Dưới góc độ là chuyên gia về lĩnh vực thuế, bà đánh giá thế nào về hiệu quả chống chuyển giá của cơ quan thuế?
Hoạt động chống chuyển giá được Bộ Tài chính quan tâm kể từ năm 2005, bằng việc ban hành Thông tư 117/2005/TT-BTC. Nhưng phải đến năm 2010, tức là từ khi có Thông tư 66/2010/TT-BTC quy định về việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết thì hoạt động chống chuyển giá mới thực sự được đẩy mạnh.
Chỉ tính riêng năm 2016, qua thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã truy thu và phạt tiền 27,6 triệu USD; giảm lỗ 235 triệu USD, tăng so với năm 2015 tương ứng khoảng 20% và 70%.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá của cơ quan thuế ngày càng hiệu quả. Tuy nhiên, nhiều quy định trong Thông tư 66/2010/TT-BTC đã bộc lộ hạn chế, không còn phù hợp với hoạt động chống chuyển giá trong bối cảnh nền kinh tếnước ta đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.
Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 41/2017/TT-BTC để thay thế Thông tư 66/2010/TT-BTC.
Tôi cho rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP và Thông tư 41/2017/TT-BTC là nỗ lực của Chính phủ và Bộ Tài chính trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá và thực hiện Chương trình Hành động chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) đang được cơ quan thuế các nước trên thế giới thực hiện.
Bà có nghĩ rằng, Nghị định 20/2017/NĐ-CP đã khắc phục được hết những hạn chế, tồn tại của Thông tư 66/2010?
Nghị định 20/2017/NĐ-CP đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong giai đoạn xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chuyển giá tại Việt Nam kể từ năm 2005 trở lại đây.
Bà Đinh Mai Hạnh, Phó tổng giám đốc dịch vụ Tư vấn thuế (Deloitte Việt Nam)
Tuy nhiên, theo quan điểm của Deloitte Việt Nam, Nghị định 20/2017/NĐ-CP vẫn còn một số điểm cần phải có hướng dẫn rõ hơn.
Cụ thể, quy định về nghĩa vụ kê khai thông tin báo cáo lợi nhuận liên quốc gia của công ty mẹ tại nước ngoài sẽ tạo nhiều áp lực cho người nộp thuế.
Hay quy định thời hạn lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quá ngắn sẽ tạo áp lực và gánh nặng cho người nộp thuế do khối lượng thông tin yêu cầu tại hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết tương đối lớn, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều nhiều thời gian để thu thập và chuẩn bị.
Hy vọng, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung trên cơ sở đề nghị của cộng đồng doanh nghiệp.
Muốn chống chuyển giá có hiệu quả thì phải có tiền để xây dựng cơ sở dữ liệu. Thưa bà, vấn đề là, Nghị định 20/2017/NĐ-CP không để cập vấn đề này?
Cơ sở dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định cuộc thanh kiểm tra chống chuyến giá có thành công hay không. Chính vì vậy, cơ quan thuế nước nào cũng phải xây dựng, cập nhật, trao đổi, thu thập, mua thông tin… để có được bộ cơ sở dữ liệu về giá chuyển nhượng đầy đủ, kịp thời.
Nói chung, nước nào cũng phải đầu tư tài chính, thời gian và nguồn nhân lực thỏa đáng cho nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu.
Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định rất rõ cơ sở dữ liệu sử dụng trong kê khai, xác định, quản lý giá giao dịch liên kết của người nộp thuế; cơ sở dữ liệu sử dụng trong quản lý giá giao dịch liên kết của cơ quan thuế, trong đó bao gồm cả thông tin, dữ liệu trao đổi với các cơ quan thuế đối tác.
Với bước tiến lớn là việc ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP, tôi hy vọng, Tổng cục Thuế sẽ đầu tư thỏa đáng cho nhiệm vụ này từ nguồn chi hàng năm trong cân đối ngân sách nhà nước.
Thay vì chống chuyển giá, Việt Nam có nên hạ thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp để trở thành “thiên đường thuế” như British Virgin và Cayman chẳng hạn?
Thu hút đầu tư nước ngoài bằng cách nào là quyền của các quốc gia. Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế có thời hạn; ưu đãi tiền thuê đất nhằm thu hút đầu tư nước ngoài thay vì cạnh tranh về thuế suất.
Theo tôi, thay vì trở thành “thiên đường thuế”, Việt Nam nên cạnh tranh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bằng chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ; trình độ nhân lực, chi phí nhân lực hấp dẫn; môi trường đầu tư thông thoáng, dễ thực hiện.
Thay vì là nơi để doanh nghiệp xuyên quốc gia chuyển giá, Việt Nam nên tích cực tham gia vào Chương trình Hành động BEPS; tham gia các diễn đàn kinh tế về chống chuyển giá, chống gian lận thuế để phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan thuế các nước trên thế giới.
Song hành với hoàn thiện khung pháp lý về giá chuyển nhượng một cách rõ ràng, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật thuế.