Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có du lịch, đang có những diễn biến khả quan

Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có du lịch, đang có những diễn biến khả quan

Tìm “nhiên liệu” cho “cỗ máy” tăng trưởng GDP

(ĐTCK) Xét cả về xu hướng diễn biến như thường lệ mọi năm, lẫn các yếu tố thực tiễn, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý II/2017 sẽ cao hơn đáng kể so với mức tăng khá thấp của quý I vừa qua là 5,1%.

Dự báo GDP quý II/2017 tăng 5,6%

Sau khi GDP quý I giảm tốc, theo nhìn nhận của các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế sẽ được phục hồi từ quý II/2017.

“Trên cơ sở dự báo công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ có đà tăng trưởng cao hơn quý I, đồng thời mức sụt giảm của công nghiệp khai khoáng sẽ giảm, tỷ giá tương đối ổn định, tín dụng tiếp tục tăng cao..., theo kịch bản khả thi mà nhóm nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố, GDP ước đạt tốc độ tăng trưởng 5,6% trong quý II, sau đó tiếp tục tăng lên 6,4 và 7,1% lần lượt trong quý III và quý IV. Nếu đạt tốc độ tăng trưởng này, dự báo GDP năm nay ước tăng 6,2%”, TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia, chia sẻ tại Tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế quý II/2017”, do Trung tâm này tổ chức ngày 5/4.

Các động lực, nhất là quyết tâm cao của Chính phủ trong điều hành để GDP quý II tăng cao hơn quý I đang rõ nét

- TS. Cấn Văn Lực

Để GDP năm nay tăng 6,7% như kế hoạch đề ra, theo ông Đặng Đức Anh, GDP quý II phải tăng 6,27%, sau đó tăng trưởng thêm 7,03% và 7,61% lần lượt trong quý III và IV. Đây là kịch bản đầy thách thức và đòi hỏi những nỗ lực mang tính đột biến của các cấp, các ngành nếu muốn đạt mục tiêu đề ra.

Không đưa ra con số cụ thể dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II/2017 cao hơn bao nhiêu so với quý đầu tiên của năm nay, nhưng nhiều chuyên gia đồng tình với dự báo đà tăng trưởng của nền kinh tế sẽ phục hồi từ quý II.

Điều này không chỉ bởi xu hướng vận động mang tính lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua là GDP quý II thường có tốc độ tăng trưởng cao hơn quý I từ 0,2 - 0,4 điểm phần trăm, mà còn bởi tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Chính phủ vừa phát đi quyết tâm thúc đẩy GDP tăng trưởng cao hơn.

“Các động lực, nhất là quyết tâm cao của Chính phủ trong điều hành để GDP quý II tăng cao hơn quý I đang rõ nét. Một số dự báo quốc tế cho rằng, GDP của Việt Nam trong quý II ước tăng ở mức 6,3%”, TS. Cấn Văn Lực, Phó tổng giám đốc, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhìn nhận.

Trông chờ vào đâu?

Để thúc đẩy GDP tăng trở lại, ông Lực phân tích, phải trông chờ chủ yếu vào hai cửa là doanh nghiệp tư nhân và lĩnh vực dịch vụ. Điều tích cực là Chính phủ đang có những cải cách mạnh mẽ để tiếp sức cho khu vực dân doanh phát triển sản xuất, kinh doanh. Một khi các giải pháp này mang lại hiệu quả rõ nét trên thực tế, thì không chỉ có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong trước mắt mà cả trong trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, lĩnh vực dịch vụ, trong đó có du lịch, đang có những diễn biến khả quan. Việc Chính phủ đang tập trung chỉ đạo và coi đây là ngành mũi nhọn đang được kỳ vọng sẽ tạo ra dư địa phát triển mới cho ngành du lịch thời gian tới, qua đó có sẽ đóng góp tích cực hơn cho tăng trưởng kinh tế.

“Thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; phục hồi ngành công nghiệp khai khoáng với mức khai thác tương đương năm 2016; triệt để trong triển khai các giải pháp tại Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh..., sẽ là những giải pháp quan trọng cần được triển khai để hỗ trợ tích cực cho phục hồi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý II này cũng như cả năm”, ông Đặng Đức Anh đề xuất. Ông cũng cho rằng, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô đương nhiên phải được tiếp tục duy trì, để không chỉ gia tăng niềm tin trong giới đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, mà còn tạo đà cho phục hồi tăng trưởng GDP vững chắc.

Liên quan đến hướng phục hồi ngành công nghiệp khai khoáng, mà trọng tâm là khai thác dầu khí, TS. Lê Xuân Sang, Phó viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, điều quan trọng không phải là tăng sản lượng khai thác, nhất là trong bối cảnh giá dầu thế giới phục hồi chưa vững chắc, mà cần có giải pháp khả thi để giảm mạnh giá thành khai thác, nâng cao hiệu quả của ngành khai thác dầu ngay cả trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi.

Tin bài liên quan