tư, nhất là các tổ chức đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Các quy định về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam được thể hiện tại văn bản pháp lý quan trọng nhất về lĩnh vực chứng khoán là Luật Chứng khoán ban hành năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán năm 2010, rồi Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019.

Theo đó, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán có xu hướng được nới rộng, tăng từ 20% lên tối đa 49% tổng số cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch của một tổ chức niêm yết, đăng ký giao dịch hoặc quỹ đầu tư chứng khoán.

Kể từ năm 2015, khi Nghị định số 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành thì nhà đầu tư nước ngoài không còn bị giới hạn tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu tại các tổ chức phát hành, trừ trường hợp các tổ chức hoạt động kinh doanh có điều kiện hoặc các tổ chức bị hạn chế sở hữu theo các cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài không bị giới hạn sở hữu đối với trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam. Những quy định đó giúp thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển vượt bậc, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài tăng mạnh, lượng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục gia tăng.

Vốn ngoại giao dịch trên thị trường thứ cấp cho đến nay không chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam (7 - 8% giá trị khớp lệnh từng phiên) nhưng tính dẫn dắt của dòng vốn này vẫn thể hiện rõ nét. Vào tháng 11/2022, khi VN-Index rớt xuống 875 điểm, vốn ngoại đã ào ạt mua vào, tạo ra lực đỡ mạnh mẽ cho thị trường. Khi căng thẳng qua đi, nhà đầu tư nội bình tĩnh hơn, thị trường đã phần nào giảm mức độ tiêu cực và lấy lại sự cân bằng.

Với Quyết định 368/2022/QĐ-CP phê duyệt Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 21/3/2022, định hướng thu hút vốn ngoại là rất rõ ràng, song do phạm vi đầu tư có giới hạn khi các nhà đầu tư thường chỉ chấp nhận mua cổ phần của các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, có nhiều lợi nhuận hoặc có triển vọng phát triển trong tương lai, để thu hút thêm vốn ngoại đến và ở lại Việt Nam, rất cần thêm hàng hóa chất lượng trên thị trường.

Ông Kojima Kazunobu, chuyên gia tư vấn của JICA, Tư vấn trưởng Viện Nghiên cứu Daiwa cho rằng, số lượng công ty niêm yết và tỷ lệ cổ phiếu lưu hành có thể thanh khoản cần được cải thiện sau hơn 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam, từ đó khuyến khích các luồng đầu tư dài hạn, bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan