Thực tế thị trường bất động sản hiện nay cho thấy, bậc cha mẹ nào cũng muốn tìm kiếm chỗ ở tốt nhất, an toàn nhất cho con cái mình, nhưng còn rất nhiều khu đô thị, khu chung cư thiếu vắng các tiện ích tối thiểu như trường học, khu vui chơi trong nội khu, bỏ qua các quy chuẩn an toàn trong thiết kế, xây dựng hành lang, cầu thang, ban công…. Thực tế này khiến một tỷ lệ không nhỏ trẻ em, đặc biệt là trẻ em thành phố chưa đủ điều kiện phát triển toàn diện, thậm chí vừa qua còn xuất hiện nhiều vụ việc đau lòng liên quan đến cháy nổ, tai nạn tại chung cư với những nạn nhân trẻ.
Trao đổi tại tọa đàm, ông Hà Đình Bốn, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, thực tế mất an toàn trong không gian sống của trẻ em trong các khu chung cư xuất phát từ nhiều nguyên nhân như sự thiếu quan tâm của các bậc cha mẹ và gia đình, quan điểm tối đa hóa lợi nhuận của nhiều chủ đầu tư, các quy định pháp luật chuyên ngành còn khá lỏng lẻo về chế tài.
“Thời gian qua có rất nhiều các cuộc thanh kiểm tra các khu chung cư, nhưng theo thống kê của Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam thì chưa có cuộc thanh tra chuyên ngành nào dành riêng cho vấn đề kiểm tra quy chuẩn chỗ ở an toàn cho các đối tượng dễ bị tác động như trẻ em, người già”, ông Bốn nêu thực tế.
Đồng ý với quan điểm này, TS. Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đề cập sâu hơn đến ý thức tạo lập không gian sống an toàn cho cư dân nói chung và cư dân trẻ em nói riêng của các chủ đầu tư. Theo ông Đính, dù các quy định pháp luật chung đã tương đối đầy đủ, nhưng nếu chủ đầu tư chỉ tìm cách để tối đa hóa lợi nhuận trên từng đơn vị nhà ở thì họ sẽ có rất nhiều cách lách.
“Chúng tôi có dịp đi thăm quan nhiều khu đô thị ở nước ngoài, kể các các khu nhà ở bình dân, quy chuẩn an toàn được các chủ đầu tư quan tấm rất chi tiết, tỉ mỉ đến từng độ rộng khung sắt ban công, chiều cao từng bậc thang hay diện tích khu công cộng trên tỷ lệ người ở chung cư…”, ông Đính cho biết và khẳng định, tại Việt Nam, để hình thành các khu chung cư thực sự an toàn cho trẻ em thì bên cạnh sự tự nguyện của chủ đầu tư, cần làm rất nghiêm khâu hậu kiểm khi nghiệm thu cho chung cư vận hành với những tiêu chí cụ thể hơn và chế tài nghiêm khắc hơn.
Tại tọa đàm, các chuyên gia thống nhất sẽ tiếp tục phối hợp nghiên cứu và đề xuất các bộ tiêu chí về quy chuẩn chung cư an toàn, không gian sống an toàn cho trẻ em nói riêng và người dân nói chung lên các cơ quan quản lý chuyên ngành. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các thành viên thị trường bất động sản trong việc chung tay xây dựng những không gian sống an lành, hạnh phúc và an toàn cho trẻ em. Bên cạnh đó, như Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đề cập, vai trò quan trọng nhất, trực tiếp nhất là các bậc cha mẹ, những người cần được phổ biến rất kỹ về việc thế nào là một không gian an toàn cho trẻ.
“Chẳng hạn, nhiều bậc cha mẹ có mốt trồng rau, trồng cây xanh um cả ban công mà không biết rằng điều đó rất nguy hiểm cho cả con em mình và con em hàng xóm của mình. Chúng tôi đã lên tiếng nhiều nhưng thực tế chưa chuyển biến là mấy”, ông Tùng nêu ví dụ.