Tìm sự kiên định khi thị trường dao động

Tìm sự kiên định khi thị trường dao động

(ĐTCK) Chỉ số chứng khoán lại giảm sâu trong phiên giao dịch 23/10, mặc cho thông tin tích cực về nền kinh tế cũng như thông tin của 40 doanh nghiệp niêm yết đã báo lãi tháng 9 vượt kế hoạch năm được đưa ra thị trường. 

Thực tế này đặt ra câu hỏi, phải trông vào đâu để ra quyết định? Tin vào nền kinh tế, vào phản ứng của thị trường hay lắng nghe chuyên gia để ra quyết định giao dịch?

Câu hỏi này gợi nhớ đến một diễn biến. Cứ mỗi khi xuất hiện trước báo giới trong bối cảnh thị trường chứng khoán sụt giảm, Tổng giám đốc VinaCapital Andy Ho luôn nói: “Thị trường giảm là cơ hội mua vào”.

Nếu tra trên google thì tỷ lệ các bài phỏng vấn Andy Ho với những tít tương tự như vậy xuất hiện rất nhiều. Gần đây nhất, khi thị trường giảm mảnh do ảnh hưởng của thị trường Mỹ, ông Andy Ho nhận định, thị trường giảm là cơ hội mua vào những mã cổ phiếu có P/E dưới 18 lần và có tiềm năng tăng trưởng tốt.

Nhiều nhà đầu tư nhận xét, đại diện cho một quỹ đầu tư gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam và tài sản đặt toàn bộ ở Việt Nam, ông Andy Ho không thể nói khác.

Tuy nhiên, nhìn vào thực tế hoạt động của VinaCapital có thể thấy, nhận định của Andy Ho ở các thời điểm qua nhiều năm dù khá giống nhau nhưng đều đúng. Quỹ này vẫn đạt được các kết quả tốt trong đầu tư nhờ chiến lược mua vào khi thị trường giảm. Chỉ có điều, khi thị trường tăng nhanh, quỹ này bán ra hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn thì thị trường không được biết, hoặc chỉ biết khi Quỹ đã bán xong và mua trở lại.

Lần này, thị trường giảm điểm, ông Andy Ho vẫn nhìn nhận, đây là cơ hội đầu tư và chia sẻ, các cổ phiếu mà VinaCapital đã và đang mua vào là HPG, PNL, MWG…

Trong một diễn biến khác, đầu tuần trước, tại buổi tiếp xúc với báo giới, đại diện Công ty Chứng khoán TP. HCM nhận định, thị trường đến cuối năm có thể giảm về 800 điểm, tương đương với điểm số đầu năm.

Dù yếu tố nội tại của nền kinh tế vững và doanh nghiệp tăng trưởng tốt, nhưng rủi ro lớn từ thị trường nước ngoài tác động lên tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Nền kinh tế Mỹ đang tốt lên, lãi suất sẽ tiếp tục tăng, ảnh hưởng đến dòng vốn nước ngoài vào các thị trường như Việt Nam. Chưa kể, rủi ro thị trường Trung Quốc ngấm đòn chiến tranh thương mại có thể sẽ ảnh hưởng đến thị trường bất động sản Việt Nam.

Tại Công ty Chứng khoán MB, các môi giới lớn đang khuyến nghị khách hàng canh các nhịp phục hồi của thị trường để bán ra và bán trên thị trường phái sinh kiếm lời. Bởi theo dự đoán của nhóm môi giới lớn này, VN-Index có thể sẽ giảm xuống mức 850 điểm.

Theo tin tức thế giới, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) - cơ quan tạo lập chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố biên bản họp tháng 9, kiên định với lộ trình tăng lãi suất và dự kiến lần tăng lãi suất tiếp theo vào tháng 12, với xác suất 78,8%, đây sẽ là lần tăng thứ 4 trong năm nay.

Tại Trung Quốc, con số tăng trưởng GDP quý III/2018 đạt 6,5%, thấp hơn mức dự báo 6,6% và là mức tăng thấp nhất kể từ quý I/2009, ảnh hưởng một phần do chiến dịch giảm nợ và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung…

Nhiều ý kiến quan ngại, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động bất lợi, dù nền kinh tế vừa trải qua quý III tăng trưởng cao và các doanh nghiệp sản xuất dựa vào thị trường nội địa hứa hẹn hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2018 và tiếp tục tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, điệp khúc lạc quan của VinaCapital có vẻ lạc lõng, nhưng lại là một điểm tựa tâm lý quan trọng cho thị trường. Tâm thái lạc quan đó rất có thể sẽ thành sự thật khi tổ chức này giữ lại cho riêng mình vế thứ hai: thời điểm bán. Trên bình diện vĩ mô, trước sau gì thì TTCK cũng sẽ song hành với sức khỏe nội tại của nền kinh tế. Vấn đề là thời điểm và thời điểm thôi.

Tin bài liên quan